Phó Thống đốc NHNN: Lãi suất không thể nói giảm là giảm ngay, cần phải từng bước và có độ trễ

(Banker.vn) Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, trong điều hành lãi suất cần phải thận trọng bởi nếu như mà quyết liệt quá hay nóng vội quá thì có thể dẫn đến một thời điểm sẽ bị "thái quá".

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm Việt Nam 2023 sáng 19/9, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn sẽ duy trì chính sách điều hành như hiện tại và có thể mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế, dư địa chính sách tiền tệ cho đến nay còn rất ít.

Ông cho hay trong khi lãi suất cả thế giới đang tăng thì riêng ở Việt Nam, căn cứ vào tình thình thực tế, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, đồng thời thông qua những công cụ của mình để tạo dư địa, thanh khoản cho thị trường, để các ngân hàng có vốn rẻ cho vay ra thị trường, nới rất rộng công cụ hạn mức tín dụng trong năm 2023.

 Phó thống đốc Đào Minh Tú tại một hội nghị hồi tháng 6/2020. (Ảnh: VGP).
Phó thống đốc Đào Minh Tú tại một hội nghị hồi tháng 6/2020. (Ảnh: VGP).

"Từ tháng 2/2022 đến nay, Mỹ đã 11 lần điều chỉnh tăng lãi suất và đang duy trì mức 5,5%, cao nhất trong 40 năm qua. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cách đây một tuần cũng đã tăng lãi suất lần thứ 6 trong năm 2023 và duy trì mức lãi suất 4,5%, mức cao nhất kể từ khi ECB được thành lập", ông Tú cho hay.

Vị này cũng cho biết mặt bằng lãi suất đang có xu hướng giảm dần, hiện lãi suất cho vay bình quân khoảng 7,9%/năm đối với cho vay mới, lãi suất huy động là 4,7%/năm. Với các món vay chưa đến kỳ hạn trả nợ thì lãi suất cho vay là 9,4%/năm, lãi suất huy động cũ là 6,5%/năm.

Theo Phó Thống đốc đánh giá việc giảm lãi suất cũng phải từng bước và chắc chắn có độ trễ bởi vì có những khoản cho vay 1 - 2 năm mới thu nợ hay những khoản tiền gửi vài năm mới đáo hạn.

"Việc điều hành lãi suất cần phải thận trọng bởi nếu như mà quyết liệt quá hay nóng vội quá thì có thể dẫn đến một thời điểm nào đó khi độ trễ khi bắt đầu thực hiện được tác động đến nền kinh tế thì có thể dẫn đến sự thái quá và lúc đó lại phải cần chi phí để xử lý hiện tượng thái quá đó và đặc biệt trong vấn đề lãi suất", Phó Thống đốc Đào Minh Tú phân tích.

Ông cho hay NHNN sẽ điều hành lãi suất hợp lý trên cơ sở đảm bảo được tỷ suất lợi nhuận bình quân, lợi nhuận của nền kinh tế, lợi nhuận hợp lý và đảm bảo an toàn cho hệ thống TCTCD và an toàn nền tài chính quốc gia.

“Do dư địa không còn nhiều, chính sách lãi suất trong thời gian tới không thể nói là sẽ tiếp tục giảm, bởi lẽ lãi suất có quan hệ biện chứng với tỷ giá. Nếu lãi suất giảm thấp, tỷ giá có khả năng sẽ bùng lên”, ông nói. “Bởi vậy, cần phải tìm được điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá”.

Ông Tú nhận định rằng điều hành tỷ giá là một trong những thành công của NHNN trong thời gian qua khi từ đầu năm tới nay, VND chỉ mất giá khoảng 1,8% cho tới 2%. Trong khi đó, đồng tiền của những nước lớn đang mất giá từ 9 đến 10%, đồng yen Nhật còn mất giá tới 12% so với USD.

Lãi suất và tỷ giá là công cụ điều hành để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát . Trong bối cảnh dư địa không còn nhiều, Phó Thống đốc cho biết sẽ phải điều hành vấn đề trên hết sức “chặt chẽ và hợp lý”.

Về việc tiếp cận tín dụng theo Phó Thống đốc phải đánh giá từ hai phía cả từ ngân hàng và người đi vay là các doanh nghiệp bởi vì tín dụng nó là khoản vay có hoàn trả chứ không phải là cấp phát nên nó phải có các điều kiện để đảm bảo an toàn cho khoản vay cũng như với các tổ chức tín dụng.

Trên thực tế, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn như hạ lãi suất điều hành, cho phép giãn hoãn cho các khoản nợ đến hạn, cắt giảm chi phí, thủ tục, điều kiện tiếp cận vốn vay,...Bên cạnh đó, rất gói chính sách đã được triển khai như gói 40.000 tỷ hỗ trợ lãi suất; gói 120.000 tỷ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; gói 15.000 tỷ cho ngành thuỷ sản,... cũng giúp hỗ trợ vốn các doanh nghiệp.

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán