Phiên giao dịch ngày 29/9/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

(Banker.vn) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 29/9/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán BIDV – BSC

Có thể mở vị thế đối với cổ phiếu HPG tại ngưỡng 52.500 đồng/cp

Cổ phiếu HPG (CTCP Tập đoàn Hòa Phát – sàn HOSE) đang nằm trong nhịp tích lũy ngắn hạn 51.6. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD và RSI đều đang cho thấy tín hiệu tích cực. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA20, MA50 và dải mây Ichimoku cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 52.5, chốt lãi tại ngưỡng 61.2 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 50.2.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam - FSC

Giảm tỷ trọng đối với cổ phiếu HAH nhưng chưa bán hết

Mức Stock Rating của HAH (CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An - sàn HOSE) ở mức 96 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của HAH đóng cửa tăng 1,3% với KLGD vẫn thấp hơn mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá giảm về gần đường trung bình 50 ngày và xu hướng ngắn hạn vẫn duy trì ở mức GIẢM. Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn nên tiếp tục QUAN SÁT cổ phiếu này.

Xu hướng trung hạn vẫn duy trì ở mức TĂNG và Sức mạnh giá hạ nhiệt về mức 97 điểm cho thấy các NĐT trung hạn có thể tiếp tục NẮM GIỮ.

Công ty chứng khoán KB Việt Nam - KBSV

Khuyến nghị mua cổ phiếu KBC với giá mục tiêu 50.000 đồng/cp

Lũy kế 6M/2021, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận gộp lần lượt là 2.752 tỷ (+278% yoy) và 1.572 tỷ (+340% yoy). Kết quả tích cực này chủ yếu tới từ diện tích bán đất KCN đạt 80,7 ha (+365% yoy). Về cơ cấu doanh thu: Cho thuê KCN vẫn chiếm tỉ trọng chính với 75,7%, bán nhà xưởng tỉ trọng 9,6%, bán KĐT 8,6% và thu phí dịch vụ khác 6,1%. Doanh thu từ mảng KCN có đóng góp bình quân 72,7% vào doanh thu của KBC trong 5 năm gần đây.

Trong số 80,6 ha KCN đã bán H1/2021: Quang Châu đạt 40,7 ha, Tràng Duệ 1,4 ha, Tân Phú Trung 21,9 ha và NSHL 16,6 ha. Tuy nhiên, KBSV kì vọng kể từ H2/2021 Quang Châu sẽ không còn đóng góp đáng kể nữa khi tỷ lệ lấp đầy đã đạt 97% và thay vào đó là NSHL khi khu này đã nhận kí biên bản ghi nhớ lên tới 100 ha.

H1/2021, KBC ghi nhận mức biên lợi nhuận gộp 57,1%, tăng 8 điểm % so với cùng kì 2020 nhờ giá bán các KCN tăng mạnh. Tại Quang Châu, giá thuê tăng từ 90 USD/m2 lên 108 USD/m2 còn tại Tân Phú Trung giá tăng từ 110 USD/m2 lên 135 USD/m2. Mặt bằng giá tăng tại 2 khu công nghiệp đã giải phóng gần 100% này là nguyên chân chính dẫn tới mức biên lợi nhuận gộp cao.

KBSV cũng lưu ý rằng, mặc dù các KCN ở phía Bắc của KBC đã hoạt động trở lại sớm hơn vào tháng 7, các dự án đang phát triển của KBC ở miền Nam như KCN Tân Phú Trung và cụm công nghiệp Long An vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch, dẫn tới nhà đầu tư không thể tới thăm thực địa dự án và phải ngưng triển khai tạm thời. Điều này được thể hiện rõ nhất khi tiến độ bán KCN quý 2 chỉ đạt 14 ha trong khi quý 1 là 64 ha. Tuy nhiên, KBSV đánh giá đây chỉ là diễn biến ngắn hạn và việc hạch toán các KCN của KBC sẽ chỉ bị chậm 1-2 quý so với kế hoạch.

KBSV ước tính quỹ đất KCN của KBC có thể bán sẽ tăng từ 309 ha lên 954 ha nhờ: 456 ha thương phẩm tại KCN Tràng Duệ 3, 111 ha thương phẩm tại cụm công nghiệp Long An, và 78 ha tại KCN Quang châu mở rộng hiện đã được phê duyệt 1/2000. Mảng KĐT cũng được kì vọng sẽ đóng góp đáng kể từ 2023 khi KĐT Tràng Cát bắt đầu mở bán, qua đó nâng diện tích KĐT thương phẩm của KBC từ 56 ha lên 306 ha.

KBSV nhận thấy giá bán tại các KCN của KBC đã có sự cải thiện đáng kể so với 2020, cụ thể: Giá bán tại Quang Châu đã tăng từ 90 USD/m2 lên 108 USD/m2, giá bán tại Tân Phú Trung đã tăng từ 110 USD lên 134 USD/m2, qua đó giúp biên gộp mảng KCN cải thiện từ mức 25,5% vào 2020 lên 57,4% H1/2021. KBSV cũng kì vọng các dự án sắp tới của KBC sẽ có biên gộp cải thiện khi: KĐT Phúc Ninh hiện đang có giá thị trường trên 30 tr/m2 trong khi giá bàn giao các hợp đồng cũ mới chỉ 18tr/m2, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh (NSHL) bàn giao giá 90 USD/m2 trong khi giá khu vực xung quanh giao động từ 100-120 USD/m2.

Với vị thế là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực KCN và có mối quan hệ mật thiết với chính quyền địa phương, KBC đã liên tục gia tăng quỹ đất sở hữu: Dự án KĐT Nam Vũng Tàu 69 ha được UBND Vũng Tàu chọn làm CĐT vào 2020, dự án KCN Nam Tân Tập 245 ha (sở hữu 41%) đã được thủ tướng phê duyệt, và 2.500 ha diện tích KCN khác đang nghiên cứu tại Bình Giang, Hưng Yên và Long An.

Định giá:

Sử dụng phương pháp RNAV, KBSV đưa ra khuyến nghị MUA với mức giá mục tiêu là 50.000 VNĐ/cp, tương đương với mức sinh lời tổng 20,5% so với giá đóng cửa 41.500 VNĐ/cp ngày 27/09/2021.

Mô hình định giá của KBSV đã bao gồm kế hoạch phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu sắp tới với mức giá 34.096 VNĐ/cp. KBC dự định sẽ thu về 3.409,6 tỉ với mục đích sử dụng vốn như sau: 419 tỷ bổ sung vốn lưu động, 1.180 tỷ tăng quy mô tại Tràng Cát và tái cơ cấu 12 khoản nợ với tổng giá trị 1.811 tỷ. Số lượng cổ phiếu lưu hành của KBC ước tính sẽ tăng 21,5% từ 469,7 triệu cổ phiếu lên 569,7 triệu.

Mô hình định giá của KBSV cũng đã đưa các dự án mới được phê duyệt và là định hướng phát triển của KBC sắp tới, bao gồm: KCN Tràng Duệ 3 diện tích 687 ha đã được thủ tướng chính phủ bổ sung vào quy hoạch khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, cụm công nghiệp Long An diện tích 169 ha, cuối cùng là khu đô thị Tràng Cát đã hoàn thành công đoạn đền bù và nộp tiền sử dụng đất.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Tân An

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán