Phòng vệ thương mại: Bảo vệ, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho ngành sản xuất trong nước

(Banker.vn) Việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã góp phần bảo vệ, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước.
Phòng vệ thương mại thời hội nhập: Mệnh lệnh thị trường và tiếng gọi trưởng thành Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xử lý hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại Bộ Công Thương gia hạn điều tra chống bán phá giá cáp thép dự ứng lực thêm 6 tháng

Khởi xướng điều tra 28 vụ việc phòng vệ thương mại

Thời gian qua, việc thực hiện cắt giảm thuế quan theo cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đưa mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt xuống rất thấp, nhiều dòng thuế ở mức 0%; xu thế bảo hộ thương mại tại nhiều nước, chi phí nhiều loại hàng hóa đầu vào, chi phí vận tải tăng cao... Trong bối cảnh đó, nhiều ngành sản xuất chịu thiệt hại bởi hàng hóa nhập khẩu.

Phòng vệ thương mại: Bảo vệ, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho ngành sản xuất trong nước
Công tác phòng vệ thương mại đã góp phần bảo vệ, là đã tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước

Vì vậy, nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước hàng hoá nhập khẩu, công tác phòng vệ thương mại đã được Bộ Công Thương đẩy mạnh. Tính đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 28 vụ việc phòng vệ thương mại và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu.

Các mặt hàng là đối tượng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tương đối đa dạng, bao gồm các sản phẩm kim loại (nhôm, thép, vật liệu hàn), hóa chất-chất dẻo (sorbitol, màng BOPP, phân bón DAP), hàng tiêu dùng cơ bản (bột ngọt, đường mía), trong đó có nhiều sản phẩm có mối quan hệ mật thiết và đặc biệt quan trọng đối với đời sống của người nông dân.

Bên cạnh đó, tính trong 6 tháng đầu năm 2024 Bộ Công Thương đã triển khai công tác điều tra, rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại, cụ thể gồm: Tiếp tục điều tra, rà soát 7 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 1 vụ việc mới; tiếp nhận và xử lý 7 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.

Hiện tại, có 4 biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực với các sản phẩm thép nhập khẩu, 1 biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm liên quan tới thép (vật liệu hàn) và 2 vụ việc đang trong quá trình điều tra liên quan tới sản phẩm cáp thép dự ứng lực và tháp điện gió.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội (AD01) và thép phủ màu (AD04) để đánh giá hiệu quả biện pháp cũng như khả năng tiếp tục gia hạn biện pháp thêm 5 năm nữa. Dự kiến trong tháng 10/2024 sẽ có kết quả rà soát của 2 vụ việc này.

Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng

Theo Bộ Công Thương, việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được đẩy mạnh đã góp phần bảo vệ, là đã tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bị bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước.

Trao đổi với Báo Công Thương, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương - Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh, nhờ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế, bên cạnh việc các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không công bằng còn tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Đặc biệt, ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp phòng vệ thương mại trong dài hạn giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và chống chịu tốt hơn trước các tác động và cú sốc từ bên ngoài.

Trong nhiều trường hợp, việc áp dụng phòng vệ thương mại đối với các nguyên liệu cơ bản cũng giúp tăng khả năng tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời làm giảm nguy cơ Việt Nam bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do ta đã chủ động và bảo vệ được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. "Bên cạnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng đóng góp hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế thu được vào ngân sách nhà nước"- ông Trịnh Anh Tuấn cho hay.

Trong thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục đẩy mạnh công hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại thông qua việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 10/2018/NĐ-CP trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác phòng vệ thương mại trong 5 năm qua.

Đồng thời, hoàn thành 2 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới, 5 vụ việc rà soát các biện pháp phòng vệ thương mại đã có trong kế hoạch công tác năm một cách công bằng, minh bạch, đánh giá kỹ tất cả các yếu tố và tuân thủ đúng các quy định hiện hành.

Nếu các cuộc điều tra, rà soát này dẫn đến việc áp dụng một biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp đó phải được áp dụng đúng đối tượng, đúng mức độ, bảo vệ được các ngành sản xuất trong nước nhưng có tính đến các tác động kinh tế xã hội.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục