Báo cáo cập nhật về ổn định tài chính toàn cầu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đánh giá tình hình tài chính hiện nay trong bối cảnh lạm phát và rủi ro địa chính trị leo thang. Theo đó, trong những năm gần đây, nguy cơ bất ổn tài chính ngày càng trầm trọng và tích tụ dần với sự cố gần đây nhất xảy ra vào tháng 3/2023, khi Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Ngân hàng Signature New York bị vỡ nợ sau khi khách hàng ồ ạt rút tiền gửi, gây chao đảo hệ thống ngân hàng toàn cầu và làm gia tăng nguy cơ bất ổn tài chính. Một tuần lễ sau đó, Chính phủ Thụy Sĩ thông báo quyết định sáp nhập Ngân hàng Credit Suisse vào Ngân hàng UBS sau khi ngân hàng này bị mất niềm tin thị trường.
Điều hành các giải pháp tín dụng đáp ứng tốt nhu cầu vốn của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ
Những sự cố này là lời nhắc nhở thẳng thắn về những thách thức khó lường bắt nguồn từ sự tương tác giữa các động thái thắt chặt tiền tệ với xu hướng gia tăng tổn thương tài chính. Thông qua các phương tiện truyền thông xã hội với sự trợ giúp của công nghệ thông tin hiện đại, tin tức về những sự cố riêng lẻ tại khu vực ngân hàng Mỹ đã nhanh chóng lan truyền sang các ngân hàng và thị trường tài chính trên thế giới, gây ra làn sóng bán tháo những tài sản có mức độ rủi ro khá cao để bảo toàn tài sản và thị trường đánh giá lại kì vọng lãi suất chính sách, với quy mô và tốc độ có thể so sánh với sự cố xảy ra vào Ngày thứ Hai đen tối năm 1987.
Nhằm giảm bớt rủi ro hệ thống và chấn an thị trường, các nhà tạo lập chính sách đã triển khai nhiều giải pháp xử lí quyết liệt. Tại Mỹ, cơ quan quản lí ngân hàng đã tiến hành các biện pháp bảo đảm tiền gửi tại hai ngân hàng nêu trên và cung cấp thanh khoản thông qua Chương trình Tài trợ có thời hạn nhằm ngăn ngừa làn sóng rút tiền ồ ạt trong tương lai. Tại Thụy Sĩ, Ngân hàng Quốc gia đã bổ sung thanh khoản khẩn cấp để hỗ trợ Ngân hàng Credit Suisse, sau đó sáp nhập ngân hàng này vào Ngân hàng UBS. Tuy nhiên, trạng thái thị trường vẫn mong manh và áp lực tiếp tục được ghi nhận tại nhiều định chế và thị trường, khi các nhà đầu tư đánh giá lại năng lực của hệ thống tài chính.
Câu hỏi đặt ra là, liệu những sự cố gần đây có phải là tín hiệu về xu hướng gia tăng áp lực mang tính hệ thống, nó thách thức tính bền vững của hệ thống tài chính toàn cầu, hay chỉ đơn thuần là biểu hiện riêng lẻ của những thách thức bắt nguồn từ các động thái thắt chặt tiền tệ sau hơn một thập kỉ nới lỏng thanh khoản. Trong khi không mấy nghi ngờ là, những thay đổi diễn ra sau khủng hoảng tài chính toàn cầu (nhất là tại những ngân hàng lớn) đã giúp hệ thống tài chính trở nên bền vững hơn, lo ngại về những tổn thương tài chính vẫn ẩn khuất tại các ngân hàng và cả trung gian tài chính phi ngân hàng (NBFIs).
Do ngày càng kết nối với các ngân hàng trên toàn cầu, căng thẳng của NBFIs có xu hướng bùng phát cùng với tỉ lệ đòn bẩy leo thang, thanh khoản nghèo nàn và mức độ kết nối cao. Căng thẳng này có thể lan truyền sang những quốc gia khác, bao gồm các nước đang phát triển và mới nổi. Trong môi trường lạm phát cao hiện nay, những tổn thương này có thể tăng cao, do khả năng cung cấp thanh khoản từ ngân hàng trung ương (NHTW) để ổn định tài chính ngày càng vấp phải nhiều thách thức, bao gồm từ phương diện truyền thông và có thể cản trở các nỗ lực chống lạm phát.
Tại Mỹ, lo ngại của các nhà đầu tư về rủi ro lãi suất đã dẫn đến làn sóng bán tháo tài sản, nhất là đối với những ngân hàng hoạt động dựa vào tiền gửi tập trung hoặc không còn khả năng gánh thêm tổn thất hoạch toán theo giá thị trường. Tại châu Âu, tác động lớn nhất đến nhóm ngân hàng kinh doanh dựa trên chiết khấu giá trị sổ sách, đây là những ngân hàng cần thời gian dài để tăng vốn và khả năng sinh lời.
Cho tới nay, hệ thống ngân hàng tại các nước mới nổi dường như vẫn tránh được những thiệt hại đáng kể trong danh mục chứng khoán, trong khi nguồn tiền gửi vẫn ổn định. Theo ước tính của IMF, mức độ thiệt hại do nắm giữ chứng khoán cho đến khi đáo hạn đối với các ngân hàng trung bình tại châu Âu, Nhật Bản và tại các nước mới nổi có thể rất nhỏ. Mặc dù vậy, an toàn tiền gửi tại nhiều nước vẫn ở mức thấp, và chất lượng tài sản của các ngân hàng tại các nước mới nổi nhìn chung đều thấp hơn so với tại các nước phát triển (AEs). Hơn nữa, so với tại AEs, các ngân hàng tại các nước mới nổi đóng vai trò lớn hơn trong hệ thống tài chính và hệ quả cũng sẽ rất trầm trọng.
Những sự cố này nhắc nhở một điều là, một khi mất niềm tin, nguồn vốn có thể sẽ “tiêu tan” nhanh chóng. Việc chuyển dịch mô hình tiền gửi giữa các định chế khác nhau có thể làm tăng chi phí huy động vốn và các ngân hàng sẽ hạn chế cho vay đối với nền kinh tế, đây cũng là lo ngại thích đáng của các ngân hàng địa phương tại Mỹ. Với sự sụt giảm giá cổ phiếu ngân hàng trong thời gian gần đây, năng lực cho vay của các ngân hàng Mỹ có thể giảm 1% trong năm tới, có thể giảm GDP thực tới 44 điểm cơ bản (0,44%).
Vào thời điểm áp lực lạm phát kéo dài quá lâu so với kì vọng, căng thẳng bùng phát trên các thị trường tài chính gây phức tạp cho các NHTW. Trước khi xảy ra áp lực này, mặt bằng lãi suất tại AEs tăng quá nhanh và phù hợp với những thông điệp đưa ra về sự cần thiết phải thắt chặt tiền tệ trong thời gian dài. Kể từ đó, các nhà đầu tư nhanh chóng định giá lại tài sản theo hướng giảm giá cùng với xu hướng thắt chặt tiền tệ. Hiện tại, các nhà đầu tư kì vọng, NHTW bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ sớm hơn so với dự báo trước đây. Tuy nhiên, lạm phát vẫn quá cao so với mục tiêu đề ra.
Sau khi tăng cường khối lượng chứng khoán nắm giữ trong thời kì đại dịch, các NHTW bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán. Quá trình bình thường hóa này đã đặt ra những thách thức đối với thị trường nợ chính phủ, trong khi thanh khoản nhìn chung còn quá nghèo nàn, nợ nần ở mức cao, và các nhà đầu tư tư nhân sẽ phải hấp thụ phần nợ công tăng thêm. Thí dụ, lượng trái phiếu kho bạc phát hành ròng tại Mỹ dự kiến sẽ tăng trong năm 2023 và 2024, trong khi động thái thắt chặt định lượng lại giảm tỉ lệ hấp thụ vào bảng cân đối tài sản của Cục Dự trữ liên bang Mỹ.
Cho tới nay, các nước mới nổi hàng đầu quản lí tương đối tốt xu hướng nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ tại AEs, phần nào là nhờ một thực tế là, điều kiện tài chính toàn cầu không tương xứng với quy mô thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, những quốc gia này có thể đối mặt với thách thức rất lớn nếu thiếu công cụ tài chính để giảm nhẹ những căng thẳng hiện nay trên các thị trường tài chính. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ ồ ạt rút vốn để giảm thiểu rủi ro.
Trên toàn cầu, tính bền vững nợ quốc gia tiếp tục xấu đi, nhất là tại các nước tiên phong và thu nhập thấp, trong đó phần lớn quốc gia trong nhóm dễ bị tổn thương nhất đang đối mặt với những áp lực rất lớn.
Tại các nước tiên phong, nợ phát hành chớp nhoáng đã bay hơi trong năm 2021 và có thể không lấy lại được quy mô tương tự, trong bối cảnh những thách thức về vỡ nợ và tổn thương vĩ mô đang diễn ra. Giá năng lượng và thực phẩm tăng cao gây tác động rất lớn đến các nước thu nhập thấp, trong khi nhóm quốc gia này rất khó tiếp cận thị trường vốn và quan tâm đến nguồn vốn vay chính thức. Các nước thu nhập thấp tiếp tục đối mặt với những điều kiện vay nợ đầy thách thức, với 37/69 quốc gia đang vật lộn với khó khăn về nợ nần.
Bên ngoài các định chế tài chính, các hộ gia đình tích tụ được lượng tiền tiết kiệm đáng kể trong thời kì đại dịch, một phần nhờ các gói hỗ trợ tài chính và tiền tệ nới lỏng. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với gánh nặng dịch vụ nợ rất lớn, xói mòn nguồn tiền tiết kiệm và dễ bị tổn thương do vỡ nợ. Trên toàn cầu, động thái tăng lãi suất cầm cố mua nhà đất đang cản trở nhu cầu về nhà ở. Trong sáu tháng cuối năm 2022, giá nhà giảm khoảng 60% tại một số nước mới nổi, trong khi xu hướng tăng giá tại AEs có dấu hiệu chững lại.
Điều kiện trên thị trường bất động sản thương mại (CRE) là mối quan tâm ngày càng tăng, do thị trường này đang chịu áp lực từ chi phí vay vốn khắt khe hơn và nền tảng kinh doanh ngày càng xấu đi. Tại Mỹ, các ngân hàng có tổng tài sản dưới 250 tỉ USD chiếm khoảng ¾ tín dụng CRE. Một khi chất lượng tài sản giảm sút, những ngân hàng này sẽ bị ảnh hưởng cả về mức sinh lời và khả năng cho vay. Ngoài ra, NBFIs đóng vai trò quan trọng trong khu vực đầu tư bất động sản ủy thác (REITs) và thị trường chứng khoán cầm cố, nên bị ảnh hưởng lớn hơn của những căng thẳng trên thị trường CRE, gây bất ổn tài chính và cản trở tăng trưởng kinh tế. Trên toàn cầu, giao dịch nhà ở giảm 17% so với năm trước đó và REITs chứng kiến giá giảm tới 20%. Thiệt hại leo thang trong khu vực văn phòng cho thuê, khi nhu cầu và tỉ lệ cho thuê còn thấp hơn so với trong mùa dịch Covid-19.
Đối với các doanh nghiệp, tỉ lệ vỡ nợ vẫn ở mức thấp, nhờ có lượng tiền mặt đáng kể (được hình thành trong mùa dịch từ chính sách hỗ trợ tài khóa). Tuy nhiên, doanh thu giảm và điều kiện vay vốn khắt khe hơn đang bào mòn nguồn tiền mặt này và có thể dẫn đến khó khăn trong việc hoàn trả nợ vay. Các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp tại các nước mới nổi có thể bị tác động đối ngược trầm trọng hơn, do thiếu nguồn vốn thay thế, trong khi các ngân hàng bắt đầu thắt chặt tiêu chuẩn cho vay.
Tại Trung Quốc, thị trường nhà ở vẫn trầm lắng, cho dù đã mở cửa trở lại. Mặc dù điều kiện vay vốn nới lỏng đối với một số doanh nghiệp bất động sản, khách hàng vẫn tránh mua nhà từ những doanh nghiệp tư nhân yếu, cản trở nỗ lực lấy lại niềm tin trên thị trường nhà ở trong nước. Lo ngại về tính bền vững nợ nần của các đầu tàu tài chính tại các cấp chính quyền địa phương (LGFVs) bắt đầu gia tăng trong năm 2022, do các cấp chính quyền liên quan chặt chẽ với thị trường bất động sản. Với tổng dư nợ LGFVs chiếm khoảng 50% GDP của Trung Quốc, một khi áp lực nợ nần của LGFVs tăng cao, một số ngân hàng sẽ bị thiệt hại đáng kể, nhất là tại những vùng nghèo với nợ chính quyền địa phương ở mức cao và phần lớn nhà ở vẫn chưa xây xong.
Hiện nay, căng thẳng địa chính trị giữa các nước lớn đang buộc các nước phải định hình lại các mối quan hệ quốc tế, dẫn đến xu hướng phân đoạn kinh tế - tài chính và gây tác động đối ngược đến việc phân bổ nguồn vốn qua biên giới. Hệ quả là, hệ thống tài chính toàn cầu có thể rơi vào tình trạng bất ổn, dòng vốn có thể đảo chiều bất ngờ, chi phí vay vốn ngân hàng tăng cao, đe dọa ổn định tài chính vĩ mô. Có thể nhận thấy tác động này tại các nước mới nổi và những ngân hàng có tỉ trọng vốn thấp. Tình trạng phân đoạn kinh tế - tài chính cũng có thể trầm trọng thêm những bất ổn về tài chính vĩ mô, nhất là tại những nước thiếu nguồn vốn hỗ trợ từ bên ngoài.
Trong bối cảnh nguy cơ bất ổn tài chính ngày càng tăng cao, các nhà tạo lập chính sách phải có biện pháp quyết liệt để lấy lại niềm tin, các NHTW có các công cụ để phân tích các giải pháp duy trì ổn định tài chính từ các giải pháp ổn định giá cả. Bộ công cụ chính sách của NHTW cũng phải bao gồm giám sát chặt chẽ và điều chỉnh đủ mạnh, có khả năng giám sát các định chế tài chính. Ngoài ra, cần can thiệp và xử lí kịp thời những ngân hàng yếu kém, đây là biện pháp cần thiết để quản lí khủng hoảng một cách hiệu quả.
Nếu căng thẳng trong khu vực tài chính tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế, việc tách bạch rõ ràng giữa các mục tiêu ổn định giá cả với mục tiêu ổn định tài chính sẽ trở nên khó khăn. Trong trường hợp khẩn cấp, như khủng hoảng vĩ mô trầm trọng, các nhà tạo lập chính sách có thể cần điều chỉnh quan điểm về chính sách tiền tệ để hỗ trợ ổn định tài chính. Cần tăng cường hợp tác toàn cầu giữa các NHTW, các cơ quan quản lí tài chính và Bộ Tài chính.
Một số khuyến nghị
Đối với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế thời gian tới được dự báo là tích cực nhờ tác động từ các chương trình phục hồi kinh tế đang tích cực triển khai. Tuy nhiên, rủi ro đối với nền kinh tế cũng gia tăng khi kinh tế toàn cầu tăng chậm lại, làm giảm cầu. Vì thế sẽ tác động tiêu cực tới các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; hơn nữa áp lực lạm phát chưa thể chủ quan trong bối cảnh xu hướng giảm phát toàn cầu chậm hơn kì vọng. Để tiếp tục đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành Ngân hàng cần tập trung vào thực hiện các giải pháp chủ yếu sau để góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Cụ thể:
Một là, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát ở mức hợp lí, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, chính sách tiền tệ cần phải điều hành theo hướng giảm lãi suất, do mặt băng lãi suất hiện nay được cho là cao so với tỉ lệ lạm phát và khả năng chịu đựng của “người đi vay”, nên khống chế trần lãi suất huy động và cả trần lãi suất cho vay, để trách tình trạng các tổ chức tín dụng cạnh tranh huy động qua việc tăng lãi suất huy động; có làm được như vậy mới giảm được mặt bằng lãi suất cho vay, doanh nghiệp và người dân mới tiếp cận được nguồn vốn với chi phí lãi vay hợp lí để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Hai là, điều hành các giải pháp tín dụng đáp ứng tốt nhu cầu vốn của nền kinh tế. Yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro cao.
Ba là, tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù như cho vay mua nhà ở đối với người thu nhập thấp…
Bốn là, tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng. Đổi mới công tác thanh tra, giám sát, cảnh báo sớm rủi ro đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro; tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh rủi ro, tiêu cực, sai phạm.
Năm là, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lí nợ xấu.
Sáu là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về ngân hàng, tạo cơ sở pháp lí đồng bộ, thuận lợi cho việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Bảy là, NHNN tiếp tục phối hợp tốt với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Nguồn thông tin tham khảo:
1. IMF tháng 4/2023;
2. Cổng thông tin Chính phủ;
3. Website NHNN.
Vũ Xuân Thanh (NHNN)