Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Khoa học là lối mở để Việt Nam bứt phá

(Banker.vn) Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam dẫn dắt các lĩnh vực khoa học mũi nhọn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng ấn tượng về tăng trưởng công nghiệp của Phú Thọ Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Ninh Thuận phải vào top 5 xóa nhà tạm Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Toàn cảnh
Toàn cảnh buổi làm việc

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ phải là đầu tàu trong đổi mới sáng tạo

Tại buổi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) sáng 4/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ đạo Viện Hàn lâm với vai trò, vị thế của Cơ quan nghiên cứu khoa học đầu ngành, có quy mô lớn, quy tụ nhiều nhân tài, nhà khoa học của đất nước cần tập trung vào các vấn đề lớn, các chương trình trọng điểm, vấn đề khó... để phục vụ cho phát triển đất nước.

Theo Phó Thủ tướng, ngoài đóng góp trong 50 năm qua, sắp tới sứ mệnh của Viện còn hết sức nặng nề. Viện lớn cần tập trung làm việc lớn, giải các bài toán về kinh tế, xã hội, những vấn đề nền tảng, then chốt, mũi nhọn và chiến lược, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Khoa học là lối mở để Việt Nam bứt phá
Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với các nhà khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Liên quan đến phát triển các chương trình, dự án lớn, GS. TS Trần Tuấn Anh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề xuất, cần có những cơ chế đặc biệt cho các dự án, chương trình nghiên cứu khoa học lớn, như cơ chế tài chính không theo định mức mà theo nhu cầu công việc nghiên cứu.

GS Trần Tuấn Anh lấy ví dụ về chương trình mà Viện Hàn lâm được Chính phủ giao toàn quyền trong hợp tác với Viện Nghiên cứu liên hợp hạt nhân (JINR) đặt tại thành phố Dubna (Nga). JINR là một tổ chức nghiên cứu khoa học liên chính phủ, gồm 16 quốc gia thành viên chính thức, trong đó có Việt Nam, hiện tổ chức này đang triển khai dự án xây dựng 1 máy gia tốc lớn, Việt Nam cũng đã cử 36 cán bộ tham gia, đây chính là nguồn nhân lực đỉnh cao cho năng lượng hạt nhân của Việt Nam trong thời gian tới. Dự án được triển khai không theo định mức tài chính mà theo nhu cầu nghiên cứu. Đến nay, sau 12 năm dự án mới chạy thử nghiệm lần đầu tiên.

GS Trần Tuấn Anh kiến nghị nên có những cơ chế để thử nghiệm 1-2 dự án nhỏ mang tính dài hơi trước khi triển khai các dự án lớn.

GS Trần Tuấn ANh
GS.TS Trần Tuấn Anh đề xuất tại buổi làm việc

Hay như, nghiên cứu khoa học công nghệ biển, là quốc gia về biển nhưng đến nay Việt Nam chưa có tàu phục vụ nghiên cứu khảo sát biển trừ tàu Viện sĩ Trần Đại Nghĩa hiện sắp hết niên hạn sử dụng. GS. TS Trần Tuấn Anh đề xuất giao cho Viện Hàn lâm chương trình tăng cường năng lực nghiên cứu biển mà trước hết cần xem xét đầu tư có một đội tàu nghiên cứu biển.

Liên quan đến đề xuất trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, một lĩnh vực mới, một ngành quan trọng cần tập trung nghiên cứu và khi thực hiện thì quản lý theo mục tiêu.

Tôi cũng ủng hộ, muốn làm việc lớn phải có đột phá, không đột phá không thay đổi thì không làm được”- Phó Thủ tướng nói và đặt câu hỏi làm thế nào để chúng ta nâng cao được năng lực nghiên cứu, chất lượng nghiên cứu?; thương mại hóa được các công trình nghiên cứu để đưa từ phòng thí nghiệm ra cuộc sống góp phần cho phát triển kinh tế? làm thế nào để thu hút nguồn lực trí thức, đội ngũ nghiên cứu đảm bảo số lượng, chất lượng?; đào tạo nguồn nhân lực cũng là chức năng lớn của Viện đã được chúng ta triển khai thế nào? rồi cơ chế nào thu hút được các nhân tài, các chuyên gia sau này là đầu ngành của các mũi nhọn, các lĩnh vực then chốt?

Đầu tư vào khoa học: Muốn đi xa phải đi cùng công nghệ lõi

Liên quan đến khoa học vũ trụ, PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết: Nền “Kinh tế không gian vũ trụ” toàn cầu đã đạt giá trị 570 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Tại Việt Nam, công nghệ vũ trụ đã được Bộ Chính trị xác định là công nghệ chiến lược. Để hiện thực hóa Nghị quyết 57, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đề xuất đối với Tầm nhìn Quốc gia, cần khẳng định không gian vũ trụ là một trong năm không gian chiến lược cần bảo vệ chủ quyền và quyền lợi quốc gia, bao gồm vùng đất, vùng trời, vùng biển, không gian mạng và không gian vũ trụ trong Nghị quyết của Đại hội Đảng sắp tới.

PGS,TS Phạm Anh Tuấn
PGS.TS Phạm Anh Tuấn phát biểu đề xuất tại cuộc họp

Đồng thời, Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển vũ trụ Việt Nam đến năm 2045, trong đó tập trung vào phát triển sản phẩm công nghệ chiến lược là vệ tinh nhỏ để Việt Nam sớm có “Hệ thống quan sát Quốc gia sử dụng vệ tinh nhỏ”; Cần tích hợp dữ liệu vệ tinh vào “Trung tâm dữ liệu quốc gia”, coi đây là một nguồn tài nguyên chiến lược để phục vụ kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.

Việc chia sẻ dữ liệu này cho các ngành khác nhau sẽ thúc đẩy sự phát triển “Kinh tế không gian vũ trụ” tại Việt Nam; đào tạo đội ngũ chuyên gia, đặc biệt là các “Tổng công trình sư”, cần được chú trọng…

Về công nghệ sản xuất hydro xanh, GS TS Trần Đại Lâm – Viện trưởng Viện khoa học Vật liệu đã đề xuất đầu tư phát triển công nghệ lõi trong sản xuất hydro xanh, đồng thời đầu tư cho công tác nghiên cứu ăn mòn vật liệu ở trong điều kiện khí hậu nhiệt đới mà trước mắt cho phép tham gia ngay lập tức vào dự án trọng điểm quốc gia như: Điện hạt nhân, đường sắt tốc độ cao.

Với đường sắt cao tốc hàng nghìn km và địa hình chạy qua nhiều vùng đất với khí hậu khác nhau nên điều kiện ăn mòn rất quan trọng để đánh giá kiểm định an toàn về vật liệu, hư hỏng về nhiệt đới của đường sắt; hay dự án điện hạt nhân do sử dụng nước biển để làm mát yếu tố muối mặn sẽ ảnh hưởng ăn mòn”- GS.TS Trần Đại Lâm nhấn mạnh…

GS Lâm Viện Vật liệu
GS TS Trần Đại Lâm – Viện trưởng Viện khoa học Vật liệu

Tại cuộc họp, Viện Hàn lâm cũng trình bày các vấn đề liên quan đến vấn đề đào tạo nhân lực đỉnh cao, đào tạo nhân lực cho các ngành nghiên cứu cơ bản, công nghiệp bán dẫn, năng lượng nguyên tử, đầu tư cho công nghệ sinh học,… cũng như các cơ chế chính sách trong thu hút nhân tài, cán bộ khoa học có chuyên môn…

Lê Văn Định - Thứ trưởng Bộ KHCN
Ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ giải đáp các ý kiến của các nhà khoa học

Sau khi nghe ý kiến từ các nhà khoa học, ý kiến từ lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, kết luận cuộc họp Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra 5 xu hướng tác động đến khoa học công nghệ như: dòng vốn đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng gia tăng, bao gồm vốn đầu tư công và khu vực tư nhân. AI, nhất là AI tạo sinh, cũng phát triển nhanh, tác động mạnh mẽ đến toàn bộ các nền kinh tế. Xu hướng thứ ba là hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng mở rộng, dựa trên nền tảng các hệ sinh thái, với sự hợp tác giữa Chính phủ, viện, trường, tập đoàn... Tiếp đến là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt về nguồn nhân lực phát triển, gồm cả con người, dữ liệu, năng lực tính toán.

Cuối cùng, Chính phủ các nước đang nhanh chóng điều chỉnh chính sách để thúc đẩy hợp tác công tư với tham vọng dẫn đầu và dẫn dắt một số lĩnh vực khoa học công nghệ cũng như sản phẩm cụ thể, nhất là trong các ngành chiến lược như bán dẫn, ôtô, AI, robot, UAV.

Phó Thủ tướng đã lưu ý Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm một số thách thức lớn cần được giải quyết trong thời gian tới:

Thứ nhất, khả năng tự chủ về tài chính và nghiên cứu khoa học của Viện còn thấp; cơ sở vật chất chưa đồng bộ, một số phòng thí nghiệm lạc hậu chưa đạt chuẩn quốc tế.

ông Khắng Thứ trưởng Bộ Tài chính
Ông Bùi Văn Khắng - Thứ trưởng Bộ Tài chính

Thứ hai, các hoạt động hợp tác quốc tế còn chưa nhiều mặc dù có quan hệ với trên 70 đối tác tại 50 quốc gia; số lượng các bài báo quốc tế có tăng dần qua các năm nhưng chưa cao;

Thứ ba, hiệu quả đào tạo nhân lực chất lượng cao chưa tương xứng với tiềm năng. Đây cũng là chức năng chính của Viện nhưng hoạt động này vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Thứ tư, hành lang pháp lý chưa đồng bộ, thiếu cơ chế khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu;

Thứ năm, tầm ảnh hưởng chủ yếu trong nước, chưa tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong khu vực và trên trường quốc tế.

6 nhiệm vụ đặt ra cho Viện Hàn lâm

Trên cơ sở chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và các nhiệm vụ triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được xác định trở thành trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu Việt Nam, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao.

Để đạt được mục tiêu đó, Phó Thủ tướng đề nghị Viện cần tập trung thực hiện một số định hướng và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, cụ thể:

Một là, cần tiếp tục nghiên cứu, coi đây là cơ hội để chúng ta tái cấu trúc lại bộ máy, lựa chọn và phát huy năng lực của những cá nhân, tập thể xuất sắc...

Hai là, tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong nghiên cứu khoa học và công nghệ, trở thành một trong các cơ quan tư vấn hàng đầu của Nhà nước trong hoạch định chính sách, chiến lược phát triển khoa học công nghệ và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước;

Ba là, nâng cao năng lực nghiên cứu thông qua việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao;

Bốn là, thúc đẩy chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu;

Năm là, nâng cấp cơ sở vật chất, đa dạng hóa nguồn lực tài chính, tăng tính tự chủ, thu hút đầu tư, đảy mạnh hợp tác công – tư, hiện đại hóa phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế , biến phòng thí nghiệm thành “vườn ươm” công nghệ; nghiên cứu cơ chế tự chủ tài chính, tự chủ nghiên cứu và quản lý tương tự các viện trên thế giới như Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Viện hàn lâm khoa học Nga..

Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng tầm ảnh hưởng khoa học thông qua mở rộng quan hệ với các tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu, NASA hay cơ quan vũ trụ châu Âu trong các dự án nghiên cứu lớn...

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Khoa học là lối mở để Việt Nam bứt phá
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng kết luận cuộc họp

Liên quan đến các khó khăn, vướng mắc của Viện, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Viện phối hợp với các Bộ, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính trong quá trình sửa đổi Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công...

Liên quan đến các cơ chế đặc thù, Phó Thủ tướng đề nghị Viện chủ trì, phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất thí điểm: Các cơ chế tự chủ tài chính và tổ chức phù hợp với đặc thù của Viện; Cơ chế đãi ngộ đặc thù cho các nhà khoa học đầu ngành và nhà khoa học nước ngoài làm việc tại Viện; các khu thử nghiệm và triển khai công nghệ với các cơ chế hoạt động ưu đãi để thu hút doanh nghiệp... báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý III/2025.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Khoa học là lối mở để
GS.VS.Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm tặng quà lưu niệm cho Phó Thủ tướng

Về đầu tư, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước đối với các lĩnh vực ưu tiên, đột phá, phù hợp với từng giai đoạn phát triển như Công nghệ Vũ trụ, Khoa học vật liệu, Công nghệ sinh học, Khoa học biển...; dự án đầu tư phát triển Trung tâm quốc tế về đa dạng sinh học đặt tại Viện Hàn lâm dưới sự bảo trợ của UNESCO và các dự án đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế.

Kết thúc cuộc họp Phó Thủ tướng đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám thử, dám tiên phong” trong nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ chiến lược, vượt qua mọi rào cản để tạo nên những bước đột phá, đưa Việt Nam tiến bước vững chắc trên con đường trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, giàu mạnh, hùng cường vào năm 2045.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục