Phát triển bền vững, nâng cao giá trị cà phê Sơn La

(Banker.vn) Là vùng cà phê Arabica lớn nhất cả nước, Sơn La đang tập trung nhiều giải pháp để phát triển bền vững và nâng cao giá trị cho hạt cà phê.
Chuẩn bị sẵn sàng cho Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất 2023 WinCommerce đồng hành cùng tỉnh Sơn La phát triển nguồn cung cà phê bền vững

Nỗ lực đầu tư chế biến sâu

Thông tin tại Hội thảo “Phát triển bền vững, nâng tầm giá trị cà phê Sơn La" do UBND tỉnh Sơn La phối hợp với với Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tổ chức chiều 21/10 cho thấy, cây cà phê trồng tại Sơn La từ những năm 1990 với trên 278 ha.

Hội nghị “Phát triển bền vững, nâng tầm giá trị và Kết nối giao thương tiêu thụ Cà phê Sơn La”.
Hội nghị “Phát triển bền vững, nâng tầm giá trị và Kết nối giao thương tiêu thụ Cà phê Sơn La” (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Sơn La)

Đến nay, toàn tỉnh đã nâng lên hơn 20.000 ha cây cà phê Arabica (chiếm 41,2% diện tích cà phê Arabica của cả nước và là tỉnh có diện tích trồng cà phê Arabica lớn nhất cả nước); trong đó, gần 18.000 ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương (RA, 4C, VietGAP), sản lượng trên 200.000 tấn quả tươi (giá trị sản phẩm quả tươi ước đạt trên 2.045 tỷ đồng).

Hiện nay, tỉnh Sơn La được công nhận 2 vùng ứng dụng công nghệ cao cho cà phê với diện tích 1.039,5 ha và 1.560 hộ gia đình tham gia; xây dựng duy trì, phát triển chuỗi cung ứng cà phê an toàn.

Đáng chú ý, tỉnh có 4 sản phẩm cà phê được cấp quyết định công nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 3 sản phẩm đạt 4 sao. Đây là minh chứng cho chất lượng sản phẩm cà phê Sơn La. Toàn tỉnh có 9 cơ sở chế biến cà phê quy mô công nghiệp; 5 đơn vị tham gia chế biến sâu sản phẩm cà phê.

Đa dạng sản phẩm từ cà phê Sơn La
Đa dạng sản phẩm từ cà phê Sơn La

Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Sơn La, đến nay, duy trì quản lý cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “cà phê Sơn La” cho 6 tổ chức.

Nhận thấy vai trò, tầm quan trọng của cây cà phê đối với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành Kết luận số 863 ngày 11/5/2023 về sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 phát triển 25.000 ha, sản lượng cà phê nhân 40.000 tấn nhân; thực hiện tái canh 9.800 ha; phát triển cà phê đặc sản 5.950 ha; phát triển vùng nguyên liệu cà phê đạt các tiêu chuẩn bền vững 18.000 ha. Hình thành, phát triển 5 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao; xuất khẩu 30.000 tấn cà phê nhân sang thị trường: Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan, các nước Nam Mỹ…

Đáng chú ý, để nâng cao giá trị cà phê Sơn La, ngày 21/10, trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Sơn La năm 2023, Nhà máy chế biến cà phê Sơn La đã được khánh thành.

Nhà máy chế biến cà phê Sơn La do Công ty Cổ phần chế biến cà phê Sơn La đầu tư xây dựng tại bản Thống Nhất, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, công suất thiết kế 50.000 tấn quả tươi/năm; gồm dây chuyền xát ướt tiết kiệm nước tuần hoàn và dây chuyền xát khô kín không phát bụi. Công suất tương đương 12.500 tấn cà phê nhân/năm.

Nhà máy được đầu tư xây dựng trên diện tích gần 4,1 ha, gồm các hạng mục: Nhà xưởng chế biến, nhà kho thành phẩm, nhà lưới phơi cà phê, nhà văn phòng làm việc, phòng thí nghiệm kiểm soát chất lượng, nhà điều hành khu xử lý nước thải, hệ thống bể xử lý nước thải, sân phơi cà phê, đường giao thông nội bộ, cây xanh và các công trình phụ trợ... Đặc biệt, với quy trình sản xuất tuần hoàn, toàn bộ vỏ cà phê và các phụ phẩm trong quá trình chế biến được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ của Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc.

Cùng ngày, Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce (đơn vị chủ quản chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+/WIN) và Công ty CP Chế biến Cà phê Sơn La ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu khảo sát và phát triển sản phẩm cà phê Sơn La vào hệ thống bán lẻ của WinCommerce.

Theo Biên bản ghi nhớ, WinCommerce sẽ xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá và phối hợp với Công ty CP Chế biến Cà phê Sơn La hoàn thiện các hồ sơ cung ứng hàng hóa theo tiêu chuẩn của WinMart và WinMart+; chia sẻ kinh nghiệm phát triển nguồn hàng chất lượng, bền vững, từ đó, đóng góp vào mục tiêu chung là phát triển chuỗi giá trị sản phẩm và thương hiệu cà phê Sơn La.

Phát triển bền vững ngành sản xuất cà phê

Dù đã đạt được những thành công nhất định, song việc sản xuất cà phê ở Sơn La còn một số tồn tại như: Sản lượng cà phê còn bị ảnh hưởng nắng hạn, sương muối, mưa đá; chuỗi giá trị sản phẩm cà phê chưa chặt chẽ, thiếu bền vững. Toàn tỉnh còn nhiều cơ sở chế biến cà phê quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu ảnh hưởng tới môi trường và chất lượng cà phê; khâu thu hái của người dân nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật…

Phát triển bền vững, nâng cao giá trị cà phê Sơn La
Cà phê là cây trồng quan trọng của Sơn La (Ảnh: Báo Sơn La)

Để phát triển bền vững, nâng tầm giá trị cà phê Sơn La, các chuyên gia cho rằng, cần tăng diện tích cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản; mở rộng diện tích trồng cà phê Arabica ở nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Khuyến khích các trang trại, hộ sản xuất hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết với doanh nghiệp trong đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, thu mua nguyên liệu đầu vào, trao đổi kỹ thuật sản xuất, tiếp cận, chuyển giao khoa học công nghệ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê.

Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến và quản lý, phát triển nhãn hiệu mang địa danh, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê đặc sản; thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường…

Về vấn đề kết nối giao thương tiêu thụ cà phê Sơn La, ông Tạ Mạnh Cường – Trưởng Phòng Phát triển năng lực Xúc tiến thương mại - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, hiện nay có nhiều nước xây dựng thương hiệu cà phê gắn với thế mạnh địa phương, đặc biệt là du lịch. Sơn La có lợi thế tiềm năng du lịch, việc xây dựng thương hiệu cà phê gắn với du lịch sẽ giúp tăng khả năng thu hút khách, từ đó sẽ gia tăng cơ hội xuất khẩu tại chỗ, trực tiếp ra nước ngoài của cà phê Arabica Sơn La.

Ông Lò Minh Hùng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La chia sẻ, để phát triển bền vững ngành cà phê, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Kết luận số 863-KL/TU ngày 11/5/2023 về sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Toàn tỉnh Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển 25.000 ha, sản lượng cà phê nhân 40.000 tấn; thực hiện tái canh 9.800 ha; phát triển cà phê đặc sản 5.950 ha; phát triển vùng nguyên liệu cà phê đạt các tiêu chuẩn bền vững 18.000 ha. Đặc biệt, hình thành và phát triển 5 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu xuất khẩu 30.000 tấn cà phê nhân sang thị trường: Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan, các nước Nam Mỹ…

Hội nghị cũng đã công bố và trao Quyết định vùng sản xuất Cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Chiềng Ban, Chiềng Dong và Chiềng Chung, huyện Mai Sơn; Công bố và trao Quyết định Chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận Nhà đầu tư Dự án trồng Cà phê Arabica Sơn La cho Công ty Cổ phần Cà phê Detech. Với những hoạt động này, giá trị hạt cà phê Sơn La được kỳ vọng sẽ nâng cao hơn nữa.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương