Ông Mai Văn Huế, Chủ tịch Tân Hoàn Cầu bị tạm hoãn xuất cảnh

(Banker.vn) Đại gia Mai Văn Huế được biết tới là doanh nhân nặng lòng với lĩnh vực năng lượng tái tạo khu vực miền Trung, là người gắn liền với thương hiệu Tân Hoàn Cầu.
Sau vụ "tác động vật lý" caddie của đại gia Nguyễn Viết Dũng, Tập đoàn Đất Quảng "khoác áo mới" TP. Hồ Chí Minh: Ông Đinh Chí Minh, anh trai đại gia Đinh Trường Chinh bị bắt Quảng Bình: "Bão tố" nổi lên với hai đại gia tuổi Quý Sửu

Mới đây, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Mai Văn Huế (SN 1975), cư trú tại phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Theo đó, vị đại gia có tiếng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ không được rời khỏi Việt Nam từ ngày 28/6/2024, với lý do Công ty Cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu - nơi ông Mai Văn Huế đang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật - thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế (Quyết định số 654/QĐ-CTQBI ngày 6/5/2024 của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn).

Ông Mai Văn Huế, Chủ tịch Tân Hoàn Cầu bị tạm hoãn xuất cảnh

Tập đoàn năng lượng miền Trung này còn khá hăng hái trong việc phát hành trái phiếu, và khi hoạt động kinh doanh không thuận lợi, họ chắc hẳn sẽ tiếp tục chịu thêm sức ép từ trái chủ (Ảnh minh họa)

Chỉ đến khi Tổng công ty Tân Hoàn Cầu hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Mai Văn Huế mới được gỡ bỏ. Trước đó, ngày 4/4/2024, Tổng công ty Tân Hoàn Cầu bị Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cưỡng chế trích tiền từ tài khoản với số tiền gần 4 tỷ đồng, là tiền nợ thuế đã quá hạn nộp.

Được biết, Tổng công ty Tân Hoàn Cầu là thành viên cốt cán trong hệ sinh thái chuyên về năng lượng tái tạo của đại gia Mai Văn Huế. Doanh nghiệp này thành lập ngày 27/4/2005, đến nay gần 20 năm tuổi.

Bên cạnh Tổng công ty Tân Hoàn Cầu, ông Mai Văn Huế còn đang làm người đại diện pháp luật, lãnh đạo điều hành ở một số đơn vị như: Công ty Cổ phần Thương mại, xây dựng điện và điện lạnh (phường Đồng Mỹ, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), Công ty TNHH Xây dựng và điện lạnh Tân Hoàn Cầu Châu (TP. Huế, Thừa Thiên - Huế), Công ty Cổ phần Năng lượng Quảng Trị (phường Đông Lương, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị)...

"Lùm xùm" nợ thuế ở Tân Hoàn Cầu khởi phát từ năm 2021 và dường như đang có những diễn biến ngày càng thiếu tích cực hơn. Chẳng hạn, tháng 8/2023, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. Hà Nội đã phát đi thông báo đấu giá khoản nợ xấu của Công ty Cổ phần Năng lượng Quảng Trị (do Tổng công ty Tân Hoàn Cầu nắm 68,3% vốn) phát sinh tại Ngân hàng VietinBank - Chi nhánh Tây Hà Nội.

Khoản nợ của Công ty Năng lượng Quảng Trị phát sinh theo hợp đồng cho vay đầu tư dự án công trình thủy điện Hướng Phùng tại xã Hướng Phùng và thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tính đến ngày 10/7/2023 là hơn 160,8 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc hơn 139,75 tỷ đồng và lãi hơn 21,1 tỷ đồng. Mức giá khởi điểm là 193 tỷ đồng.

Cũng trong khoảng thời gian này, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản - Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh phát đi thông báo về việc đấu giá khoản nợ có giá khởi điểm lên tới 1.450 tỷ đồng ở Công ty Cổ phần Thủy điện Trường Sơn Bình Phước (do Tổng công ty Tân Hoàn Cầu góp 80,64% vốn điều lệ), gây xôn xao công luận.

Tập đoàn năng lượng miền Trung này còn khá hăng hái trong việc phát hành trái phiếu, và khi hoạt động kinh doanh không thuận lợi, họ chắc hẳn sẽ tiếp tục chịu thêm sức ép từ trái chủ.

Đơn cử, là trường hợp của Công ty Cổ phần Tân Hoàn Cầu Bến Tre - chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió số 5 tại ven biển xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Hiện, doanh nghiệp đang vay 4 lô trái phiếu riêng lẻ có mã BTCCH2133001 - BTCCH2133002; THCBTH2032001 - THCBTH2032002.

Trong đó, bộ đôi trái phiếu THCBTH2032001 - 2 chính thức phân phối ra thị trường vào năm 2020 với tổng giá trị 1.334,4 tỷ đồng, kỳ hạn lên đến 12 năm (đáo hạn năm 2032). Lãi suất khởi điểm là 10%/năm, sau đó sẽ điều chỉnh bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 24 tháng tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cộng biên độ 3,5%/năm.

Tương tự, năm 2021, Tân Hoàn Cầu Bến Tre tiếp tục phát hành thêm hai trái phiếu BTCCH2133001 - 2 với tổng trị giá 954 tỷ đồng, kỳ hạn xấp xỉ 12 năm nhưng lãi suất ban đầu có phần mềm hơn, chỉ 9,5%/năm. Tài sản đảm bảo là các quyền phát sinh, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất liên quan đến dự án Nhà máy điện gió số 5 và dự án Điện Phong - Cụm nhà máy điện gió Hải Phong II - một dự án khác cũng toạ lạc tại vùng biển huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Được biết, dòng vốn trái phiếu trên cấp tập chảy về Tân Hoàn Cầu Bến Tre để sử dụng cho hoạt động đầu tư xây dựng dự án Nhà máy điện gió số 5. Lưu ý rằng, các thương vụ trái phiếu của Tân Hoàn Cầu Bến Tre đều được thu xếp bởi Công ty Chứng khoán MB (MBS) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank).

Trước đó, Tân Hoàn Cầu Bến Tre cũng đã nhiều lần thế chấp dự án Nhà máy điện gió số 5 tại MBBank chi nhánh Quảng Bình.

Theo số liệu tài chính năm 2023, vốn chủ sở hữu của Tân Hoàn Cầu Bến Tre là 2.007 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 4.455 tỷ đồng (gấp 2,22 lần) và dư nợ trái phiếu gần 2.190 tỷ đồng. Mặc dù vay nợ lớn, song lợi nhuận sau thuế năm 2023 của doanh nghiệp chỉ đạt 1,9 tỷ đồng, chưa đủ trả lãi vay phát sinh trong 1 ngày.

Hoa Đông

Theo: Báo Công Thương