Phiên họp Chính phủ tháng 8 thảo luận, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng

(Banker.vn) Ngày 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023 thảo luận nhiều nội dung quan trọng Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2023

Phiên họp Chính phủ tập trung thảo luận một số nội dung chính: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2023, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021–2025); các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Phiên họp Chính phủ tháng 8 thảo luận, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023. Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phiên họp hôm nay rất quan trọng. Khác với các phiên họp khác, ngoài việc thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 9 và đến cuối năm 2023, Chính phủ còn đồng thời cho ý kiến về các tờ trình, báo cáo quan trọng trình Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội (trong đó có các báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, đầu tư công, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024; các báo cáo giữa kỳ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025).

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã đi qua 8 tháng, 2/3 thời gian của năm 2023 trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp; khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ cùng các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực vượt bậc, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; vừa triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Nhờ đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi được kiểm soát tốt. Chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, hội nhập, đối ngoại được thúc đẩy và mở rộng với nhiều sự kiện ngoại giao sôi động, nhiều nước muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam, vai trò, vị thế, uy tín của đất nước ngày càng được nâng lên.

Nhìn chung 8 tháng, kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; tạo đà đạt kết quả cao hơn trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp; thị trường bất động sản có khởi sắc nhưng còn khó khăn; những vấn đề liên quan tới các dự án thua lỗ, các ngân hàng yếu kém; lĩnh vực da giày, dệt may đã có đơn hàng nhiều hơn nhưng tăng trưởng công nghiệp vẫn có khó khăn; tiếp cận tín dụng khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp...

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, phân tích kỹ, đánh giá khách quan, sát thực tiễn; phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm, nhận diện, dự báo bối cảnh, tình hình thời gian tới, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chỉ đạo, điều hành tốt hơn trong tháng 9, những tháng còn lại của năm 2023 và thời gian tới, với tinh thần là kết quả năm 2023 phải cao hơn năm 2022 như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Quang Lộc

Theo: Báo Công Thương