Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Bảo đảm nguồn lực thực hiện đầy đủ chính sách đối với người cao tuổi

(Banker.vn) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương bảo đảm nguồn lực thực hiện đồng đều, đầy đủ chính sách đối với người cao tuổi.
Phó Thủ tướng yêu cầu gỡ khó trong xuất bản sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quà Tết cho người lao động tỉnh Kon Tum

Tại cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến của Uỷ ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam diễn ra sáng nay (12/3), Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - bà Nguyễn Thị Hà cho biết, hiện cả nước có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, trong đó hơn 5,4 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, 15 triệu người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế ...

Đến nay, 14 tỉnh, thành phố nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội; 32 tỉnh, thành phố mở rộng đối tượng là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, sống cô đơn được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Bảo đảm nguồn lực thực hiện đầy đủ chính sách đối với người cao tuổi
Cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến của Uỷ ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam. Ảnh: VGP

Ngoài ra, công tác bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi đạt nhiều kết quả thiết thực: Chúc thọ, mừng thọ cho trên 1,2 triệu người cao tuổi; khám sức khoẻ định kỳ cho 4,5 triệu người cao tuổi, lập hồ sơ theo dõi sức khoẻ cho 3,5 triệu người cao tuổi; tổ chức gần 80.000 câu lạc bộ của người cao tuổi; 9.950 xã/phường/thị trấn lập Quỹ toàn dân chăm sóc và Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi cơ sở…

Bên cạnh đó, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có trên 7 triệu người cao tuổi trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh; gần 734.000 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể…; đóng góp 2 triệu ngày công, hiến hơn 1 triệu m2 đất, 260 tỷ đồng thực hiện phong trào nông thôn mới, đô thị văn minh.

Hội Người cao tuổi Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai Kết luận số 58-KL/TW của Ban Bí thư về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam, thực hiện thành lập Hội Người cao tuổi cấp tỉnh, huyện theo quy định.

Tuy nhiên, chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi còn hạn chế, ở mức thấp. Tỉ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo là 3,6%, cận nghèo là 11,6%, cao hơn bình quân chung cả nước. Một số địa phương gặp khó khăn trong bố trí nguồn kinh phí khám chữa bệnh định kỳ tại cơ sở cho người cao tuổi; chưa quan tâm, bố trí khu vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng cho người cao tuổi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã trao đổi, thảo luận về khó khăn, vướng mắc trong việc xác định mục đích sử dụng đối với diện tích đất dành để xây dựng các trung tâm, cơ sở chăm sóc người cao tuổi; thúc đẩy mạng lưới y tế lão khoa; hỗ trợ người cao tuổi sử dụng dịch vụ, công trình công cộng; chế độ, chính sách dành cho người tham gia hoạt động trong các cấp hội người cao tuổi.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, năm 2023 hoạt động toàn diện, cụ thể của công tác chăm sóc, phát huy người cao tuổi ngày càng sâu sát, bền vững hơn. Đồng thời, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị trong năm 2024, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, ngành, địa phương Hội Người cao tuổi Việt Nam khẩn trương tổng kết đầy đủ, đồng bộ, cập nhật nội dung Nghị quyết 42, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về Người cao tuổi trong tình hình mới, làm cơ sở xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo, pháp luật, chiến lược căn cơ, bài bản, dài hạn.

Các tỉnh uỷ, thành uỷ ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Kết luận số 58-KL/TW, phấn đấu đến hết quý III/2024, 100% các tỉnh, thành phố thành lập hội người cao tuổi cấp tỉnh, huyện. Các thành viên Uỷ ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam tăng cường phối hợp thanh tra, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030.

Hội Người cao tuổi Việt Nam chủ động phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế phối hợp, tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tôn vinh người cao tuổi tiêu biểu…; tổng hợp và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả của người cao tuổi; nghiên cứu, đề xuất đổi mới chủ trương, chính sách pháp luật về người cao tuổi; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế về người cao tuổi; thực hiện khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về công tác người cao tuổi ở nước ngoài.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương quan tâm, bảo đảm nguồn lực thực hiện đồng đều, đầy đủ chính sách đối với người cao tuổi; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về luật pháp, chính sách về người cao tuổi…

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương