"Phát triển đội ngũ doanh nhân có tầm nhìn, trí tuệ và đạo đức vươn tầm thế giới"

(Banker.vn) Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, thay thế Nghị quyết 09-NQ/TW khóa XI sau 12 năm. Nghị quyết ra đời đúng dịp “Tết Doanh nhân” năm 2023, thể hiện những quan điểm mới, với định hướng và giải pháp quyết liệt, “bắt nhịp” cho sự phát triến mới của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.

Doanh nhân là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa

Tại Nghị quyết số 41, Bộ Chính trị tái khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân đã được thể hiện tại Nghị quyết 09, đồng thời bổ sung quan điểm xác định đây là “một trong những lực lượng nòng cốt” góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về doanh nhân đúng dịp “Tết Doanh nhân” năm 2023

“Tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước”, Bộ Chính trị nêu rõ.

Trên cơ sở quan điểm đó, Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu tổng quát là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.

Theo Nghị quyết 41, mục tiêu đến năm 2030 là phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, nghị quyết cũng nhấn mạnh mục tiêu dành cho doanh nghiệp, đó là phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

Tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế. Một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân, tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển và cống hiến

Để thực hiện các mục tiêu, tầm nhìn trên, Nghị quyết 41 đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Riêng với đội ngũ doanh nhân, cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, sứ mệnh kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh. Mặt khác, cần chú trọng tôn vinh, biểu dương các tấm gương doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu.

Thứ hai, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Nghị quyết nêu rõ, cần khẩn trương rà soát, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh,... qua đó bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng, nhất là trong tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài chính, công nghệ.

Thứ ba, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Cụ thể, cần ban hành chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, ngành, địa phương gắn với mục tiêu tổng quát, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới.

Bộ Chính trị nhấn mạnh, cần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ. Cùng với đó, có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân dân tộc thiểu số, doanh nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Thứ tư, xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài là hoàn thiện và vận động đội ngũ doanh nhân phấn đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới.

Thứ năm, tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cùng với đó, Nghị quyết cũng nêu rõ, cần tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tổ chức của doanh nhân, doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp lớn; giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài nước, tạo cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng liên kết, hợp tác theo ngành, cụm sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Thứ sáu, phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.

Thứ bảy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.

Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam

Nhằm kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ngày 11/10, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức “Hội nghị ...

Phối hợp đồng bộ các chính sách vĩ mô để khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán

Sau khi đăng tải loạt bài: "Giải pháp nào để tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán, thu hút doanh nghiệp lên sàn”, ...

Chủ tịch UBCKNN: Hai nhóm vấn đề cần làm để đạt kế hoạch nâng hạng thị trường

Tại sự kiện Đối thoại tháng 7 với chủ đề “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” diễn ra vào sang 26/7, bà ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán