Phát triển logistics xanh, chìa khoá tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp vận tải

(Banker.vn) Nhiều doanh nghiệp vận tải hiện đang nỗ lực xây dựng logistics xanh, chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường như một lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Hướng tới một hệ thống logistics xanh và bền vững hơn Doanh nghiệp logistics nắm bắt xu hướng ‘xanh hoá’ Việt Nam nhận quyền trượng đăng cai tổ chức FWC 2025

Theo một nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), có tới 37% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu là do vận tải, một trong những khâu quan trọng nhất của hoạt động hậu cần.

Hiện nay, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh dự kiến ​​sẽ tăng gấp 3 nhu cầu vận chuyển hàng hóa vào năm 2050. Điều này dẫn đến lượng phát thải khí nhà kính tăng gấp đôi.

Trong bối cảnh mới, phát triển bền vững là xu hướng của mọi nền kinh tế, phát triển logistics xanh đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Phát triển logistics xanh, chìa khoá tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp vận tải
Phát triển logistics xanh là chìa khoá tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp vận tải. Ảnh: MH

Trước xu thế này, nhiều doanh nghiệp trong ngành vận tải đã đầu tư cải tạo trang thiết bị, chuyển từ chạy dầu sang sử dụng điện hoặc các nhiên liệu sạch cho cần cẩu, xe chạy trong cảng.

Ông Trương Nguyên Linh - Phó Tổng giám đốc Cảng container quốc tế Việt Nam (VICT) - cho biết: “Hệ thống quản lý cảng biển thực sự rất lớn và nhiều phân hệ có thể nâng cấp, ngoài đầu tư phát triển hệ thống cảng điện tử. Trong năm nay chúng tôi còn cố gắng đạt được chuẩn hóa về ISO 9001, xa hơn nữa chúng tôi đang cố gắng lấy được chứng nhận 14.000 về vấn đề môi trường, ISO 45.000 về sức khỏe con người”. Theo ông Linh, VICT cũng đang triển khai một số giải pháp giảm bụi trong không khí, giảm tiếng ồn như sử dụng sà lan để vận chuyển hàng thay vì xe container.

Trong năm 2023, đơn vị này cũng bắt đầu chuyển sang mô hình cảng biển điện tử (Eport) giúp khách hàng cập nhật tình trạng dữ liệu tàu, hàng hóa thực tế toàn thời gian 24/7, hướng đến mục tiêu đạt được tiêu chí xây dựng “cảng xanh” trong năm 2024.

Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường bộ, việc xanh hóa là một thách thức không nhỏ. Theo đó, logistics xanh chủ yếu được thực hiện thông qua việc thay thế các loại phương tiện sử dụng động cơ đốt trong sang các loại phương tiện sử dụng năng lượng điện hoặc hybrid và sử dụng nhiên liệu sinh học, các loại nhiên liệu bền vững trong vận tải.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hạ tầng giao thông tại Việt Nam đến nay vẫn chưa hoàn thiện, đặc biệt ở các vùng xa xôi. Điều này gây khó khăn cho việc triển khai các phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường như xe điện. Việc thiếu các cơ sở hạ tầng hỗ trợ như trạm sạc điện cho xe vận tải điện, kho hàng và trung tâm phân phối xanh cũng là rào cản đối với các doanh nghiệp.

Ông Harry Lu - Giám đốc phát triển Công ty Sunny Auto - chia sẻ: “Mình đổi từ xe dầu sang xe điện sẽ giảm ít nhất là 50 - 60% lượng khí thải carbon, nếu xe vận tải được sạc bằng năng lượng mặt trời, lượng khí thải carbon sẽ đạt đến trên 90%. Tuy nhiên với điều kiện hiện tại ở Việt Nam chưa phù hợp lắm, vì những trạm sạc năng suất lớn chưa đủ, nó như vấn đề trứng hay con gà có trước, do mình chưa có nhiều xe điện nên chưa có nhiều trạm sạc”.

Theo Ths. Cao Minh Nghĩa - Phó Trưởng phòng phát triển kinh tế Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, các doanh nghiệp cần liên kết với nhau để tạo sức mạnh. "Các doanh nghiệp nhỏ nên liên kết với những doanh nghiệp lớn, đã có hệ thống hoàn chỉnh rồi để nhận sự hỗ trợ cùng phát triển. Cần sự đồng hành của nhà nước, các doanh nghiệp cần đồng hành với chính quyền để thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức là coi việc chuyển đổi logistics là nhiệm vụ quan trọng”, ông Nghĩa chia sẻ.

Xanh hóa ngành vận tải hay logistics xanh không chỉ là trách nhiệm mà còn là động lực và yêu cầu bức thiết. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nếu các doanh nghiệp không thực hiện nhanh và ngay các tiêu chí để xanh hóa ngành logistics thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị “đào thải” ra khỏi các hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu trong nước và toàn cầu.

Tiểu Kết

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục