Phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong đẩy mạnh giải ngân đầu tư công

(Banker.vn) Ở giai đoạn nước rút, các Bộ, ngành, địa phương làm gì để giải ngân 95% kế hoạch vốn đầu tư công. Những kiến nghị của Kiểm toán nhà nước có vai trò như thế nào?
Cơ quan Trung ương nào dẫn đầu giải ngân vốn đầu tư công? Điều hoà linh hoạt nguồn vốn dành cho các dự án đầu tư công Công tác kiểm toán góp phần hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công

Chia sẻ tại Tọa đàm “Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tạo đà tăng trưởng” do Báo Kiểm toán tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá cao các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Chuyên gia này cũng kỳ vọng vào kết luận kiểm toán các dự án quan trọng của quốc gia và mong rằng, khi kiểm toán các dự án đầu tư công, Kiểm toán nhà nước phải đồng hành với doanh nghiệp và các đơn vị quản lý nhà nước, đặc biệt là chia sẻ khó khăn, rủi ro, thấu hiểu trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ tại các địa phương…

Không giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công thì uy tín của Việt Nam bị ảnh hưởng

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, con số giải ngân 8 tháng là tỷ lệ thống kê vốn đầu tư công đã được thanh toán qua Kho bạc Nhà nước, không phải là khối lượng đã được thanh toán trên hiện trường. Những tháng cuối năm, các đơn vị, nhà thầu và các ban quản lý sẽ tích cực nghiệm thu và khả năng số lượng giải ngân sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, năm 2023 là 1 trong 2 năm đặc biệt của nhiệm kỳ 2021-2025. Ngoài việc phải giải ngân vốn đầu tư công hằng năm theo kế hoạch 5 năm được Quốc hội phê duyệt, Việt Nam còn có thêm khối lượng vốn phải giải ngân từ các gói hỗ trợ và kích cầu sau Covid-19.

“Với những giải pháp đã và đang triển khai, hy vọng đến hết tháng 9, con số giải ngân đầu tư công sẽ khá hơn. Đến tháng 12, chúng ta có thể nói với nhau là đã chuyển vốn và xử lý được bao nhiêu” - TS. Kiên nói.

Phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong đẩy mạnh giải ngân đầu tư công
TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá cao các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

Theo vị chuyên gia, về vấn đề điều chuyển vốn từ dự án này sang dự án khác, từ bộ này sang bộ khác, không phải lần đầu tiên các cơ quan tham mưu của Chính phủ có đề xuất này. Ông Kiên nêu dẫn chứng, theo Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước, các đơn vị có quyền điều chỉnh vốn cho các dự án, miễn không vượt tổng mức đầu tư để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, cũng như có thể đưa các công trình, dự án gần nghiệm thu vào khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, đây cũng là “căn bệnh” mà Việt Nam cần lộ trình khắc phục.

“Chúng ta cần tối thiểu 5 năm mới khắc phục được, bởi việc này vướng Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Đơn cử vấn đề giải phóng mặt bằng, theo Luật Đất đai, chỗ ở mới của người dân phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, chúng ta phải có vốn đầu tư để tạo hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên, việc này lại vướng Luật Đầu tư công… Hiện Quốc hội đang có kế hoạch để sửa những luật này. Hy vọng hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, về cơ bản, những luật này sẽ được sửa và những khó khăn, vướng mắc sẽ được gỡ bỏ” - TS. Kiên nêu vấn đề.

Theo ông Kiên, hiện nay, nếu không giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công thì uy tín của Việt Nam bị ảnh hưởng, công trình không được xây dựng, dự án không đưa vào hoạt động, không đóng góp cho xã hội và quan trọng là lãi suất trái phiếu phát hành mà phải trả. Do vậy, ngay từ đầu năm, Thủ tướng đã rất quyết liệt và cuối quý I đã thành lập 5 Tổ công tác, trong đó, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng để vừa kiểm tra, đôn đốc, vừa tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công trong năm 2023.

Phát huy vai trò của Kiểm toán nhà nước

TS. Kiên cho biết, báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước bao giờ cũng chỉ rõ sự yếu kém của cơ quan tư vấn lập dự án ngay từ ban đầu. Khi làm tư vấn thiết kế, chúng ta không lường trước những vấn đề đặt ra khi cả nước là một đại công trình. Nếu từng dự án, từng phân khúc, các nơi có thể đáp ứng, nhưng khi cả nước trở thành một đại công trường thì năng lực của tư vấn thiết kế không đáp ứng được.

“Chúng ta đã thấy ngay một nghịch lý, muốn đẩy nhanh tiến độ thì phải vận chuyển nguyên vật liệu từ nơi khác về và như vậy giá, chi phí thi công sẽ đội lên. Trong kết luận kiểm toán một số dự án, Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra” - vị chuyên gia dẫn chứng.

Phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong đẩy mạnh giải ngân đầu tư công

Đầu tư công là 1 trong 3 động lực để đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế của cả nước, ngoài xuất nhập khẩu và thị trường tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, hai động lực này Việt Nam không kiểm soát được vì xuất nhập khẩu phụ thuộc thị trường bên ngoài còn với thu nhập của người dân sau đại dịch, khả năng tiêu dùng hạn chế hơn. Chỉ còn đầu tư công là động lực khả thi, nằm trong tay của Chính phủ, Quốc hội để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Nhưng vấn đề ở đây là khả năng thực thi của bộ máy chính quyền các cấp và các cơ quan, trước đây “gánh” 30kg, bây giờ lên 40kg vẫn được. Nhưng, khi vốn lên dồn dập và bắt bộ máy ấy “gánh” 50kg thì sẽ gặp khó khăn” - TS. Kiên nêu quan điểm và mong muốn “Kiểm toán nhà nước - cơ quan kiểm tra, giám sát về mặt tài chính, giúp việc tối cao cho Quốc hội - có cái nhìn khách quan và biện chứng trước những sai sót, phải phân biệt giữa sai sót cố ý và sai sót do làm nhiều quá”.

Năm 2023, Kiểm toán nhà nước thực hiện 28 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có một số dự án lớn như: Cao tốc Bắc Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành… “Phải nói rằng, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ mong chờ các cuộc kiểm toán này để có dự thảo kết luận ban đầu. Chúng ta làm rất nhiều dự án liên tỉnh nhưng chưa lúc nào có dự án liên quan đến nhiều địa phương như tuyến cao tốc phía Đông. Như vậy, đơn giá vật liệu, đơn giá giải phóng mặt bằng của 2 tỉnh liền kề cũng là áp lực rất lớn cho người điều hành. Hy vọng kết quả từ các cuộc kiểm toán này sẽ giúp các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt các cơ quan của Chính phủ “chắc tay” hơn khi phê duyệt tổng mức đầu tư hoặc phê duyệt dự toán có tính liền kề của các tỉnh khác nhau mà chênh lệch giá. Chúng ta có thể yên tâm vì địa phương này đặc thù, mật độ dân số cao, tất cả mọi thứ cao hơn thì đơn giá phải cao hơn” - ông Kiên nói.

Vị chuyên gia cũng cho biết đặc biệt quan tâm đến việc kiểm toán sân bay Long Thành. Quốc hội đã 2 lần ra nghị quyết để tách gói giải phóng mặt bằng, từ lúc đầu là 16.000 tỷ đồng lên đến 23.000 tỷ đồng trong vòng 7 năm, đến năm 2023 mới giải phóng xong 5.000ha sân bay Long Thành. Gói sân bay, nhà ga chính, bây giờ vừa mới mở thầu.

“Với sự vào cuộc quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ như thế, tại sao sân bay này vẫn chậm? Đây là những điều mà những người làm vĩ mô rất mong chờ kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước” - TS. Kiên đặt câu hỏi.

Theo ông Kiên, Kiểm toán nhà nước phải đồng hành với doanh nghiệp và các đơn vị quản lý nhà nước, đặc biệt là chia sẻ khó khăn và rủi ro trách nhiệm, thấu hiểu rủi ro trách nhiệm thực thi công vụ ở các địa phương. “Khi kiểm toán, ngoài chuyện về con số in trên giấy trắng mực đen, các đơn vị được kiểm toán còn chia sẻ hết cho Kiểm toán nhà nước những khó khăn, vướng mắc. Lúc ấy, Kiểm toán nhà nước thực sự đồng hành với những người thực thi các cấp, giúp họ đi đúng, làm đúng và có hiệu quả” - ông nói.

Lê Na

Theo: Báo Công Thương