Phiên giao dịch ngày 22/10/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

(Banker.vn) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 22/10/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán Bảo Việt - BVSC

Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu TPB và nâng giá mục tiêu cuối năm 2022 lên 51.000 đồng/cp

Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank (HOSE - Mã: TPB) ghi nhận KQKD Quý 3/2021 mạnh mẽ với LNTT tăng trưởng 40,2% YoY lên 1.584,6 tỷ trong bối cảnh COVID-19 tái diễn đầy thách thức tại Việt Nam, vượt đáng kể ước tính của chúng tôi là 1.136,8 tỷ (+14,9% YoY). Động lực chính: (1) Thu nhập từ lãi tốt nhờ duy trì tăng trưởng tín dụng và NIM khả quan; (2) Lãi đáng kể từ chứng khoán đầu tư; và (3) CIR được tối ưu hóa xuống mức thấp kỷ lục.

Lũy kế, LNTT 9T/2021 của TPB tăng mạnh 44,6% YoY lên 4.371,4 tỷ, đạt 75,4%/ 73,0% mục tiêu của TPB và dự báo hiện tại của BVSC.

Tăng trưởng tín dụng cuối Quý 3 của TPB mạnh mẽ ở mức 11,6% YTD, cao hơn 7,2% so với mức toàn ngành. Trong đó, cho vay khách hàng tăng nhẹ 0,6% QoQ lên mức 133,0 nghìn tỷ (+10,8% YTD), trong khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh 16,4% QoQ lên mức 13,5 nghìn tỷ (+19,7% YTD), là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trong Quý 3.

Tiền gửi của khách hàng đi ngang ở mức 1351,5 tỷ (-0,4% QoQ; +13,5% YTD). CASA tiếp tục tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay ở mức 21,6% so với 18,4% trong Quý 2 và 19,4% cuối năm 2020, mà chúng tôi tin rằng được hỗ trợ bởi nền tảng ngân hàng kỹ thuật số ưu việt và cơ sở khách hàng mở rộng vững chắc. Đáng chú ý, TPB tiếp tục tích cực phát hành giấy tờ có giá trong kỳ, nâng số dư lên 31,5 nghìn tỷ (+10,1% QoQ; +14,9% YTD).

NIM Quý 3 đạt 4,13% (-66 bps QoQ; +24 bps YoY), chủ yếu được hỗ trợ bởi chi phí vốn giảm mạnh xuống mức thấp nhất từ trước đến nay là 3,31% (-19 bps QoQ; -88 bps YoY), giúp bù đắp giảm lợi suất tài sản sinh lãi. Chúng tôi hiểu rằng việc giảm lợi suất của IEA có khả năng là do: (1) Cắt giảm lãi suất để hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19; và (2) Không ghi nhận lãi dự thu trong kỳ.

Thu nhập ngoài lãi Quý 3/2021 của TPB tăng mạnh 2,6 lần YoY lên 1.327,9 tỷ, phần lớn được hỗ trợ bởi lợi nhuận đáng kể từ chứng khoán đầu tư ở mức 913,2 tỷ so với mức thấp 82,2 tỷ trong Quý 3/2020. Trong khi đó, thu nhập phí thuần giảm 27,5% YoY xuống 357,8 tỷ, mà chúng tôi cho là do ảnh hưởng từ COVID-19. Thu nhập khác đạt 110,6 tỷ so với mức lỗ 17,9 tỷ đồng trong Quý 3/2020. Tựu chung lại, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của TPB tăng mạnh 65,8% YoY lên 3.673,6 tỷ (+7,0% QoQ).

Chi phí hoạt động trong Quý 3/2021 của TPB ở mức thấp là 941,0 tỷ (-24,0% QoQ; +16,2% YoY). Nhờ TOI tăng trưởng mạnh mẽ, hệ số CIR được tối ưu hóa chỉ còn 25,6%. Lợi nhuận trước dự phòng tăng vọt 94,4% YoY lên 2.732,6 tỷ (+ 24,4% QoQ).

Nợ xấu cuối Quý 3/2021 của TPB (cho vay Nhóm 3-5) giảm 9,3% QoQ xuống 1.378 tỷ, tương đối ấn tượng, chỉ 1,04% tổng dư nợ. Trong khi đó, SML (Nợ nhóm 2) tăng mạnh 75,6% QoQ lên 3.403 tỷ đồng, tương đương 2,56% dư nợ; mà chúng tôi tin rằng phù hợp với xu hướng của toàn ngành.

Đáng chú ý, TPB tiếp tục quyết liệt xóa nợ xấu gần 2,0 nghìn tỷ trong kỳ, nâng tổng mức xóa nợ 9T/2021 lên 2.665,8 tỷ, tạo cơ hội cho Ngân hàng ghi nhận thu nhập từ hoàn nhập khi nền kinh tế phục hồi.

Chi phí dự phòng trong Quý 3 tăng mạnh lên 1.345,6 tỷ (+119,8% QoQ; +223,5% YoY). Theo đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn ở mức khá 115,4% vào cuối Quý 3 so với 144,8% trong Quý 2 và 134,2% vào cuối năm 2020.

Mặc dù KQKD Quý 3/2021 tốt hơn kỳ vọng, BVSC thận trọng duy trì dự báo KQKD năm 2021 cho TPB vào thời điểm hiện tại. BVSC hiện dự báo LNTT năm 2021-22 của TPB lần lượt là 5.988 tỷ (+ 36,4% YoY) và 7.539 tỷ (+25,9% YoY).

Với việc kiểm soát COVID-19 tốt hơn và nới lỏng hạn giãn cách gần đây, BVSC loại bỏ chiết khấu định giá 5%, mà BVSC đã áp dụng cho sự không chắc chắn từ COVID-19 trong cập nhật gần đây nhất. Do đó, BVSC duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với TPB và nâng giá mục tiêu cuối năm 2022 theo Phương pháp thu nhập thặng dư lên 51.000 đồng/cổ phiếu (Upside: 15,6%).

BVSC kỳ vọng đợt tăng vốn thứ hai của TPB (thông qua cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%) sẽ là catalyst cho cổ phiếu, hỗ trợ tính thanh khoản cổ phiếu và thúc đẩy việc đánh giá lại định giá hơn nữa trong các giai đoạn sắp tới.

Công ty chứng khoán BIDV - BSC

Cắt lỗ nếu cổ phiếu TIP mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 42.500 đồng/cp

Cổ phiếu TIP (CTCP Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa – sàn HOSE) đang hình thành xu hướng tăng giá sau khi tích lũy quanh ngưỡng 42.5. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD vẫn đang ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã cắt lên đường MA20 và MA50 báo hiệu xu hướng hồi phục.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 45.6, chốt lãi tại ngưỡng 51.6 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 42.5.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam - FSC

Có thể mua thêm đối với cổ phiếu PDR tại các nhịp điều chỉnh

Mức Stock Rating của PDR (CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt – sàn HOSE) ở mức 87 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của PDR đóng cửa phiên 20/10 tăng 3,1% và xác lập mức cao nhất 52 tuần với KLGD tăng 49% so với mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, mức Sức mạnh giá đạt trên 80 điểm cho thấy đồ thị giá của PDR đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh trong ngắn hạn.

Hệ thống xu hướng của FSC đã cảnh báo xu hướng tăng vào ngày 04/10/2021 với đà tăng duy trì trong 12 phiên vừa qua và tỷ suất lợi nhuận tạm tính đạt 13,01% cho nên FSC cho rằng các NĐT ngắn hạn có thể xem xét NẮM GIỮ cổ phiếu này và có thể mua thêm tại các nhịp điều chỉnh.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Tuệ An

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục