Petrolimex 'chốt' phương án thoái vốn khỏi PG Bank, giá tối thiểu 21.900 đồng/cp

(Banker.vn) Trên thị trường, sát thềm Petrolimex chốt phương án thoái vốn nêu trên, cổ phiếu PGB đã có hai phiên (ngày 2-3/2) tăng ấn tượng, lần lượt tăng 9,2% và 14,71% so với giá tham chiếu.
Petrolimex 'chốt' phương án thoái vốn khỏi PG Bank, giá tối thiểu 21.900 đồng/cp

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của PG Bank đạt gần 49.000 tỷ đồng, tăng 21% so với cuối năm 2021. Tổng huy động của ngân hàng này đạt trên 31.200 tỷ đồng, tăng 11,3%. Dư nợ tín dụng tăng 5,6% so với cuối năm ngoái.

Mới đây, HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX) đã thông qua nghị quyết về phương án thoái vốn (chuyển nhượng vốn) đầu tư tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, UPCoM: PGB).

Theo đó, Petrolimex sẽ thoái vốn khỏi PG Bank theo hình thức đấu giá công khai qua Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Petrolimex hiện nắm giữ 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% cổ phần của ngân hàng này.

Phương án thoái vốn của Petrolimex khá chi tiết, trong đó mức giá khởi điểm thực hiện thoái vốn (chuyển nhượng vốn) đầu tư sẽ là giá cao nhất trong hai mức giá sau: Giá xác định của tổ chức có chức năng thẩm định giá theo phương pháp tài sản (21.300 đồng/cổ phiếu) hoặc giá tham chiếu bình quân 30 phiên giao dịch liên tiếp của cổ phiếu PGB trên sàn UPCoM trước ngày phê duyệt phương án thoái vốn (chuyển nhượng vốn).

Như vậy, nếu thương vụ đạt kỳ vọng, Petrolimex sẽ thu về ít nhất 2.550 tỷ đồng cho 120 triệu cổ phiếu PGB.

Trên thị trường, sát thềm Petrolimex chốt phương án thoái vốn nêu trên, cổ phiếu PGB đã có hai phiên (ngày 2-3/2) tăng ấn tượng, lần lượt tăng 9,2% và 14,71% so với giá tham chiếu. Kết phiên 3/2, PGB đóng cửa ở mức 19.500 đồng/cổ phiếu, xấp xỉ mức giá thấp nhất trong phương án thoái vốn của Petrolimex. Lượng cổ phiếu khớp lệnh cũng tăng mạnh so với mức bình quân 1 tháng trở lại đây, với hơn 252.000 đơn vị.

Tuy nhiên, thanh khoản của PG Bank trên thị trường vẫn khá khiêm tốn, do luôn ở trong trạng thái chờ sáp nhập, trong khi Petrolimex chịu áp lực thoái vốn do vượt quá tỷ lệ sở hữu theo quy định.

Được biết, PG Bank là một trong các ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống, đạt mức 3.000 tỷ đồng. PG Bank bị bỏ lại sau cuộc đua tăng vốn của ngành ngân hàng, ước tính đã 12 năm liên tiếp nhà băng này không có kế hoạch tăng vốn điều lệ, cũng như 10 năm liên tiếp không chia cổ tức (ngân hàng thường chia cổ tức bằng cổ phiếu).

Về kết quả kinh doanh, năm 2022, PG Bank công bố lợi nhuận trước thuế đạt 506 tỷ đồng, tăng 54% so với năm ngoái và vượt 24% kế hoạch năm (406 tỷ đồng). Trong đó, thu nhập từ lãi thuần vẫn là nguồn đóng góp chính với hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của PG Bank đạt gần 49.000 tỷ đồng, tăng 21% so với cuối năm 2021. Tổng huy động của ngân hàng này đạt trên 31.200 tỷ đồng, tăng 11,3%. Dư nợ tín dụng tăng 5,6% so với cuối năm ngoái.

Trong năm qua, nợ xấu nội bảng tại PG Bank đã tăng 7,3% lên 745 tỷ đồng, qua đó đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 2,52% lên 2,56%. Cũng tại thời điểm này, trái phiếu đặc biệt của VAMC tại PG Bank là hơn 951 tỷ đồng, tăng 34% so với cuối năm 2021.

Thanh Phong

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán