“Ồ ạt” tăng lãi suất huy động, NIM ngân hàng đang có xu hướng co lại

(Banker.vn) Thông thường các ngân hàng phải duy trì NIM ở mức 3 - 4% để vừa đảm bảo lợi nhuận vừa đủ khả năng chống đỡ rủi ro nợ xấu gia tăng. Tuy nhiên hiện tại, khả năng NIM đạt ở mức trên không hề dễ dàng đối với nhiều ngân hàng.

Ngân hàng “buôn” chứng khoán ghi nhận kết quả trái chiều

Theo báo cáo về ngành Ngân hàng vừa được Chứng khoán VNDirect công bố, lãi suất cho vay khó có thể theo kịp với chi phí huy động vốn tăng cao do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang yêu cầu các ngân hàng thương mại duy trì mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Do đó, việc lãi suất huy động tăng nhanh sẽ tác động tiêu cực đến tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng.

“Ồ ạt” tăng lãi suất huy động, NIM ngân hàng đang có xu hướng co lại
Lãi suất đầu vào "phình to", trong khi lãi suất đầu ra tăng chậm khiến NIM ngân hàng đang bị co hẹp. Ảnh minh họa

Kết thúc III/2022, NIM của một số ngân hàng giảm so với cùng kỳ năm trước như: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) giảm 0,96%; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) giảm 0,28%; Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) giảm 0,14%; Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) giảm 0,13%,…

Thực tế, những ngân hàng có tỷ lệ thu nhập lãi thuần giảm đang có tốc độ tăng lãi suất khá nhanh trong thời gian qua. Chỉ tính từ đầu tháng 11, VPBank cũng tăng mạnh lãi suất tiết kiệm cho khách hàng cá nhân thêm 1-1,9 điểm % so với tháng 10 đối với tất cả các kỳ hạn.

Tại Techcombank, ngân hàng đã có lần thứ 4 trong tháng 11 thay đổi lãi suất huy động tiền gửi theo xu hướng đi lên. Theo đó, ngày 15/11, Techcombank tiếp tục tăng thêm lãi suất huy động thêm 0,3%/năm, lãi suất huy động tiền đồng lên mức cao nhất là 9%/năm ở kỳ hạn 12 tháng trở lên, đối với kỳ hạn từ 6 - 11 tháng là 8,7%/năm, còn dưới 6 tháng lên 6%/năm.

Cùng với đó, nhiều ngân hàng khác như: SHB, ACB, Sacombank, Nam A Bank, ABBank cũng tăng lãi suất thêm 0,3 - 1%/năm cùng các chương trình khuyến mại để thu hút người dân gửi tiết kiệm ngay sau khi NHNN nâng lãi suất điều hành trước đó.

Theo chia sẻ từ một lãnh đạo ngân hàng, thông thường các ngân hàng phải duy trì NIM ở mức 3 - 4% để vừa đảm bảo lợi nhuận vừa đủ khả năng chống đỡ rủi ro nợ xấu gia tăng. Nhưng hiện tại, khả năng NIM đạt ở mức trên không hề dễ dàng đối với nhiều ngân hàng.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, diễn biến lãi suất hiện nay không còn có lợi cho các ngân hàng như giai đoạn trước. Cụ thể, năm 2020 và năm 2021, nguồn thu từ mảng tín dụng của ngân hàng tăng do lãi suất huy động giảm mạnh, trong khi lãi suất cho vay chỉ giảm từ từ, giúp hệ số NIM tăng cao. Nhưng bước sang năm 2022, chi phí đầu vào tăng theo lãi suất huy động, NIM giảm dần và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh.

Chung quan điểm, Công ty Chứng khoán Yuanta nhận định NIM toàn ngành sẽ thu hẹp trong thời gian tới nhưng Yuanta cho rằng NIM của các ngân hàng sẽ có sự phân hóa. Các ngân hàng có tỷ lệ LDR (Loan to Deposit Ratio – tổng cho vay/tổng huy động) thấp hoặc các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thấp sẽ ít chịu áp lực về NIM nhiều hơn. Đặc biệt, các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao sẽ chống chịu tốt hơn trước tác động của xu hướng gia tăng chi phí vốn.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Duy Bình cho rằng, chiến lược quản trị rủi ro và tiềm lực của mỗi ngân khác nhau, nên NIM trong thời gian tới sẽ có sự phân hoá. Đơn cử như về lãi suất huy động cũng đã có sự khác nhau. Nhiều ngân hàng áp dụng lãi suất huy động không quá cao nhưng vẫn đảm bảo được khả năng thanh khoản, thu hút tiền gửi dân cư nhờ vào giá trị thương hiệu và cung cấp những trải nghiệm dịch vụ an toàn, tiện lợi cho khách hàng.

Mặt khác, các ngân hàng với trình độ quản lý, ứng dụng công nghệ khác nhau nên chi phí hoạt động sẽ không giống nhau. Không ít ngân hàng khá thận trọng, đã trích lập dự phòng ngay khi nhận thấy rủi ro tiềm ẩn giúp họ quản trị tốt hơn. Vì vậy, NIM của nhóm ngân hàng này có thể ảnh hưởng bởi thị trường chung nhưng sẽ không bị suy giảm nhiều so với các ngân hàng khác.

Trong bối cảnh NIM bị ảnh hưởng như hiện nay, các chuyên gia cho rằng ngân hàng cần phải tiếp tục nâng cao khả năng, năng lực quản trị về tài chính, từ đó tiết giảm chi phí hoạt động, cải thiện NIM. Đi kèm với đó là tái cấu trúc sản phẩm, dịch vụ để tăng thu từ mảng này. Ở thời điểm hiện nay nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh mảng dịch vụ như thanh toán, bảo hiểm… những dịch vụ này phát triển sẽ giúp cải thiện NIM của ngân hàng.

Toàn cảnh ngân hàng 9 tháng 2022: Lợi nhuận vẫn ở mức cao, tỷ lệ CASA phần lớn sụt giảm

Đơn vị cung cấp dữ liệu tài chính WiGroup vừa công bố báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh quý III/2022 của ngành ngân ...

SSI: Mặt bằng lãi suất huy động nhiều ngân hàng đã cao hơn vùng trước COVID-19

Trong báo cáo thị trường tiền tệ tuần, SSI cho biết, tính đến hiện tại mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng ...

KBSV: Nợ nhóm 2 của MB duy trì xu hướng tăng nhanh trong quý III

Theo KBSV, nợ xấu của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – Mã chứng khoán: MBB) cải thiện với tỷ lệ nợ xấu giảm về ...

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục