Doanh thu quý IV/2022, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) đạt 25.826 tỷ đồng (giảm 42% so với cùng kỳ năm trước) với khoản lỗ 1.992 tỷ đồng (giảm 127%). Sản lượng tiêu thụ đạt 1.756.000 tấn (giảm 31%) trong bối cảnh các doanh nghiệp Bất động sản gặp nhiều khó khăn về thanh khoản, ảnh hưởng tới hoạt động xây dựng.
KBSV khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 23.700 đồng/cp. Hình minh họa |
Doanh thu lũy kế đạt 141.409 tỷ đồng (giảm 6%), lợi nhuận sau thuế đạt 8.444 tỷ đồng (giảm 76%) với nửa cuối năm 2022 lỗ 3.784 tỷ đồng. Trong quý IV/2022, HPG ghi nhận 970 tỷ đồng doanh thu tài chính nhờ việc tỷ giá VND/USD hồi phục trong những tháng cuối năm.
Quý IV/2022, dòng tiền hoạt động kinh doanh của HPG đạt 5.440 tỷ đồng nhờ giảm tồn kho và thu hồi các khoản phải thu ngắn hạn, qua đó, thay đổi vốn lưu động của HPG đạt 7.506 tỷ đồng (tăng 107% so với quý III/2022). Nợ vay ngắn hạn và dài hạn được tiết giảm (giảm 12% so với quý trước) sẽ giúp giảm chi phí lãi vay trong 2023. Với việc tạm dừng hoạt động 4/7 lò cao tại Hải Dương và Dung Quất 1, HPG sẽ hướng tới việc tối ưu chi phí sản xuất và cải thiện biên lợi nhuận.
Giá quặng sắt và than cốc tăng lần lượt 23% và 15% từ đầu quý IV/2022 tới nay, trong khi giá bán thép mới chỉ tăng tương ứng khoảng 8% do nhu cầu tiêu thụ nội địa sụt giảm, khiến biên lợi nhuận của HPG suy giảm mạnh (trong quý IV/2022 biên lãi gộp đạt -3% so với 21% cùng kỳ 2021).
KBSV ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của HPG 2023F đạt 126.770 tỷ đồng (giảm 10% so với năm ngoái) và 3.799 tỷ đồng (giảm 55%). Kết hợp 2 phương pháp định giá P/E và EV/EBITDA, KBSV xác định giá mục tiêu của HPG là 23.700 đồng/cổ phiếu, đồng thời khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu này.
Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022 với doanh thu đạt 1.923 tỷ đồng, tăng 18% YoY, lợi nhuận sau thuế đạt 6 tỷ đồng, giảm 95% YoY. Lũy kế cả năm 2022, NT2 ghi nhận doanh thu 8,796 tỷ đồng, tăng 43% YoY, lợi nhuận sau thuế đạt 729 tỷ đồng, tăng 37% YoY, hoàn thành lần lượt 108% kế hoạch doanh thu và 156% kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2022.
Doanh thu quý IV/2022 tăng trưởng tích cực nhờ sản lượng điện tiêu thụ hồi phục và giá bán điện trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) khả quan hơn. Tuy nhiên, do giá khí đầu vào gia tăng nên biên lợi nhuận quý IV giảm xuống mức 4,4% (cùng kỳ 9.2%). Ngoài ra, lợi nhuận giảm mạnh còn do khoản trích lập dự phòng 52,4 tỷ đồng đối với Công ty Mua bán điện (EPTC) do chưa thống nhất được giá bán cho một lượng điện nhất định theo hợp đồng đã ký từ 2012.
FSC cho rằng, triển vọng 2023 của NT2 sẽ tích cực nhờ 1) thủy điện sẽ có nhiều bất lợi từ điều kiện thủy văn thay đổi; 2) điện than đang chịu áp lực thiếu sản lượng than đầu vào; 3) kho LNG Thị Vải chuẩn bị vận hành từ 2023 sẽ giúp ổn định lượng khí đầu vào. Ngoài ra, NT2 cũng có khả năng sẽ hoàn nhập khoản dự phòng đối với EPTC (tổng cộng 240 tỷ trong 2022) sau khi 2 bên thống nhất được giá bán.
Một yếu tố khác là cổ tức, NT2 có lịch sử trả cổ tức tiền mặt đều đặn hàng năm ở mức 15-20% trên mệnh giá. FSC kỳ vọng mức cổ tức năm nay có thể sẽ cao hơn, ở mức 25-30%, do: 1) Công ty mẹ POW đang cần tiền mặt cho việc xây dựng nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4; 2) lượng tiền mặt lớn mà NT2 đang có (tương đương 4.500 đồng/cp); 3) NT2 đã trả gần hết nợ vay.
Ở mức giá đóng cửa hiện tại, NT2 đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 11.6x (tương ứng EPS TTM là 2.533 đồng). Mức Stock Rating của NT2 ở mức 94 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của NT2 đóng cửa tăng 1,9% với khối lượng giao dịch tăng nhẹ.
Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy đồ thị giá có thể sẽ có xu hướng ngắn hạn rõ ràng hơn avf sớm thoát khỏi giai đoạn đi ngang trong tuần qua. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của cổ phiếu NT2 cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA cổ phiếu NT2 với tỷ trọng thấp do rủi ro của thị trường vẫn ở mức cao và tăng dần tỷ trọng lên mức tối đa 20% nếu xu hướng ngắn hạn của thị trường xác nhận tăng.
Tập đoàn Bảo Việt (HOSE: BVH) ghi nhận phí bảo hiểm (BH) gốc và lợi nhuận ròng của cổ đông tập đoàn trong quý IV/2022 là 11,2 nghìn tỷ đồng (+2% so với cùng kỳ) và 342 tỷ đồng (-37% so với cùng kỳ).
Lợi nhuận ròng giảm chủ yếu do lỗ từ HĐKD BH tăng 28% so với cùng kỳ, được bù đắp một phần bởi lợi nhuận từ HĐ tài chính tăng 8%. Khoản lỗ tăng phần lớn đến từ mảng BH nhân thọ (NT). So với dự phóng của VND, HĐKD BH tốt hơn dự kiến, nhờ mảng phi nhân thọ (PNT), trong khi lợi nhuận từ HĐ tài chính giảm do chi phí dự phòng cao hơn dự kiến. Cả năm 2022, phí BH gốc và lợi nhuận ròng đạt 43,0 nghìn tỷ đồng (+9% so với cùng kỳ) và 1.530 tỷ đồng (-19% so với cùng kỳ), hoàn thành lần lượt 99%/93% dự phóng.
Phí BH gốc mảng PNT năm 2022 tăng 9% so với cùng kỳ lên 9,8 nghìn tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng của ngành là 17,0%, đồng nghĩa với việc thị phần giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ kết hợp của BVH đã giảm 2,3 điểm % so với cùng kỳ xuống còn 101,6% trong năm 2022 dẫu cho áp lực bồi thường tăng cao sau khi Việt Nam kết thúc giãn cách xã hội – một kết quả đáng nể trong bối cảnh hầu hết các DN BH khác ghi nhận tỷ lệ kết hợp tăng. Nhìn chung, lợi nhuận ròng mảng BH PNT đạt 246 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 15% tổng lợi nhuận của BVH.
Phí BH gốc tăng 9% so với cùng kỳ lên 33,2 nghìn tỷ đồng trong 2022 so với mức tăng 16% của ngành, cho thấy thị phần giảm. Tỷ lệ dự phòng (tăng dự phòng trên phí BH gốc) là 64,6%, giảm 2 điểm % so với cùng kỳ và sát với dự phóng. Biên lợi nhuận HĐKD BH đạt -17,7%, giảm 80 điểm cơ bản so với cùng kỳ, chủ yếu do chi phí bồi thường & đáo hạn tăng mạnh (+24% so với cùng kỳ) trong khi tỷ lệ dự phòng giảm và tỷ lệ chi phí hoa hồng & bán hàng về mức 12,3% (-1,3 điểm % so với cùng kỳ). Nhìn chung, lợi nhuận ròng mảng BH nhân thọ đạt 975 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và chiếm 61% lợi nhuận của BVH.
Theo đó, VND duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu thấp hơn là 65.000 đồng/cp. VND vẫn lạc quan về triển vọng 2023 của BVH với việc: 1) lợi suất đầu tư được cải thiện nhờ lãi suất cao hơn và 2) lợi suất TPCP cao sẽ giúp giảm bớt áp lực dự phòng.
Điều chỉnh dự phóng lợi nhuận ròng 2023-24 giảm 18%/19% xuống 2.235 tỷ đồng/2.801 tỷ đồng, so với 2.728 tỷ đồng/3.476 tỷ đồng trước đó. Dựa theo dự phóng mới, lợi nhuận ròng vẫn sẽ tăng trưởng mạnh 46%/25% từ mức nền thấp trong 2022.
Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Đức Anh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|