Phó Thống đốc Đào Minh Tú lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp

(Banker.vn) Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt 2,57% so với cuối năm 2022, chỉ tương đương 1/3 so với mức tăng cùng kỳ năm 2022 là 6,42%.

Ngân hàng chính thức được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên TTCK

Thông tư 02 về cơ cấu nợ tạo ra sự chủ động cho các ngân hàng thương mại

Chiều ngày 25/4/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023 để bàn về các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng năm nay.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn thấp.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn thấp.

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết từ cuối năm 2022 đến nay, nền kinh tế trong nước đã phải đối mặt với nhiều khó khăn cả bên trong và bên ngoài. Cùng với đó, thị trường vốn còn gặp nhiều khó khăn, dẫn tới áp lực cung ứng vốn vẫn phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng, đặc biệt là việc cung ứng vốn cho các lĩnh vực bất động sản, hạ tầng…

Trong bối cảnh này, Phó Thống đốc cho biết tính đến ngày 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.

So sánh với cùng kỳ năm trước, Phó thống đốc cho biết mức tăng trên chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2022 là 6,46%, dù đây là thời điểm ngay sau khi kết thúc dịch và cũng thấp hơn trước dịch khi tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm 2019 đạt 3,64%. Con số trên cũng còn khiêm tốn so với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%.

Ngoài nguyên nhân cầu tín dụng thấp dẫn tới tăng trưởng tín dụng thấp, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú còn có nguyên nhân từ việc thị trường bất động sản gặp khó khăn. Những khó khăn này chủ yếu liên quan đến các vấn đề pháp lý dự án, từ đó dẫn tới tín dụng ngành bất động sản tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước và ảnh hưởng tới tăng trưởng chung.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết sau vụ việc người dân rút tiền hàng loạt tại một số ngân hàng đã khiến, các ngân hàng thương mại khác phải xem xét điều chỉnh lại quản lý dòng tiền, đảm bảo thanh khoản tốt hơn, đồng thời xem xét lại hoạt động cấp tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động cho chính ngân hàng và hệ thống. Tuy nhiên, việc này cũng khiến các khoản cho vay có xu hướng chặt chẽ hơn, từ đó làm giảm tăng trưởng tín dụng.

Phó Thống đốc cho biết trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, toàn nền kinh tế, từ đầu năm, NHNN đã sử dụng hầu hết công cụ, dư địa có thể để can thiệp nhằm ổn định thị trường. Tuy nhiên đến nay, với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn thấp.

Tại Hội nghị, lãnh đạo hàng loạt ngân hàng lớn cũng giải thích về mức tăng chậm của tín dụng trong 4 tháng đầu năm, trong đó nhấn mạnh nguyên nhân từ khả năng hấp thụ của nền kinh tế.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đưa ra một số nguyên nhân khiến cho tăng trưởng tín dụng thấp là do sức hấp thụ của nền kinh tế trong giai đoạn qua đã giảm, đơn hàng xuất khẩu cũng như nhu cầu vay vốn giảm so với cùng kỳ. Cùng với đó, khách hàng cá nhân, kể cả sản xuất kinh doanh và vay tiêu dùng, nhà ở, do ảnh hưởng của những khó khăn của thị trường bất động sản nên nhu cầu giảm.

Toàn cảnh Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023 diễn ra chiều ngày 25/4/2023.
Toàn cảnh Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023 diễn ra chiều ngày 25/4/2023.

Triển khai các chỉ đạo của NHNN, lãi suất huy động tại BIDV đã giảm 0,5 - 2% so với đầu năm 2023. Các ngân hàng cũng đã thống nhất cùng giảm mặt bằng lãi suất huy động để có cơ sở giảm lãi suất cho vay.

Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, BIDV đang tích cực triển khai. Tuy nhiên, đang chờ phía Bộ Xây dựng công bố danh mục dự án để triển khai cho vay, thời gian qua các thủ tục pháp lý đặc biệt liên quan đến bất động sản tương đối chậm, do đó cần thời gian để triển khai. Hiện tại các ngân hàng rất muốn cho vay nhưng các dự án đều vướng mắc nên các ngân hàng gặp khó khăm, dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm nhhư thời gian qua.

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng đánh giá, với các chính sách của NHNN hiện nay như thanh khoản, các chính sách hỗ trợ không vướng mắc gì, nhưng tại sao tín dụng lại tăng trưởng còn thấp. Nguyên nhân do nhu cầu của kinh tế Việt Nam, hấp thụ vốn của nền kinh tế có khó khăn nên tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay không cao.

“Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ để kích cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán được hàng và người dân tích cực tiêu dùng. Về phía ngành ngân hàng cần đang đảm bảo thanh khoản tốt, không thiếu vốn, sẵn sàng cho vay với mức lãi suất hấp dẫn hơn so với cuối năm 2022. Đối với các doanh nghiệp cũng cần xem xét, tăng cường năng lực, phương án kinh doanh hiệu quả để đáp ứng được các điều kiện tín dụng.”, lãnh đạo MB kiến nghị.

Lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, nguyên nhân khiến cho tăng trưởng tín dụng thấp là do sự hấp thụ của nền kinh tế, không phải vướng mắc từ cơ chế chính sách. Tại Agribank tín dụng chỉ tăng ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, còn ở các khu vực khác, tăng trưởng tín dụng ở mức rất thấp thậm chí còn tăng trưởng âm.

Một lý do khác được ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Điều hành VietinBank chỉ ra đến từ nhu cầu đi vay của các cá nhân khi chưa biết rằng thu nhập tương lai như thế nào. Tăng trưởng tín dụng cá nhân theo ông đã chững lại trong thời gian qua.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan từ nền kinh tế, đặc biệt là về khả năng hấp thụ vốn, tăng trưởng tín dụng thấp có cả nguyên nhân chủ quan từ phía ngân hàng. Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, vụ việc người dân rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), các ngân hàng thương mại khác cũng “giật mình” và phải điều chỉnh lại để đảm bảo thanh khoản quản lý dòng tiền tốt hơn, đồng thời xem xét lại hoạt động cấp tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động cho chính ngân hàng và hệ thống. Tuy nhiên, cũng chính điều này đã khiến các khoản cho vay có xu hướng chặt chẽ hơn, từ đó làm giảm tăng trưởng tín dụng. Việc thận trọng cũng khiến các khoản cho vay cấp ra chậm hơn.

Cũng theo Phó Thống đốc, nhiều doanh nghiệp phản ánh đã bị giảm hạn mức tín dụng do giá trị tài sản đảm bảo giảm khi định giá lại tài sản. Hay có ngân hàng đã yêu cầu doanh nghiệp trả nợ trước hạn, bổ sung tài sản đảm bảo.

Dù là do yếu tố khách quan thị trường đưa đến, việc ngân hàng thực hiện chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn nhưng gây khó cho doanh nghiệp. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng các lãnh đạo ngân hàng cần tập trung vấn đề cho vay, coi công tác tín dụng là quan trọng. Phó Thống đốc cũng lưu ý, đẩy mạnh khối lượng nhưng vẫn cần quán xuyến chất lượng tín dụng.

Quang Huy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục