"Ông hoàng du lịch" nhà Vingroup vừa báo lỗ hơn 1.000 tỷ đồng

(Banker.vn) Theo báo cáo tài chính nửa đầu năm mới đây, Vinpearl ngậm ngùi báo lỗ hơn 1.000 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế ở mức âm với các khoản nợ tăng mạnh.
"Ông hoàng du lịch" nhà Vingroup vừa báo lỗ hơn 1.000 tỷ đồng

Vừa qua, “ông hoàng du lịch” nhà Vingroup là Công ty CP Vinpearl đã gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông tin định kỳ về tình hình tài chính.

Theo đó, nửa đầu năm 2023, Vinpearl có kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa, thua lỗ nặng nề so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, Vinpearl lỗ 1.186 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Tính đến ngày 30/6/2023, Vinpearl có 8.337 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, giảm nhẹ 2% so với thời điểm đầu năm. Hệ số nợ phải trả tăng lên 6,57 lần, tương đương nợ khoảng 54.700 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ là 5,61 lần.

Ở kỳ này, dư nợ trái phiếu của Vinpearl cũng tăng nhẹ 0,04 lần so với đầu năm, đạt 1,91 lần, tương đương khoảng hơn 15.926 tỷ đồng, chiếm 29% tổng số nợ phải trả.

Chính vì các khoản nợ tăng mạnh đã nâng tổng tài sản của Vinpearl gần chạm ngưỡng 63.120 tỷ đồng, tương ứng với khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 7.100 tỷ đồng (13%).

Theo báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, đến tháng 4/2023, Vinpearl đã thanh toán được toàn bộ các lô trái phiếu và không phải gia hạn thêm bất kỳ lô trái phiếu nào.

Trước đó, theo báo cáo tài chính năm 2022, Vinpearl ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 4.229 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ gần 9.500 tỷ đồng của năm 2021.

Tại ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Vinpearl là hơn 8.470 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cuối năm 2021, các chỉ số tài chính của công ty cũng được cải thiện trong năm qua. Dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu giảm từ 3,84 lần năm 2021 xuống còn 1,87 lần. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giảm từ 15,17 lần xuống còn 5,61 lần.

Theo tìm hiểu, Công ty CP Vinpearl là công ty con đại diện cho lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách sạn của Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) do đại gia số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng làm Chủ tịch. Vinpearl hiện đặt trụ sở tại đảo Hòn Tre, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Sau 22 năm hoạt động, Vinpearl đang sở hữu hệ thống hơn 40 khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại 17 tỉnh thành trên cả nước, công suất trên 17.000 phòng. Ngoài dịch vụ lưu trú du lịch, Vinpearl còn xây dựng các khu resort, spa, trung tâm hội nghị, ẩm thực và sân golf theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hồi tháng 4/2023, Vinpearl và Tập đoàn Khách sạn hàng đầu thế giới Marriott International tiếp tục công bố hợp tác quản lý 7 khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Sau 2 năm triển khai, Vinpearl và Marriot đã cùng nâng cấp và phát triển 15 khách sạn, khu nghỉ dưỡng, công suất gần 5.000 phòng.

Một điểm nhấn lớn trong kinh doanh của Vinpearl là vào giữa tháng 7 vừa qua, Thủ tướng đã đồng ý cho Vingroup tăng vốn đầu tư sân golf do Vinpearl quản lý tại dự án công viên sinh thái đảo Vũ Yên, TP Hải Phòng. Tổng vốn đầu tư vào dự án này đã lên 55.870 tỉ đồng, tăng khoảng 37.000 tỉ đồng so với vốn đầu tư ban đầu.

Ngày 15/8, Vinpearl đã được Brand Finance - tổ chức hàng đầu thế giới về định giá thương hiệu vinh danh là đơn vị tăng trưởng sức mạnh thương hiệu cao nhất Việt Nam cùng với 2 đại diện trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng là Vietcombank và MB Bank. Danh hiệu này đã góp phần củng cố vị thế dẫn đầu của Vinpearl trong lĩnh vực du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng.

Dù bức tranh kinh doanh nửa đầu năm 2023 của Vinpearl không được tô điểm bởi gam màu sáng, nhưng theo đánh giá của Brand Finance, Vinpearl đã thăng hạng ấn tượng qua 25 bậc xếp hạng, đạt tốc độ tăng trưởng sức mạnh thương hiệu cao nhất. Về định giá, Vinpearl vào Top 50 thương hiệu mạnh nhất và giá trị nhất Việt Nam năm 2023.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng của năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 7,8 triệu lượt người, xấp xỉ 97,5% mục tiêu đón khách quốc tế của cả năm. Lượng khách du lịch nội địa tháng 8/2023 ước đạt 9,5 triệu lượt khách, tính chung 8 tháng qua, lượng khách nội địa đã đạt 86 triệu lượt. Riêng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng qua ước đạt 436,3 nghìn tỷ đồng.

Kể từ sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế, ngành du lịch Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi, tăng trưởng mạnh. Bên cạnh đó, những chính sách “mở cửa” về visa, luật xuất nhập cảnh… được sửa đổi cùng sự chỉ đạo kịp thời từ Nhà nước đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch, dịch vụ phát triển.

Gần đây nhất, Vinpearl tiết lộ đang đạt mức độ phục hồi về doanh thu và lượt khách trong 7 tháng đầu năm 2023, cao hơn 20% so với các chuỗi khách sạn trong cùng hạng 5 sao tại điểm đến du lịch.

Cổ phiếu VinFast "quay đầu" khi "chứng sỹ" Mỹ giảm hưng phấn, VIC cũng bị "thổi bay" 7.600 tỷ vốn hóa phiên sáng 17/8

Sau phiên chào sàn Nasdaq bùng nổ, cổ phiếu VFS trong phiên thứ hai chuyển sang sắc đỏ, giảm gần 19%. Theo đó, tài sản ...

"Bộ tứ" nhà Vingroup "nối đuôi" trượt dốc

Ngày thứ ba niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu VFS của VinFast không còn giữ được sức nóng, tiếp tục giảm ...

VinFast "Mỹ tiến" chưa lâu, Vinhomes "rục rịch" chào bán 500 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế

Kế hoạch huy động vốn ngoại thông qua kênh trái phiếu được Vinhomes công bố ngay khi VinFast chính thức có phiên giao dịch đầu ...

Ngọc Bích

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán