OCB chuẩn bị tăng mạnh vốn điều lệ, gia nhập nhóm ngân hàng quy mô lớn

(Banker.vn) Sau khi hoàn tất các đợt phát hành, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ hơn 13.698 tỷ đồng lên mức tối đa hơn 17.884 tỷ đồng, thuộc nhóm nhà băng có quy mô lớn.

Tăng vốn thêm hơn 4.100 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã thông qua nghị quyết về việc triển khai tăng vốn điều lệ năm 2022 thêm 4.127 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ của ngân hàng lên 17.884 tỷ đồng.

Cụ thể, ngân hàng OCB sẽ phát hành 412,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tổng trị giá 4.127 tỷ đồng, tỷ lệ phát hành 30%. Thời gian thực hiện trong năm 2022 căn cứ theo sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nguồn vốn sử dụng lấy từ vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2021, xác định theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 đã được kiểm toán.

Phương án tăng vốn điều lệ này được thực hiện sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và phát hành cổ phiếu riêng lẻ, tăng vốn điều lệ thêm hơn 58,8 tỷ đồng.

Theo đó, OCB tăng vốn điều lệ thêm 50 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP và thêm 8,82 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (Ngân hàng Aozora – Nhật Bản).

Với số tiền thu được từ việc tăng vốn, ngân hàng dự kiến sẽ sử dụng hơn 3.220 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay và bên cạnh đó còn để mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất, trong đó bao gồm đầu tư công nghệ thông tin, nâng cấp tài sản, xây dựng cơ bản và trang bị tài sản vố định, công cụ lao động.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)

Thời gian qua, hàng loạt ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ, qua đó bổ sung hàng chục nghìn tỷ đồng vốn hoạt động kinh doanh.

Riêng năm nay đã có trên 20 ngân hàng công bố kế hoạch tăng vốn. Bên cạnh nhóm ngân hàng quốc doanh như VietinBank, Vietcombank và BIDV, năm 2022 cũng chứng kiến làn sóng tăng vốn mạnh của nhóm ngân hàng tư nhân như VPBank, MBBank, ACB, SHB, HDBank…

Theo Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký trong năm nay, Đề án đặt mục tiêu nhóm ngân hàng trong nước trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng.

Mảng kinh doanh cốt lõi tăng trưởng khả quan

Trong nửa đầu năm, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) ghi nhận nhiều mảng kinh doanh cốt lõi có kết quả khả quan. Thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của ngân hàng, tăng 20,4% so với cùng kỳ mang về 3.372 tỷ đồng với tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tăng trưởng từ 3,7% vào cuối năm 2021 lên 3,76% tại thời điểm cuối tháng 6/2022.

Tăng trưởng thu nhập từ lãi của ngân hàng ở mức cao trong kỳ đạt được là nhờ nhu cầu tín dụng phục hồi khi nền kinh tế Việt Nam dần trở lại quỹ đạo bình thường sau đại dịch. Tính đến cuối tháng 6, tổng dư nợ tín dụng của OCB đạt 113.753 tỷ đồng, tăng gần 10% so với đầu năm, theo sát với hạn mức cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh công nghệ số và các mảng phi tín dụng, thu nhập từ mảng dịch vụ của OCB đạt 359 tỷ đồng tăng 2,4% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập mảng kinh doanh thẻ tăng gần 133%, thu nhập kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng gần 18%.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.739 tỷ đồng. Các tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) luôn đáp ứng theo quy định của Ngân hàng nhà nước.

Kết thúc quý II, tổng tài sản của OCB đạt 188.857 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số huy động thị trường 1 của ngân hàng đạt 123.698 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Cùng với việc tập trung vào các sản phẩm cốt lõi ngân hàng cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường công tác kiểm soát chất lượng tín dụng, thu hồi xử lý nợ xấu.

Trong những năm gần đây, nhờ chính sách quản trị rủi ro tốt, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm. Tính đến cuối tháng 6/2022, con số này được kiểm soát ở mức 1%.

Bên cạnh đó, các khách hàng được cơ cấu lại của ngân hàng ghi nhận sự phục hồi tốt sau đại dịch. Số dư nợ gốc đã cơ cấu giảm hơn 30% trong 6 tháng đầu năm chỉ còn hơn 2.000 tỷ đồng, làm giảm áp lực lên trích lập dự phòng của ngân hàng.

OCB là một trong số những ngân hàng triển khai trước hạn việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II về an toàn vốn. Việc tuân thủ đầy đủ ba trụ cột Basel II giúp OCB xác định, đo lường, đánh giá các rủi ro trọng yếu một cách hiệu quả, từ đó xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu và quy trình phù hợp với chiến lược phát triển của ngân hàng.

Hiện OCB đang tập trung triển khai những tiêu chuẩn quốc tế cao hơn như Basel III, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

Tín dụng "dậm chân tại chỗ" trong 2 tháng trở lại đây

Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều ngân hàng lớn đã cạn room tín dụng ngay trong 6 tháng đầu năm, trong khi ...

Cổ phiếu ngân hàng giảm đồng loạt, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường

Trong phiên giao dịch đầu tuần (22/8) nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến tiêu cực khi có tới 20/27 mã giao dịch dưới đường ...

Chuyên gia VDSC chỉ ra "chất xúc tác" cho cổ phiếu ngân hàng trong dài hạn

Theo chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), bên cạnh câu chuyện về kết quả kinh doanh, thì phát hành riêng lẻ và tiếp ...

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán