Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đáp ứng nhu cầu thực tiễn và xu thế thời đại

(Banker.vn) Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế của thời đại.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế của thời đại.

Hội thảo "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội". Ảnh VGP/Trần Mạnh

Ngày 16/6/2023, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội" thuộc chương trình "Ngày không tiền mặt năm 2023".

Thanh toán không dùng tiền mặt đang càng trở nên phổ biến với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ vui mừng tham dự chương trình "Ngày không tiền mặt năm 2023" với chủ đề "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội" do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện.

Đánh giá cáo sáng kiến "Ngày không tiền mặt", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, đây là sự kiện quan trọng góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ đã được xác định tại Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06) với mục tiêu ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, Thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số cũng đã xác định chủ đề năm 2023 là "Năm quốc gia về dữ liệu số", là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới.

Theo đó, các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được ban hành, việc kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác đã được nghiên cứu, hướng dẫn, triển khai.

Xác định rõ các mục tiêu, định hướng này, ngành ngân hàng đã và đang tích cực ứng dụng dữ liệu dân cư trong các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng với nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực, phục vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Phó Thủ tướng bày tỏ, qua các bài phát biểu, tham luận trình bày tại Hội thảo ngày hôm nay, chúng ta thấy thanh toán không dùng tiền mặt đang càng trở nên phổ biến với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, từ nhân viên văn phòng, tiểu thương đến những người lao động tự do; từ hoạt động thương mại đến dịch vụ công; từ thành phố đến nông thôn,… tạo động lực cho các sự phát triển của các dịch vụ thanh toán số thông minh, góp phần đưa Việt Nam tiến nhanh hơn với một xã hội số trong tương lai.

Sau hai năm triển khai Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta ấn tượng về những chỉ tiêu, kết quả đã đạt được như: Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đã đạt trên 75%; thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 7,59 tỷ giao dịch với giá trị đạt gần 219,5 triệu tỷ đồng (tăng 89% về số lượng và 32% về giá trị) cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.

Tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, kênh internet, mã QR tăng trưởng hàng năm đạt trên 100%;... nhiều dịch vụ ngân hàng được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng.

Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được thiết kế phù hợp cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa,... đến tháng 4 năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Có được kết quả như trên, Phó Thủ tướng đánh giá cao ngành ngân hàng đã chủ động nghiên cứu, ban hành, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách về chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như: mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử eKYC, Mobile Money…

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đánh giá cao sự phối hợp tích cực, chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, và sự đóng góp quan trọng của các đơn vị truyền thông, báo chí, đặc biệt trong đó có Báo Tuổi trẻ với sáng kiến "Ngày không tiền mặt" được tổ chức liên tục trong 04 năm qua đã truyền tải thông điệp tích cực, góp phần lan tỏa, xây dựng thói quen thanh toán, chi trả bằng phương thức không dùng tiền mặt trong xã hội đã giúp người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt từ đó tích cực, hưởng ứng, thực hiện các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong sinh hoạt hàng ngày.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng, với vai trò quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục quán triệt, thống nhất, tổ chức triển khai tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế của thời đại; chủ động rà soát, sửa đổi các quy định thuộc thẩm quyền về ứng dụng, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động ngân hàng triển khai Đề án 06.

Rà soát, chuẩn hóa, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm, quyền lợi của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán và người sử dụng dịch vụ nhằm đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của các bên liên quan.

Thứ hai, triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số.

Đẩy nhanh việc nâng cấp, hiện đại hóa các hạ tầng thông tin dùng chung, hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng; các bộ ngành, cơ quan liên quan đẩy mạnh việc thu thập, xử lý, làm sạch dữ liệu, kết nối các hạ tầng tập trung để cho phép khai thác, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu tạo điều kiện cho chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt thành công hơn nữa trong thời gian tới

Thứ ba, ứng dụng, phát triển nhanh, mạnh hơn nữa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán dựa trên Internet, thiết bị di động, dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI); Mobile - Money nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công; đẩy mạnh thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ, ngành, địa phương.

Thứ tư, tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, công tác bảo đảm an ninh, an toàn, minh bạch và tiện lợi trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thông tin cá nhân, tội phạm trên môi trường mạng liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Thứ năm, chú trọng công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia chuyên sâu về phân tích, khai thác dữ liệu sử dụng các công nghệ mới như Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo; đào tạo lực lượng cán bộ nắm bắt được tiến bộ khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn.

Thứ sáu, tiếp tục chú trọng triển khai thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền và giáo dục tài chính đến người dân, doanh nghiệp để có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết và tin tưởng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt một cách an toàn, hiệu quả, điển hình như sự kiện tuyên truyền về Ngày không tiền mặt do Báo Tuổi trẻ tổ chức ngày hôm nay.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan truyền thông và nhân dân, sự đồng lòng, quyết tâm và tinh thần chủ động, sáng tạo của tất cả các đơn vị với những kết quả đã đạt được và dư địa phát triển, chắc chắn ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành quả trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển của đất nước.

Theo Trần Mạnh/baochinhphu.vn

Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục