Phiên giao dịch ngày 23/12/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

(Banker.vn) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 23/12/2022, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán MB - MBS

Khuyến nghị mua cổ phiếu DCM với giá mục tiêu 32.400 đồng/cp

Lợi nhuận năm 2022 của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) tiếp tục tăng trưởng cao nhờ giá phân bón tăng mạnh. Hoạt động sản xuất và bảo dưỡng nhà máy phân bón vượt kế hoạch. MBS khuyến nghị MUA cổ phiếu DCM với mức định giá 32.400 đồng/cp với các luận điểm sau: (1) Lợi nhuận duy trì ở mức cao (2) nguồn lực tài chính mạnh, công ty đã trả hết nợ vay (3) Nhà máy NPK đã hoàn thành và đưa sản phẩm ra thị trường.

Phiên giao dịch ngày 23/12/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý
MBS khuyến nghị mua cổ phiếu DCM. Hình minh họa

Kết quả kinh doanh đạt mốc cao nhất từ khi nhà máy đi vào hoạt động: Trong quý 3/2022, mặc dù Công ty tiến hành bảo dưỡng định kỳ nhà máy trong tháng 9 nhưng DCM đã có sự chuẩn bị lượng hàng tồn kho giúp sản lượng tiêu thụ tăng 30% so với cùng kỳ, ước đạt 193 nghìn tấn Urea Cà Mau và 26 nghìn tấn Urea hàng hóa, sản lượng tiêu thụ NPK cũng đạt 11,5 nghìn tấn. Giá bán phân bón giảm khá mạnh so với nửa đầu năm nhưng vẫn neo ở mức cao, tăng hơn khoảng 30% so với cùng kỳ giúp kết quả kinh doanh của Công ty tăng đột biến. Theo báo cáo tài chính quý 3/2022, doanh thu thuần đạt 3.307 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 785,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 82,5% và 99,7% so với cùng kỳ 2021.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 11.466 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.492 tỷ đồng, lần lượt tăng 89,5% và 297% so với cùng kỳ, thực hiện 127% về doanh thu và 642% về lợi nhuận trước thuế so với kế hoach cả năm. Dù mới qua 3 quý nhưng doanh thu và lợi nhuận đã vượt lần lượt 16% và 78,5% doanh thu và lợi nhuận cả năm 2021.

Giá phân bón có xu hướng giảm từ mức đỉnh đầu năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao so với các năm trước: Giá phân bón thế giới các tháng cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 tăng rất mạnh do nguồn cung từ Nga, Trung Quốc bị thắt chặt. Hiện nay giá phân bón đã bắt đầu có xu hướng điều chỉnh giảm do nguồn cung tăng lên. Giá Urea trung bình 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm đã giảm khoảng 16% tại Trung Quốc và giảm 23% tại Trung Đông. Tuy nhiên, mặt bằng giá vẫn ở mức cao giúp kết quả kinh doanh vẫn khả quan.

Rủi ro đầu tư, giá phân bón có thể giảm nhanh nhiều hơn mức giảm của giá khí nguyên liệu đầu vào: Giá phân bón thế giới đã giảm nhưng vẫn khiến chi phí ngành nông nghiệp ở mức cao làm giảm nhu cầu. Rủi ro giảm giá phân bón sẽ làm giảm hiệu quả kinh doanh của Công ty.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

Duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ

Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) công bố kết quả doanh thu tháng 11/2022 tăng 17% YoY, cho thấy đà tăng trưởng mạnh dù so với mức nền cao của năm ngoái. Công ty ghi nhận doanh thu thuần tháng 11 đạt 2,5 nghìn tỷ đồng (-15% MoM nhưng +17% YoY), trong khi LNST đạt 153 tỷ đồng (+4% MoM / +9% YoY).

Vượt 20% kế hoạch lợi nhuận cả năm trong 11T22. Cụ thể, doanh thu 11T22 đạt 31.0 nghìn tỷ đồng (+85% YoY) và LNST đạt 1,6 nghìn tỷ đồng (+96% YoY). Như vậy, PNJ đã vượt 24% kế hoạch LNST của công ty và hoàn thành 90,6% dự báo LNST năm 2022E của FSC trong 11T22.

Biên lợi nhuận gộp 11T22 giảm 1,0 điểm phần trăm YoY còn 17,4%, thấp hơn nhiều so với dự báo biên lợi nhuận gộp năm 2022E của FSC là 18,0%, do có sự thay đổi trong cơ cấu kênh bán lẻ và sự tác động lạm phát đối với cả sức mua và chi phí đầu vào. Tuy nhiên, biên lợi nhuận ròng vẫn tăng 0,3 điểm phần trăm và đạt 5,3% trong 11T22 do tăng hiệu quả kinh doanh nhờ ứng dụng công nghệ vào bán hàng, quản lý.

Mảng bán lẻ vẫn là động lực tăng trưởng chính. Trong 11T22, doanh thu bán lẻ (chiếm 60,7% tổng doanh thu) tăng 92% YoY; doanh thu bán vàng 24k (chiếm 25,6%) tăng 85% YoY; doanh thu bán sỉ (chiếm 12,2%) tăng 67% YoY; và doanh thu khác tăng 26% YoY.

PNJ đã mở mới 33 cửa hàng từ đầu năm đến nay, gần như hoàn thành kế hoạch mở 35-40 cửa hàng trong năm 2022E. Đồng thời, từ đầu năm đến nay công ty cũng đã đóng 13 cửa hàng và hiện đang vận hành mạng lưới bán lẻ với 362 cửa hàng trên toàn quốc.

Kết quả kinh doanh của PNJ thường tăng mạnh vào dịp cuối năm. Trong tháng 10 và tháng 11 năm 2022, PNJ đã hoàn thành 65% dự báo doanh thu Q4/2022 và 64% dự báo LNST Q4/2022 của FSC, và do đó kết quả kinh doanh thực tế của PNJ có khả năng sẽ vượt số liệu dự báo cho năm 2022E của FSC.

Công ty vẫn đang mở rộng mạng lưới kinh doanh bán lẻ trong bối cảnh lạm phát tăng. Do đó, FSC kỳ vọng PNJ sẽ tăng trưởng trong năm 2023E nhưng với tốc độ chậm hơn so với năm 2022E. Điều này phù hợp với quan điểm của ban lãnh đạo. Vui lòng xem báo cáo cập nhật của FSC được phát hành vào ngày 23/09 để biết thêm thông tin chi tiết.

PNJ đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển bền vững theo ESG, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nhà đầu tư và tăng cường hợp tác thương mại quốc tế.

FSC vẫn duy trì khuyến nghị MUA đối với PNJ với giá mục tiêu là 135.453 đồng/cp. PNJ đang giao dịch với P/E 2023E là 12,3x, tương ứng với tỷ lệ PEG là 0,8x.

Công ty chứng khoán VNDirect – VND

Duy trì khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu HDB với giá mục tiêu 25.000 đồng/cp

LN ròng của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HOSE: HDB) trong Q3/22 tăng 40,9% svck nhờ tăng trưởng tín dụng cao, thu nhập phí tăng mạnh (+111% svck nhờ mảng bảo hiểm). LN ròng 9T22 đạt 6 nghìn tỷ đồng (+32,3% svck), hoàn thành 76% dự phóng cả năm của VND. HDB là một trong số ít những ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng cao trong năm nay nhờ vào (i) hệ số CAR cao (15,3%), (ii) LDR thấp (71,4%), (iii) cơ cấu tín dụng khá lành mạnh khi nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), (iv) tham gia cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém. Đây cũng sẽ là một lợi thế lớn của ngân hàng để tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt trong năm tới.

Việc NHNN tăng mạnh 200 điểm cơ bản lãi suất điều hành sẽ tác động tiêu cực đến NIM của các ngân hàng khi chi phí vốn tăng và lãi suất cho vay khó có thể theo kịp. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản và TPDN tiếp tục khó khăn sẽ tác động xấu lên chất lượng tài sản cũng như là thanh khoản của các ngân hàng. Bên cạnh đó, rủi ro "đứt gãy thanh khoản" tại các doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng lên nợ xấu của ngân hàng. Nhìn chung, chính sách tiền tệ thắt chặt và những bất ổn vĩ mô sẽ ảnh hưởng lên triển vọng ngành ngân hàng trong năm tới khi tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.

Tăng trưởng LN ròng sẽ chậm lại trong năm 2023-24 và đạt 16-20% svck trong 2023-24, do (i) NIM thu hẹp và (ii) trích lập dự phòng tăng. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn cao hơn dự phóng toàn ngành (10,4%) do HDB có khả năng nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn các ngân hàng khác, như VND đã đề cập. Về dài hạn, VND vẫn ưa thích HDB nhờ (i) mô hình cho vay tập trung vào khu vực có nhu cầu cao như vùng nông thôn, (ii) hoạt động bảo hiểm mạnh mẽ hỗ trợ tăng trưởng thu nhập từ phí, (iii) chất lượng tài sản tốt hơn so với các ngân hàng có mô hình kinh doanh rủi ro cao, (iv) tỷ suất sinh lợi tốt 23% so với toàn ngành là 20% trong giai đoạn 2020-22.

Theo đó, VND duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu thấp hơn là 25.000 đồng/cp. VND hạ P/B mục tiêu xuống 1,3 lần từ 2,0 lần để phản ánh những khó khăn của ngành. Cùng với tỷ trọng 50% của phương pháp thu nhập thặng dư (COE: 16,1%, LTG: 3%), VND đưa ra giá mục tiêu mới là 25.000 đồng/cp. HDB hiện đang giao dịch ở mức P/B 2023 rất thấp chỉ 1,0 lần, cho thấy rằng rủi ro đã được phản ánh vào giá.

Rủi ro giảm giá gồm (i) lãi suất tăng cao hơn dự kiến và (ii) nợ xấu tăng cao hơn dự kiến. Tuy vậy, việc ký kết hợp đồng bảo hiểm với FWD thành công sẽ là một động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho HDB.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Khó khăn tiếp tục kéo dài, Hòa Phát khó lòng trả cổ tức tiền mặt trong 2 năm tới

Báo cáo mới nhất của Công ty CP Chứng khoán KIS cho biết, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, Công ty ...

Tập đoàn TDI sẽ mang gì lên UpCOM?

Ngày 21/12, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ra quyết định số 862/QĐ-SGDHN về việc chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu ...

Động thái chốt lời của khối ngoại sau gần 2 tháng mua ròng, EIB gây chú ý

Phiên giao dịch ngày 22/12, khối ngoại bất ngờ chuyển hướng bán ròng sau hơn 1,5 tháng mua ròng liên tiếp với giá trị lên ...

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán