Phòng ngừa đột quỵ khi tập thể dục buổi sáng vào mùa đông

(Banker.vn) Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên lưu ý các hoạt động khi thời tiết chuyển lạnh, đặc biệt là việc tập thể dục buổi sáng để phòng đột quỵ.
Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn trẻ lâu? Tập thể dục dưới trời lạnh, cần lưy ý những điều gì?

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, đối với nhiều người cả ở nông thôn và thành thị, việc tỉnh dậy từ 4 - 5 giờ sáng và đi bộ, tập thể dục là một thói quen được duy trì khá thường xuyên. Trong điều kiện thời tiết bình thường, đây có thể coi là một thói quen tốt, giúp mọi người có điều kiện vận động nhẹ để tạo cảm giác khoan khoái, thư thái chuẩn bị cho một ngày làm việc mới.

Tuy nhiên, nếu thực hiện thói quen này vào mùa đông, nhất là vào những ngày giá rét, nhiệt độ ngoài trời xuống thấp thì lại rất dễ dẫn đến nguy cơ đột quỵ; ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người tập.

Bởi vào mùa đông, buổi sáng sớm luôn có nhiệt độ rất thấp, nhiều sương. Ra ngoài vào thời điểm trên có thể khiến cơ thể bị nhiễm lạnh đột ngột. Với những người có sẵn yếu tố nguy cơ (như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường…), huyết áp dễ tăng cao bất ngờ, từ đó dẫn đến đột quỵ. Thực tế đã có không ít người do không biết đến điều này nên đã gặp phải những vấn đề về sức khỏe do tập thể dục sớm ngoài trời.

Phòng ngừa đột quỵ khi tập thể dục buổi sáng vào mùa đông
Tập thể dục vào sáng sớm mùa lạnh cần lưu khi trời lạnh, nhiệt độ thấp

Theo BSCKI Phạm Văn Cường - Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội, đột quỵ trong lúc chơi thể thao, tập luyện thể dục thường gặp ở người có sẵn yếu tố nguy cơ dẫn đến nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Bản thân người có nguy cơ đột quỵ cũng không kiểm soát được mức độ tập luyện, dẫn đến quá sức.

Đột quỵ trong quá trình tập luyện thể dục, thể thao gặp ở người trẻ và người cao tuổi. Đặc biệt, vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết khắc nghiệt (quá nóng, quá lạnh…), người cao tuổi bị tăng huyết áp dễ xảy ra đột quỵ khi tập luyện. Nguyên nhân là cơ chế điều hòa tuần hoàn não của người già kém hơn người bình thường.

Ngoài ra, việc tập gắng sức ngay sau khi thức dậy có thể gây huyết áp tăng cao kịch phát và xảy ra đột quỵ. Bởi cơ thể vừa chuyển từ trạng thái ngủ sang thức, các hormone điều khiển hoạt động hệ thống tim mạch tăng tiết, trong khi một số chất hóa học ảnh hưởng quá trình cầm máu (Nitric oxit) đã tiêu hao sau một đêm dài. Những vận động gắng sức không hợp lý vào thời điểm này có thể gây đột quỵ vào buổi sáng sớm.

"Hàng năm, những ngày miền Bắc chớm lạnh, các ca đột quỵ nhập viện cấp cứu thường gia tăng. Tôi gặp rất nhiều trường hợp người cao tuổi uống thuốc tăng huyết áp nên chủ quan không theo dõi huyết áp. Họ dậy rất sớm đi tập luyện ngay, sau đó huyết áp tăng lên cao gây đột quỵ", bác sĩ Cường thông tin.

Phòng ngừa đột quỵ khi tập thể dục buổi sáng vào mùa đông
Người có bệnh lý nền vận động quá sức nguy cơ đột quỵ rất lớn

Đồng tình với ý kiến trên, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh - Bệnh viện Quân y 105 khuyến cáo, đi bộ, tập thể dục bản chất rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong mùa đông với điều kiện nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, thói quen này sẽ đi liền với nguy cơ bị đột quỵ. Thời tiết lạnh không gây nguy hiểm trực tiếp, nhưng lại dễ thúc đẩy các yếu tố nguy cơ của đột quỵ trầm trọng hơn.

Các yếu tố nguy cơ này bao gồm: tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, đái tháo đường, bệnh van tim, suy tim, hút thuốc lá… Mặt khác, trong mùa lạnh, các mạch máu có xu hướng co lại, dễ làm huyết áp tăng vọt. Không chỉ tập thể dục buổi sớm, một số người cao tuổi có thói quen thức dậy vào ban đêm hoặc nửa đêm về sáng để đi vệ sinh, khiến nhiệt độ thay đổi đột ngột, rất dễ xảy ra đột quỵ.

"Ngoài ra, tập luyện buổi sớm trong mùa đông còn tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh lý đường hô hấp. Do vậy, mọi người nên có sự điều chỉnh thói quen đi bộ, tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng sớm", bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh phân tích thêm.

Phòng đột quỵ khi chơi thể thao, tập thể dục

Khi bị mắc bệnh nền (tăng huyết áp, đái đường, xơ vữa động mạch, mỡ máu cao…) luôn phải tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ khám bệnh cho mình, không bỏ thuốc hoặc không tự động mua thuốc để điều trị. Đối với các đối tượng này khi muốn tập thể dục thường xuyên hoặc chơi một môn thể thao nào đó nên hỏi ý kiến của bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa tim mạch, hô hấp, nội tiết…

Thêm vào đó, để tầm soát các yếu tố nguy cơ và điều trị sớm một bệnh nền nào đó, người bệnh cần khám bệnh định kỳ và luôn có ý thức phòng bệnh cao, nhất là với giới trẻ, tâm lý chủ quan, coi thường khám sức khỏe định kỳ.

Ai cũng có thể tập thể dục, chơi thể thao nhưng thể trạng của mỗi người không giống nhau, do đó, cần phải dựa vào tình trạng sức khỏe để áp dụng lượng bài tập phù hợp, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Để đảm bảo sự an toàn khi chơi thể thao, tập thể dục, người mắc các bệnh nền cần hết sức cẩn thận, tránh vận động quá sức, tốt nhất nên có huấn luyện viên quan sát và kiểm tra nhịp tim khi cần thiết. Tốt nhất nên kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi dự định sẽ thực hiện tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là chơi thể thao để đảm bảo rằng mình hoàn toàn khỏe mạnh, chịu được môn thể thao gắng sức khi luyện tập.

Khi tập luyện, cần giữ nhịp tim ở vùng an toàn (<75% nhịp tim tối đa), nên kiểm tra huyết áp mỗi ngày (huyết áp luôn giữ ổn định ở mức 120/80mmHg), luôn mang theo thuốc xịt hen suyễn (nếu bị bệnh hen suyễn); khi mắc các bệnh mạn tính liên quan đến tim mạch, hô hấp cần lưu ý chế độ tập luyện, dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý.

Nhật Lê

Theo: Báo Công Thương