Ông Hoàng Lê Sơn, Chủ tịch HĐQT Sam Holdings, Chứng khoán Quốc gia. |
Liên tục 'gán' cổ phiếu để huy động hàng trăm tỷ đồng trái phiếu
Theo công bố thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX, mới đây, Công ty CP Pacific Partners đã chi ra 213 tỷ đồng để mua lại trước hạn lô trái phiếu trị giá 252,4 tỷ đồng, qua đó giảm khối lượng đang lưu hành xuống 39,4 tỷ đồng.
Lô trái phiếu trên có mã PAPCH2124002, có kỳ hạn 36 tháng; phát hành ngày 8/11/2021, đáo hạn ngày 8/11/2024. Lãi suất thực tế là 11%/năm. Doanh nghiệp cho biết, mục đích huy động vốn nhằm tăng quy mô vốn hoạt động.
Đáng nói, tài sản bảo đảm cho trái phiếu đều là cổ phiếu thuộc sở hữu của bên thứ ba, bao gồm: hơn 5,4 triệu cổ phiếu DNP (Công ty CP Nhựa Đồng Nai); 348 nghìn cổ phiếu DNV (Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP); hơn 7,1 triệu cổ phiếu SAM (Công ty CP Sam Holdings); hơn 15,1 triệu cổ phiếu PRT (Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương) và 22,4 triệu cổ phần Công ty CP Công nghệ Tài chính EnCapital.
Như vậy, duy nhất trong số đó, Công ty CP Công nghệ Tài chính EnCapital (Công ty EnCapital) là doanh nghiệp chưa niêm yết lên sàn. Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội với tư cách là đơn vị định giá tài sản bảo đảm, đã định giá cổ phần Công ty Tài chính EnCapital là 12.300 đồng/cổ phần, tương ứng giá trị bảo đảm là 276,2 tỷ đồng, tại thời điểm 29/10/2021.
Đồng hành trong thương vụ chào bán 252,4 tỷ đồng trái phiếu này, còn có sự tham gia của Công ty TNHH Hãng Kiểm toán và Định giá ATC (đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính), Công ty CP Chứng khoán Quốc gia (tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, lưu ký và quản lý trái phiếu), Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) - Chi nhánh Hoàng Mai (tổ chức đại lý quản lý tài sản bảo đảm).
Kết quả, lô trái phiếu này đã được phân phối đến tay của 71 nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp trong nước.
Đây không phải lần đầu tiên Pacific Partners sử dụng cổ phiếu làm tài sản bảo đảm khi phát hành trái phiếu. Trước đó, ngày 21/6/2021, doanh nghiệp cũng chào bán thành công 100 tỷ đồng trái phiếu mã PAPCH2122001, kỳ hạn 1 năm, lãi suất 11%/năm, bằng việc gán 3,35 triệu cổ phiếu OPC của Công ty CP Dược phẩm OPC.
Lúc này, theo thỏa thuận giữa các bên, cổ phiếu OPC được định giá đến 60.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị tài sản bảo đảm hơn 200 tỷ đồng. Nên biết, Pacific Partners vừa mua vào số cổ phiếu này ngay trong ngày 21/6/2021 - ngày phát hành lô trái phiếu 100 tỷ đồng.
Cũng kể từ đó, Pacific Partners giữ ghế cổ đông lớn tại OPC, với tỷ lệ sở hữu 12,86% vốn điều lệ, mặc dù trước đấy không sở hữu bất kỳ cổ phiếu OPC nào.
Tiếp nối, ngày 23/6/2022, Pacific Partners huy động thêm 100 tỷ đồng qua kênh trái phiếu, sau khi lô trái phiếu cũ vừa đáo hạn được 2 ngày. Lần này, những thông tin cần công bố công khai trên HNX như lãi suất trái phiếu, trái chủ, các tổ chức tham gia dàn xếp... đều được phía Pacific Partners giữ kín.
Mối quan hệ 'chằng chịt'
Theo tìm hiểu của phóng viên, Pacific Partners thành lập vào tháng 3/2017, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư tài chính, có trụ sở tại phố Ngô Quyền, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ban đầu, Pacific Partners có vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Tháng 11/2020, sau khi doanh nghiệp đổi vai trò Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật từ ông Nguyễn Xuân Anh sang ông Hoàng Lê Sơn, vốn điều lệ theo đó tăng mạnh lên 110 tỷ đồng.
Lúc này, Pacific Partners và VietABank bắt đầu phát sinh quan hệ tín dụng, với tài sản thế chấp là quyền đòi nợ giữa Pacific Partners và Công ty CP LEC Group. Nếu chỉ dựa vào nguồn lực sẵn có, Pacific Partners sẽ khó có thể thực hiện hoạt động đầu tư hơn 3,4 triệu cổ phiếu OPC, với giá trị trên 200 tỷ đồng vào hồi tháng 6/2021.
Minh chứng là cho đến tận tháng 12/2021, Pacific Partners mới tiếp tục có cú tăng vốn lên 200 tỷ đồng. Thời điểm này, doanh nghiệp chỉ vừa phát hành xong 252,4 tỷ đồng trái phiếu (mã PAPCH2124002, vừa được mua lại trước hạn).
Một điểm đáng lưu ý, ông Hoàng Lê Sơn ngoài trách nhiệm đứng tên tại Pacific Partners, còn là Chủ tịch HĐQT của Sam Holdings và Công ty CP Chứng khoán Quốc gia, những chủ thể liên quan mật thiết đến các thương vụ phát hành trái phiếu nêu trên.
Trong diễn biến mới đây, Công ty CP Chứng khoán Quốc Gia vừa bán ra toàn bộ gần 6 triệu cổ phiếu SAM, giảm tỷ lệ sở hữu đối với SAM Holdings từ 2,34% về còn 0,78%. Động thái triệt thoái vốn khỏi SAM diễn ra khi cổ phiếu này đang ở vùng "đáy".
Về mối quan hệ liên quan, ngoài ông Hoàng Lê Sơn, ông Bùi Quang Bạch - Thành viên HĐQT của Sam Holdings cũng đảm trách vị trí tương tự tại Chứng khoán Quốc gia.
Trước đó, ngày 21/2, SAM Holdings cũng hoàn tất bán toàn bộ 3,7 triệu cổ phiếu DNP đang sở hữu tại Nhựa Đồng Nai (tương ứng tỷ lệ 3,12%), thu về gần 90 tỷ đồng. Như đã biết, Nhựa Đồng Nai cũng là một trong số "mắt xích" liên quan sâu rộng đến Pacific Partners, hay như Sam Holdings.
Trên thị trường chứng khoán, Nhựa Đồng Nai là cái tên không hề xa lạ, đặc biệt trong những năm gần đây "nổi như cồn" với hàng loạt thương vụ M&A bạc tỷ. Người đứng sau những thành công đó, là Chủ tịch HĐQT DNP là ông Vũ Đình Độ, sinh năm 1982, quê Bắc Giang.
Ông Vũ Đình Độ là doanh nhân có tiếng trong giới tài chính. Trước khi tạo dựng sự nghiệp kinh doanh cho riêng mình tại DNP, ông từng giữ chức vụ Giám đốc dự án Phòng Công cụ phái sinh, M&A tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn giai đoạn 2007 - 2008.
Ba năm sau đó, ông làm Giám đốc khối nghiên cứu, phân tích, đầu tư tại Công ty Chứng khoán VNDirect. Từ năm 2011 - 2012, ông làm Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Maritime Bank.
Ngoài ra, ông Độ cũng từng có thời gian làm kiểm toán cho KPMG Việt Nam, KPMG Singapore. Năm 2012, khi các cổ đông thời kỳ đầu của DNP bắt đầu thoái vốn, bán cổ phần, ông Vũ Đình Độ đã nắm bắt cơ hội và được bầu vào HĐQT.
Đến năm 2014, ông Độ giữ chức Tổng giám đốc của công ty này và một năm sau, ông chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT DNP.
Vân Oanh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|