Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen

(Banker.vn) Thời gian qua, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm, từng bước góp phần giúp người dân, đặc biệt là những người yếu thế tiếp cận được các dòng vốn chính thức; hạn chế tình trạng tín dụng đen.
Thời gian qua, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm, từng bước góp phần giúp người dân, đặc biệt là những người yếu thế tiếp cận được các dòng vốn chính thức; hạn chế tình trạng tín dụng đen. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động cho vay tiêu dùng vẫn còn những khó khăn, trong đó, nhiều công ty tài chính ghi nhận có lợi nhuận sụt giảm, thậm chí dẫn đến thua lỗ do phải trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đến cuối tháng 11/2023, toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) có 84 TCTD còn dư nợ tín dụng tiêu dùng, trong đó có 15 công ty tài chính tiêu dùng. Tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống tăng 2,9% so với cuối năm 2022, chiếm tỉ trọng 21% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Trong giai đoạn 2018 - 2022, tỉ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng so với tổng dư nợ nền kinh tế ở mức khoảng 20% và tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống bình quân khoảng 20,5%/năm.



Phát triển tín dụng tiêu dùng góp phần giúp người dân, đặc biệt là những người yếu thế tiếp cận được các dòng vốn chính thức (
Ảnh: Nguồn Internet)

Đến cuối tháng 11/2023, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của nhóm các công ty tài chính đã giảm 9% so với cuối năm 2022, chiếm 5% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống và chiếm 1% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính bình quân khoảng 15%/năm trong giai đoạn 2018 - 2022.

Tín dụng tiêu dùng gặp khó

Theo các chuyên gia, nợ xấu tín dụng tiêu dùng có xu hướng tăng tại một số công ty tài chính trong thời gian gần đây, xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan đến từ khó khăn chung của nền kinh tế, làm suy giảm khả năng trả nợ của khách hàng. Đối tượng khách hàng của các công ty tài chính thường là người lao động có thu nhập thấp hoặc trung bình, không có tài sản thế chấp và chưa có lịch sử tín dụng. Các khoản vay tiêu dùng của công ty tài chính cũng thường có giá trị không lớn và không có tài sản bảo đảm nên rủi ro tín dụng và lãi suất cho vay cao hơn.   

Theo quy định hiện hành, các công ty tài chính không được huy động vốn từ khách hàng cá nhân. Do đó, việc huy động vốn của các công ty tài chính gặp khó khăn. Theo đó, việc huy động vốn từ các tổ chức gặp nhiều cạnh tranh từ các ngân hàng và các công ty tài chính khác, trong khi một số công ty tài chính có quy mô và thương hiệu chưa lớn, mức độ nhận diện thương hiệu chưa cao. Chưa kể, việc phát hành giấy tờ có giá để huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và định chế tài chính thường có lãi suất cao hơn so với chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng thương mại. Khó khăn trong huy động vốn và chi phí huy động vốn cao, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cấp tín dụng (bao gồm cấp tín dụng tiêu dùng) của các công ty tài chính (như chi phí huy động vốn cao dẫn đến lãi suất cho vay cao…).

Mặt khác, một số công ty tài chính gặp khó khăn, bị ảnh hưởng trong bối cảnh có nhiều thông tin tiêu cực về thị trường tài chính tiêu dùng (như việc một số công ty tài chính bị khiếu kiện từ khách hàng lên cơ quan điều tra), ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thu hồi nợ và các hoạt động khác của công ty. Thực tế có những tổ chức, cá nhân hoạt động trá hình, mạo danh, núp bóng tín dụng tiêu dùng dưới các hình thức như cầm đồ, hỗ trợ tài chính, cho thuê xe ô tô, xe máy, đòi nợ thuê, xã hội đen, tín dụng đen… làm ảnh hưởng tới hoạt động, niềm tin của người dân đối các công ty tài chính cũng như các sản phẩm tài chính tiêu dùng được cấp phép kinh doanh nói riêng và các TCTD nói chung. 

Thời gian qua, lực lượng công an đã khởi tố nhiều vụ án với hơn 400 bị can hoạt động tín dụng đen. Trong đó có nhiều băng nhóm hoạt động liên quan đến công nghệ cao, thậm chí có cả đối tượng là người nước ngoài vào Việt Nam thành lập các công ty rồi thuê nhân viên là người Việt Nam. Hoạt động tín dụng đen chủ yếu trên môi trường không gian mạng và cho vay với lãi suất lên đến hàng nghìn phần trăm/năm. Khoản vay có số tiền rất nhỏ nhưng cộng lãi suất với các khoản phí thì số tiền người vay phải trả rất lớn. Khi người dân tham gia vay các App, thế chấp qua App, việc lộ lọt thông tin khiến các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện các hành vi dọa dẫm, đòi nợ trái quy định của pháp luật là lớn.

Về phía khách hàng, ý thức trả nợ của một bộ phận khách hàng vay tín dụng tiêu dùng chưa cao, thậm chí cố tình không trả nợ; có hành vi chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ đến thu nợ. Cùng với đó, xuất hiện các hội nhóm rủ nhau trốn tránh nghĩa vụ trả nợ trên mạng xã hội kéo theo nhiều hệ lụy cho các TCTD nhưng chưa bị xử lí/chưa có chế tài xử lí…

Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan từ khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt kể từ năm 2020, sau khi đại dịch Covid-19 kéo dài; biến động kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước làm ảnh hưởng tới thu nhập, khả năng trả nợ của khách hàng dẫn đến tỉ lệ nợ xấu trong cho vay tiêu dùng cao hơn mặt bằng chung của các TCTD.

Tiếp tục các giải pháp gỡ khó cho tín dụng tiêu dùng

Thời gian tới, ngành Ngân hàng cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, xử lí nợ xấu của hệ thống các TCTD. NHNN cần tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lí, đảm bảo hài hòa quyền lợi của người cho vay và người đi vay; khôi phục dịch vụ đòi nợ chuyên nghiệp để khắc phục tình trạng bùng nợ.

NHNN tiếp tục yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động cân đối nguồn vốn, đẩy mạnh đa dạng chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, phân khúc khách hàng, đặc biệt là nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh đó, các TCTD cần tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lí hồ sơ vay vốn của khách hàng, đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng vay vốn; triển khai các giải pháp ứng dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân; xem xét, quyết định theo thẩm quyền việc áp dụng giải pháp ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư trong đánh giá khách hàng vay do Bộ Công an cung cấp, bảo đảm hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Ngoài ra, các TCTD cần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, thông tin rộng rãi, đầy đủ, rõ ràng và kịp thời các chương trình, sản phẩm cho vay, cũng như cách thức tiếp cận vốn để người dân nắm bắt và tiếp cận chính sách.

Về phía Bộ Công an, tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; xử lí đối với các cá nhân, tổ chức có các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, trật tự trong quá trình thu giữ, xử lí tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, đảm bảo việc thu giữ xử lí tài sản bảo đảm thu hồi nợ diễn ra theo quy định pháp luật; xử lí quyết liệt các tổ chức, cá nhân trá hình, mạo danh hoạt động tín dụng tiêu dùng bất hợp pháp; nghiêm cấm và xử lí tình trạng đòi nợ xã hội đen; triệt phá tín dụng đen và các hoạt động làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào các TCTD, công ty tài chính, các hoạt động tín dụng tiêu dùng được cấp phép kinh doanh chính thức.

Bộ Công an và NHNN tiếp tục phối hợp ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, trong đó có nghiên cứu phương pháp đánh giá khả tín khách hàng vay, qua đó, nâng cao chất lượng dịch vụ cho vay vốn, giảm rủi ro cho ngân hàng. Điểm khả tín của người dân khi 
vay vốn ngân hàng là “sự tín nhiệm” của khách hàng với ngân hàng, thông qua các chỉ số. Đây là cơ sở để ngân hàng đưa ra quyết định cho vay vốn hay không. Mức độ khả tín của khách hàng được đánh giá dựa trên nhóm tiêu chí năng lực pháp lí, sử dụng vốn, tài chính, thực hiện bảo đảm tiền vay.

Để đảm bảo nhu cầu bảo vệ các thông tin cá nhân và đối mặt với tình trạng thu thập, mua bán, chuyển giao, sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân, trong đó có các vụ việc liên quan tín dụng đen, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Thời gian tới, Bộ Công an cần tiếp tục triển khai đấu tranh với hoạt động chuyển giao trái phép, mua bán dữ liệu cá nhân, xử lí nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp để phát triển đồng bộ các thị trường tài chính, khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế, giảm bớt áp lực cân đối vốn lên hệ thống các TCTD, từ đó, góp phần hạ thấp chi phí vốn huy động trong nền kinh tế. Khi chi phí huy động vốn hạ xuống, các TCTD, trong đó có các công ty tài chính tiêu dùng sẽ cải thiện được khả năng hoạt động cũng như có dư địa để giảm các mức lãi suất cho vay.

Các bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp để kích cầu, phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập cho người dân. Khi thu nhập và tình hình tài chính cải thiện, rủi ro khi cho vay thấp hơn thì cơ hội của người dân tiếp cận với các nguồn cung cấp tín dụng sẽ đa dạng hơn, với chi phí thấp hơn.

Hà Trang
Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục