Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Nguyễn Đình Ánh, công tác tại Trường THPT Nghi Lộc 2 , Nghệ An.
Chuyện xảy ra từ gần 20 năm trước, khi ấy tôi còn là cậu sinh viên mới nhập học ở trường Đại học Quy Nhơn. Nhớ ngày cả hai anh em tôi nhận giấy báo nhập học cùng một lúc, cả gia đình tôi, đặc biệt là tôi và em gái đã vui mừng, hạnh phúc đến dường nào, có lẽ cái cảm giác như khi Tố Hữu được đứng vào hàng ngũ của những người cộng sản ở những năm 30 của thế kỉ trước vậy: “từ ấy trong tôi bừng nắng hạ” để rồi hân hoan, sung sướng “hồn tôi là một vườn hoa lá/ rất đậm hương và rộn tiếng chim”. Mãi sau này tôi mới hiểu hơn, cha mẹ tôi vừa hạnh phúc nhưng cũng đầy lo lắng bởi cùng một lúc, hai anh em vào đại học biết lấy tiền đâu ra để lo nhập học và chu cấp lâu dài về sau. Nhưng rồi cha mẹ tôi cũng xoay sở được đầy đủ số tiền cần thiết để cả hai anh em tôi nhập học đúng thời gian. Cha tôi đã phải quyết định bán đi cặp lợn nái, vay mượn thêm anh em bạn bè và cả chạy vạy vay tận trên ngân hàng huyện.
Năm đầu đại học, gia đình tôi gửi tiền hàng tháng cho tôi thông qua ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank). Cứ mùng 5 hàng tháng là tôi lại đạp xe ra địa chỉ 422 Nguyễn Thái Học, phường Nguyễn Văn Cừ để rút tiền. Lần nào ra đến nơi, tôi cũng được nhân viên ngân hàng hướng dẫn thủ tục rút tiền rất chu đáo nên việc rút tiền cũng nhanh gọn. Nhiều lần đến rút tiền nên thành thử tôi quen mặt luôn cô nhân viên - người có nụ cười ấm áp lạ thường. Điều tôi có cảm giác thân tình ở cô còn ở cách cô gọi tên một khách hàng còn là sinh viên như tôi. Cô không gọi em mà gọi bằng tên tôi với giọng nhẹ nhàng. Khi nào cũng thế, vừa đẩy cửa bước vào ô số 3, cô đã nhẹ nhàng và hài hước “Có tiền trả nợ mấy bà quán cơm rồi Ánh nghen!”. Câu nói thân thương đến độ, có hôm tôi - một chàng trai cũng khá nhút nhát lại dám đùa tếu táo lai rằng, “tháng này em không nợ bà quán cơm nên em dẫn chị đi ăn kem nhé!”. Thế là cả hai chị em cùng cười. Thường thì khách hàng nhớ tên nhân viên nhưng cô thì nhớ cả tên tôi, điều ấy khiến tôi luôn có cảm giác chi nhánh ngân hàng này như một ngôi nhả nhỏ của mình vậy. Có lẽ bởi thế mà nhiều lần đứa bạn giục tôi làm thẻ ATM để rút tiền cho tiện nhưng tôi cứ chần chừ mãi không làm. Mãi đến năm hai, tôi mới quyết định làm thẻ ATM bởi khu trọ tôi chuyển đến ở cách quá xa. Và cũng bởi một lý do đặc biệt nữa, là chị nhân viên ở ngân hàng đã chuyển đến vị trí công tác khác.
Tôi còn nhớ hôm ấy, sau khi rút tiền xong, tôi nán lại hỏi thêm anh nhân viên về thủ tục làm thẻ ATM, đó cũng xem như là lần giao dịch cuối cùng của tôi với địa chỉ quen thân này của ngân hàng. Tôi hỏi xong rồi thì lao thẳng xe ra chợ mua đồ ăn. Khi về đến nhà trọ, đếm lại số tiền tôi hốt hoảng vì thiếu đi 300 ngàn. 300 ngàn là cả một khoản tiền lớn với tôi. Số tiền ấy có thể đủ tiền ăn cho tôi gần cả tháng. Tôi cố nhớ lại xem mình đã đi những đâu. Ngân hàng nơi tôi rút tiền và khu chợ liền kề vẫn là hai địa điểm duy nhất tôi đã đến. Tôi liền phi thẳng xe đến ngân hàng nhưng đến nơi ngân hàng đã đóng cửa. Tôi lại đạp xe ra chợ. Chợ cũng đã vãn từ lâu. Tôi thất thểu ra về. Cả buổi chiều buồn bã chả muốn làm gì. Cũng chẳng còn hi vọng gì, tôi nghĩ thế. Đến chiều muộn, chị chủ nhà trọ gọi tôi có điện thoại. Tôi chạy xuống nghe và nghĩ rằng là cha tôi gọi từ quê vì bao giờ cũng thế, cứ gửi tiền xong mấy hôm là cha tôi gọi vào để hỏi xem tôi nhận được tiền chưa. Vừa nhấc máy lên, từ đầu máy bên kia là một giọng nói rất quen nhưng không phải là giọng cha tôi. Mất mấy giây suy đoán, tôi nhận ra giọng chị. Tôi không thể tin vào tai mình bởi những gì chị vừa trao đổi. Tôi vội vàng đến địa chỉ chị hẹn và nhận đủ số tiền tôi đánh rơi trong khi loay hoay làm thẻ ATM lúc sáng. Nhận đủ số tiền tôi chỉ kịp cảm ơn chị mà chưa thể giải đáp hết mọi thắc mắc trong đầu. Về đến nhà trọ rồi, tôi cứ tự trách mình, sao không thể mời chị một ly kem và hỏi thăm nhiều hơn về người mình vừa mang ơn. Có những hôm đi ngang qua phòng giao dịch, tôi đi chậm lại, mắt hướng vào trong nhưng không còn thấy bóng dáng chị thêm một lần nào nữa…
Cuộc sống sinh viên nghèo túng, tôi ngoài việc học ở trường còn đi làm thêm. Khi làm ở quán cà phê, có khi làm ở quán nhậu, cũng có lúc xin đi gia sư. Dù làm việc gì tôi cũng mong mình sẽ tình cờ gặp lại được chị, được mời chị một que kem như đã hứa. Nhưng tôi đã không bao giờ gặp lại thêm chị một lần nào nữa. Tôi ra trường về quê. Thất nghiệp hơn một năm mới xin được đi dạy học. Chừng ấy năm, chẳng nhớ đã biết bao nhiêu lần tôi phải đến ngân hàng, có khi vay nợ, có khi trả nợ… gặp với biết bao nhiêu nhân viên ngân hàng mới, họ vẫn ân cần, chu đáo nhưng dường như chỉ có chị - cô nhân viên ngân hàng Vietcombank năm nào là in đậm nhất trong tâm trí tôi. Mỗi lần nhớ tới chị, trong đầu tôi lại hiện về hình ảnh chị trong lần gặp cuối cùng mà tôi gọi là “lần giao dịch nghĩa tình”.
NGUYỄN ĐÌNH ÁNH
Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|