"Ông vua không ngai" nhà Nokia lộ diện với cụm camera siêu khủng

(Banker.vn) Sự ra mắt của Nokia 808 Pureview thực sự được coi là một cú sốc về công nghệ, khi những gì mà chiếc điện thoại này thể hiện vượt rất xa mặt bằng chung thế giới di động năm 2012.

Một điều thú vị là cho đến bây giờ, Nokia 808 Pureview vẫn được coi là chiếc điện thoại chính thống nắm giữ ngôi vương về kích thước cảm biến: 1/1,2 inch, dù rằng sau đó một thiết bị khác có kích thước cảm biến cao hơn là Panasonic CM1 (1/1 inch), nhưng thiết bị này khó có thể coi là điện thoại mà đúng hơn là máy ảnh tích hợp chức năng gọi điện. Đến năm 2019, thế giới di động mới có thêm chiếc Xiaomi Mi Note 10 với kích thước cảm biến 1/1,33 inch, cùng độ phân giải lên tới 108MP, tuy nhiên kích thước điểm ảnh nhỏ hơn nhiều so với 808 Pureview (0,8 micron và 1,4 micron).

Nokia 808 Pureview. Ảnh: Internet

Không chỉ tạo nên sự “điên rồ” về cảm biến hình ảnh, mà thực sự, Nokia 808 Pureview đã tạo nên một tiền đề về nhiếp ảnh di động vào tương lai sau đó mà rất nhiều hãng điện thoại đang áp dụng, với cái gọi là thuật toán gộp điểm ảnh. Với cảm biến 41MP, khi chụp ra bức ảnh 5MP hoặc 8MP, dữ liệu điểm ảnh sẽ được tổng hợp cùng với nhiều điểm ảnh lân cận khác, tạo nên một sêu điểm ảnh, giúp trực tiếp gia tăng mức độ chi tiết của ảnh chụp.

Điều tương tự cũng được áp dụng ở thời điểm hiện nay, với các cảm biến 48MP, 64MP hay 108MP, cho khả năng tạo ra các bức ảnh 12MP, 16MP hay 27MP nhờ gộp dữ liệu điểm ảnh từ 4 điểm ảnh lân cận, như thay vì sử dụng các bộ lọc Quad Bayer/Tetracell để giả lập điểm ảnh, thì Nokia vẫn sử dụng bộ lọc Bayer truyền thống, và giúp thu thập được nhiều thông tin về màu sắc hơn.

Ảnh: Internet

Việc sử dụng các bộ lọc truyền thống kết hợp cảm biến độ phân giải siêu cao đã giúp chiếc Nokia 808 Purview tỏ ra rất phù hợp khi chụp ảnh kèm zoom kỹ thuật số mà không cần phải sử dụng phương pháp nội suy, mà công ty gọi là zoom lossless. Cơ chế zoom khi tăng dần sẽ khiến sự kết hợp các điểm ảnh lân cận giảm dần cho đến khi tỷ lệ kết hợp còn 1:1, và kết quả là một bức ảnh zoom tối đa có độ phân giải 5MP có mức độ chi tiết cao tương đương một bức ảnh chụp toàn cảm biến, có độ phân giải tối đa 38MP. Điều này cũng được hưởng lợi từ kích thước điểm ảnh lớn, lên tới 1,4 micron – ngang bằng iPhone 11 Pro của năm 2019.

Với Nokia 808 Pureview, hãng di động Phần Lan đã lần đầu tiên đề cập đến khái niệm lưu trữ ảnh với định dạng gốc (RAW) thay vì JPEG truyền thồng. Người dùng có thể tự do lựa chọn: hoặc chụp một bức ảnh định dạng gốc để tự do chỉnh sửa mà không bị nén dữ liệu so với JPEG, hoặc sử dụng JPEG để đạt tốc độ chụp cao hơn, nhưng vẫn đảm bảo dữ liệu hình ảnh gần với RAW nhất có thể nhờ được hưởng lợi từ ưu thế phần cứng.

Để có được sức mạnh hình ảnh đến mức “điên rồ” như vậy trong một phần cứng điện thoại hạn chế của năm 2012, Nokia đã sử dụng rất nhiều linh kiện “hàng thửa” cho riêng hệ thống camera trên 808 Pureview, nó bao gồm cảm biến hành ảnh CMOS HES9 của Toshiba, với kích thước gấp 4 lần so với cảm biến Sony IMX145 trên các mẫu Galaxy S III và iPhone 4S cùng thời điểm (Sony đã mua lại bộ phận cảm biến của Toshiba vào năm 2015).

Chip xử lý hình ảnh của 808 cũng được làm riêng, với thiết kế gốc là bộ xử lý BCM2763 của Broadcom, vốn chỉ tương thích tối đa với cảm biến 20MP, nhưng đã được chỉnh sửa lại để có thể xử lý tới 1 tỷ pixel mỗi giây. Điều này là rõ ràng để giảm tải cho bộ xử lý lõi đơn ARM 11 1.3GHz của chiếc điện thoại này vốn đã rất lỗi thời ở thời điểm ra mắt, một phần là bị ảnh hưởng từ sự hạn chế tương thích phần cứng mới của hệ điều hành Symbian trên máy. Khá thú vị là vấn đề trên lại tương đồng với chiếc Xiaomi Mi Note 10, vốn chỉ được tích hợp phần cứng xử lý cận cao cấp thay vì flagship.

Điều thú vị khác là sau 808 Pureview, các điện thoại chuyên camera tiếp theo của Nokia cũng đều đi theo hướng dùng “hàng thửa”, như mẫu Nokia Lumia 1020 sử dụng bộ xử lý Snapdragon S4 được chỉnh sửa của Qualcomm, hay Nokia 9 Pureview sử dụng cả hai bộ xử lý Snapdragon 845 và chip hình ảnh riêng của Light để xử lý ảnh đồng thời cả 5 cụm camera 12MP. Các chi tiết khác về camera của chiếc Nokia 808 Pureview bao gồm khẩu độ f/2.4, tích hợp bộ lọc ND giảm sáng trong các khung cảnh có ánh sáng mạnh, sử dụng màn chập cơ học với tốc độ 0,09 giây.

Không chỉ vượt trội về hình ảnh, Nokia 808 Pureview cũng được đánh giá cao về khoản video, đặc biệt là khả năng thu âm có thể cạnh tranh được với các phần cứng camera bán chuyên. Công ty Phần Lan mang đến giải pháp Rich Recording cho khả năng thu âm trong dải tần 19-25Hz và xử lý được âm lượng lên tới 145dB mà không bị biến dạng. Điều này là cực kỳ hữu dụng khi thu âm các buổi hòa nhạc hoặc những nơi ồn ảo.

Nokia 808 Pureview gần như đã thống trị tuyệt đối thị trường camera di động về mặt cảm biến cho đến 5 năm tiếp theo, khi các cảm biến 40MP hay mới nhất là 128MP xuất hiện trên thế giới Android. Lợi thế của các điện thoại hiện đại là rất rõ với khả năng xử lý nhanh hơn, giả lập phần mềm mạnh mẽ mà không cần đến những phần cứng quá lớn. Tuy nhiên, công bằng mà nói, Nokia 808 Pureview ở thời điểm ra mắt, đơn giản chỉ như một “nhà du hành thời gian”, và màn thể hiện của nó so với phần còn lại của thế giới vẫn quá khác biệt đến mức khó tưởng tượng được.

Trình làng những chiếc điện thoại Nokia từng là ước mơ của người dùng Việt Nam

Ở thời kì hoàng kim, những chiếc điện thoại Nokia luôn là ước mơ của hàng triệu thanh niên Việt. Dưới đây là 5 trong ...

Nokia sắp cho ra mắt mẫu điện thoại đơn giản nhưng có thứ "không thể xem thường"

Nokia X100 sở hữu kiểu dáng đơn giản nhưng sang trọng và thanh lịch với độ mỏng ấn tượng và các góc, cạnh viền bo ...

Nokia G90 lộ diện với tham vọng đưa hãng trở về thời kỳ đỉnh cao

Nokia G90 - cái tên đáng mong đợi nhất năm 2023 nhà Nokia đã chính thức lộ diện với những thông số thực sự ấn ...

Thiên Kim

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán