Phiên giao dịch ngày 30/7/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

(Banker.vn) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 30/7/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán KB Việt Nam - KBSV

Khuyến nghị mua cổ phiếu DXG với giá mục tiêu là 28.300/cp

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE - Mã: DXG) có nhiều khởi sắc nhờ bàn giao dự án Gem Skyworld và Opal Boulevard. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 6.517 tỷ VND (+645%yoy), lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 830 tỷ VND, so với mức âm 488 tỷ cùng kỳ năm 2020. Cổ phiếu DXG có thể giao dịch kí quỹ trở lại vào tầm cuối tháng 8 khi có báo cáo tài chính kiểm toán 6 tháng đầu năm 2021 với LNST của cổ đông công ty mẹ dương. Đây cũng là 1 thông tin tích cực ảnh hưởng tới giá cổ phiếu.

Lợi nhuận quay lại đà tăng trưởng từ năm 2021 khi bàn giao hơn 3.000 căn tại hai dự án Gem Sky World và Opal Boulevard. KBSV ước tính trong năm 2021, Đất Xanh sẽ ghi nhận 7.616 tỷ VND doanh thu từ hai dự án trên. Bên cạnh đó, để tránh ảnh hưởng bởi quá trình rà soát pháp lý tại TP HCM, DXG tập trung hoàn thiện và mở bán các dự án mới tại Bình Dương như Opal Skyline, Opal Parkview và Opal Cityview. Các dự án này sẽ đảm bảo cho kết quả hoạt động cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm tới.

KBSV ước tính, doanh thu năm 2021 và 2022 của DXG đạt lần lượt 9.520 tỷ VND và 11.666 tỷ VND, tương ứng với LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 1.305 tỷ VND và 1.871 tỷ VND.

Dựa trên triển vọng kinh doanh và định giá, KBSV tiếp tục đưa ra khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu DXG với giá mục tiêu là 28.300 đồng/cp, cao hơn 36% so với giá đóng cửa ngày 28/07/2021.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

NĐT ngắn hạn có thể mua cổ phiếu OCB với tỷ trọng thấp

Trong quý 2/2021, Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE - Mã: OCB) ghi nhận LNST đạt 1.108 tỷ đồng, tăng trưởng +83% YoY nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng mạnh trong khi chi phí dự phòng giảm. Tín dụng 6 tháng đầu năm của OCB tăng +6,6% YTD, trong khi huy động khả quan với tiền gửi khách hàng tăng +10,4% YTD, CASA cải thiện lên mức 10,8% từ mức 9,7% của quý 1/2021 và hệ số LDR giảm xuống mức 84% so với mức 87% tại thời điểm cuối năm 2020. Hệ số NIM của OCB giảm so với cùng kỳ, xuống mức 3,76%. Thu nhập ngoài lãi của OCB tăng +69% YoY, đạt 764 tỷ đồng, thúc đẩy chủ yếu bởi hoạt động kinh doanh trái phiếu và thu nhập từ hoa hồng bancassurance. CIR tại thời điểm cuối quý 2/2021 là 27,8%, giảm so với mức 28,4% tại thời điểm cuối Q1/2021. Tỷ lệ nợ xấu của OCB ở mức 1,53%, giảm so với mức 1,69% của quý trước, LLR tăng lên mức 70% từ mức 63% của quý trước. OCB dự kiến sẽ tái cơ cấu nợ và giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ với mức giảm bình quân từ 0,5%-1% và mức giảm đối với các khoản vay mới sẽ là 1-1,5% cho các khách hàng chịu ảnh hưởng của Covid-19.

OCB đặt mục tiêu LNTT đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng +24,5% YoY, chủ yếu thúc đẩy nhờ tăng trưởng tín dụng và nguồn thu từ bancassurance tăng mạnh. Ngân hàng dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ đạt mức 25,2%, huy động tăng trưởng +26,1%, tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%. Ngân hàng dự kiến phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 25% (dự kiến trong tháng 8), phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phần với giá phát hành không thấp hơn giá trị sở sách và phát hành 5 triệu cổ phiếu ESOP với giá phát hành là 10,000 VNĐ. ĐHCĐ cũng thông qua việc nâng room từ 22% lên tới đa 30% trong trường hợp Ngân hàng phát hành riêng lẻ cho các NĐTNN.

FSC đánh giá triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực của OCB trong năm 2021 cũng như 2022 nhờ tín dụng tăng trưởng tốt và lãi từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh. OCB sẽ được giao dịch ký quỹ kể từ cuối tháng 7 và đây cũng là một động lực ngắn hạn cho giá cổ phiếu.

Ở mức giá hiện tại, cổ phiếu OCB đang được giao dịch tại P/B dự phóng năm 2021 là 1,5x, thấp hơn mức P/B trung bình ngành 2,2x. Theo hệ thống xếp hạng của FSC, Điểm cơ bản của OCB ở mức 91 điểm cho nên FSC đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của OCB vượt lên trên đường trung bình 20 ngày và đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của OCB cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp.

VIB vẫn còn nhiều dư địa để gia tăng lợi nhuận

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE - Mã: VIB) công bố lợi nhuận trước thuế quý 2/2021 đạt 2,1 nghìn tỷ đồng (+19% QoQ/ +68% YoY). Kết quả tăng so với cùng kỳ năm trước phần lớn nhờ vào thu nhập lãi ròng và thu nhập phí cao. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 3,9 nghìn tỷ đồng (+68% YoY).

Tổng tín dụng Q2/2021 đạt 185 nghìn tỷ đồng (+7,6% YTD), so với hạn mức ban đầu của ngân hàng là 8,5%. VIB cho biết, NHNN đã đồng ý tăng hạn mức tín dụng lên thêm 5,6%. Danh mục các khoản cho vay tính đến hết Q2/2021 chủ yếu bao gồm cho vay thế chấp (43%) và cho vay mua xe (26%). Tổng dư nợ tái cơ cấu là 2,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,3% tổng tín dụng Q2/2021).

Thu nhập lãi ròng Q2/2021 là 2,9 nghìn tỷ đồng (+7% QoQ/ +56% YoY). Thu nhập lãi ròng 6T2021 đạt 5,7 nghìn tỷ đồng (+55% YoY).

Thu nhập phí ròng đạt 764 tỷ đồng trong Q2/2021 (+26% QoQ/ +25% YoY). Thu nhập phí ròng 6T2021 đạt 1,4 nghìn tỷ đồng (+34% YoY), phần lớn là phí từ mảng bancassurance đạt 590 tỷ đồng (+12% YoY) và phí dịch vụ thẻ đạt 316 tỷ đồng (+46% YoY).

Chi phí hoạt động đạt 1,3 nghìn tỷ đồng trong Q2/2021 (-1% QoQ/ +34% YoY). Chi phí hoạt động 6T2021 là 2,7 nghìn tỷ đồng (+33% YoY). Ngân hàng công bố tỷ lệ CIR đạt 37% (-2ppt QoQ/ -5ppt YoY). Chi phí dự phòng Q2/2021 là 314 tỷ đồng (-6% QoQ/ +18% YoY). Chi phí dự phòng 6T2021 là 648 tỷ đồng (+54% YoY).

Tỷ lệ LLR tăng nhẹ lên 64% (+2ppt QoQ/ +14ppt YoY). Ngân hàng giải thích tỷ lệ LLR tương đối thấp là do tỷ lệ khoản cho vay/giá trị tài sản thế chấp (LTV) thấp, chỉ ở mức 40% (-1ppt QoQ/ +4ppt YoY) và dư nợ cho vay có thế chấp chiếm tỷ trọng lớn (92% tổng dư nợ) với giá trị thế chấp cao.

Ngân hàng công bố tỷ lệ NPL đạt 1,32% (-4bp QoQ/ -64bp YoY).

Theo Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, VIB vẫn còn nhiều dư địa để gia tăng lợi nhuận, với tỷ lệ LDR tương đối thấp (73%, so với ngưỡng giới hạn của NHNN là 85%) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung và dài hạn thấp (33%, so với ngưỡng giới hạn của NHNN là 40%).

Tỷ lệ NIM nằm trong top đầu ngành mặc dù VIB không sở hữu công ty tài chính tiêu dùng không có tài sản đảm bảo. Tỷ lệ ROE cao nhất ngành và chúng tôi tin rằng ngân hàng sẽ có thể duy trì mức ROE cao nhờ vào chiến lược tập trung vào các khoản cho vay có biên lợi nhuận cao (như cho vay mua xe và cho vay thế chấp) và tăng trưởng thu nhập phí vững chắc.

Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất trong ngành. Tỷ lệ LTV thấp và tài sản thế chấp là những nền tảng vững chắc giúp hạn chế rủi ro. Nhưng theo kinh nghiệm trên thực tế cho thấy, giá trị tài sản thế chấp đối với các khoản cho vay mua xe có thể thay đổi nhanh.

VIB đang giao dịch tương ứng với P/B 2021E là 2,4x, so với trung vị ngành là 1,8x, mức địnhgiá này có vẻ hợp lý do các bên (Bloomberg) kỳ vọng ROE 2021E của VIB sẽ đạt 29%, so với trung vị ngành là 20%.

Công ty chứng khoán BIDV – BSC

Cắt lỗ cổ phiếu CTG nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 32.000 đồng/cp

Cổ phiếu CTG (Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – sàn HOSE) đang nằm trong nhịp tích lũy tại ngưỡng 32.5. Thanh khoản cổ phiếu nằm tại vượt ngưỡng trung bình 20 phiên đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD đang cho thấy tín hiệu tích cực trong chỉ báo RSI đang báo hiệu nhịp hồi phục. Đường giá cổ phiếu cũng vẫn nằm dưới dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn chưa hình thành.

Nhà đầu tư trung hạn có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 34.0 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng giá 40.0. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 32.0.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Tân An

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán