Phát huy vai trò của đô thị trong phát triển kinh tế - xã hội

(Banker.vn) Bộ Xây dựng đang ưu tiên hoàn thiện thể chế cho khu vực đô thị phát triển mạnh mẽ nhằm phát huy động lực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Hải Phòng: Sẽ có nhiều đổi mới trong tổ chức chính quyền đô thị Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh quyết tạo đột phá sớm trục “xương sống” mạng lưới đường sắt đô thị

Theo thống kê từ Hiệp hội các đô thị Việt Nam, tính đến hết tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV, 703 đô thị loại V với tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 42,7%. Các đô thị đang giữ vai trò ngày một quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị thường niên năm 2023 mới đây với chủ đề “Xây dựng đô thị thông minh, xanh-sạch-đẹp-sáng gắn với tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu” do Hiệp hội các đô thị Việt Nam tổ chức, ông Bùi Hồng Minh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu rõ, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị đã và đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống đô thị trên cả nước có sự phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng; thực sự trở thành hạt nhân tăng trưởng, động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong mỗi địa phương, mỗi vùng miền và cả nước.

Phát huy vai trò của đô thị trong phát triển kinh tế - xã hội
Cả nước hiện có 902 đô thị. Ảnh Thuý Hà

Xác định vai trò đặc biệt của khu vực đô thị, do vậy công tác hoàn thiện thể chế trong xây dựng và phát triển đô thị hiện được Bộ Xây dựng ưu tiên hàng đầu. Năm 2024, Quốc hội đã thông qua 2 Luật quan trọng là sửa đổi bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Năm 2025, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ để trình Quốc hội Luật Quy hoạch đô thị nông thôn, hồ sơ đề nghị xây dựng 2 Luật về quản lý phát triển đô thị và cấp thoát nước.

Năm 2024, Bộ Xây dựng xác định công tác quản lý phát triển đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai mạnh mẽ, trong đó có công tác phân loại đô thị, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng mong muốn Hiệp hội cần phát huy hơn nữa vai trò là mái nhà chung của các đô thị, là cầu nối cho đô thị với nguồn lực và tri thức, kinh nghiệm ở trong và ngoài nước thông qua các hoạt động nâng cao năng lực, phản biện xã hội, tư vấn chính sách, xây dựng phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Cùng với đó là tích cực phản ánh kịp thời với các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ các khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực thi pháp luật, kiến nghị điều chỉnh cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý đô thị và mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương