Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2045

(Banker.vn) Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 359/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2045.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4/12/2013. Sau gần 8 năm năm thực hiện, đến nay, Thành phố Đà Nẵng đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên các mặt kinh tế - xã hội với tốc độ đô thị hóa nhanh, bộ mặt đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, quá trình triển khai quy hoạch cũng phát sinh những vấn đề mang tính tổng thể, có tác động lớn đến sự phát triển của đô thị.

Sự ra đời của Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định QĐ 393/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến định hướng Quy hoạch chung đã được phê duyệt.

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, UBND thành phố Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 1/2/2019, nhằm hướng đến mục tiêu “xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á”, khắc phục các tồn tại của quá trình phát triển đô thị.

Căn cứ Nhiệm vụ quy hoạch được duyệt, UBND thành phố Đà Nẵng đã tiến hành lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch trình Bộ Xây dựng thẩm định. Trong quá trình nghiên cứu Đồ án, UBND thành phố đã tổ chức 3 hội thảo quốc tế: Hội thảo đóng góp ý tưởng cho Đồ án Quy hoạch chung; Hội thảo phương án quy hoạch cảng biển; Hội thảo phản biện đồ án Quy hoạch chung ngày, nhằm lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư với 871 phiếu, tổng hợp thành 8 nhóm vấn đề, 62 nội dung; lấy ý kiến 10 doanh nghiệp, với 45 nội dung góp ý; ý kiến sở, ban, ngành, với 14 nhóm vấn đề, 80 nội dung góp ý. Ngoài ra còn có ý kiến của 77 đơn vị, các Hội, Hiệp hội, các trường Đại học, tổ chức và cá nhân chuyên gia.

Hồ sơ Đồ án được công khai trên Cổng thông tin điện tử thành phố, trang thông tin điện tử Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch xây dựng, UBND các quận, huyện, các cơ quan truyền thông của thành phố; qua đó nhận về 16 phiếu góp ý của công dân, tổng hợp 6 nhóm vấn đề, 58 nội dung góp ý; 16 văn bản góp ý của các cơ quan, tổ chức. Đồ án được báo cáo định kỳ Thường trực Thành ủy 12 lần và các báo cáo đột xuất khác; báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy hai lần; báo cáo Hội nghị Thành ủy một lần. Đồ án đã được HĐND thành phố thông qua tại Nghị quyết số 297/NQ- HĐND ngày 22-5-2020.

Về phía các bộ, ngành, Đồ án đã nhận được 12 ý kiến góp ý của các bộ và Hội nghề nghiệp. Bộ Xây dựng đã tổ chức đi thực địa và làm việc với UBND thành phố, đồng thời có văn bản góp ý cho Đồ án. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã chỉ đạo đơn vị tư nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh Đồ án quy hoạch và giải trình ý kiến góp ý của các bộ, Hội nghề nghiệp.

Theo đánh của Bộ Xây dựng, việc lấy ý kiến về nội dung quy hoạch của các tổ chức, cá nhân và các cơ quan quản lý tại địa phương tuân thủ đúng quy định. Hồ sơ trình thẩm định của Đồ án quy hoạch cơ bản phù hợp với các quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật số 35 sửa đổi 37 Luật liên quan đến quy hoạch, Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7-4-2010 của Chính phủ và Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng, đủ điều kiện trình để tổ chức hội nghị thẩm định trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Đại Dương

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam (link gốc)

Theo: