Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở Giao dịch Chứng khoán, báo cáo vi phạm của Công ty CP Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL) liên quan đến lô trái phiếu NVLH2123010. Theo MBS, vi phạm này có tác động trực tiếp đến quyền lợi nhà đầu tư khi Novaland chưa thực hiện nghĩa vụ bổ sung tài sản đảm bảo như cam kết.
![]() |
Dòng tiền kinh doanh của Novaland vẫn ở trạng thái âm, với mức thâm hụt gần 5.940 tỷ đồng trong năm 2024 |
Lô trái phiếu NVLH2123010 được phát hành vào ngày 17/9/2021, có kỳ hạn 42 tháng, với lãi suất 10,5%/năm, tổng giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng. Đối tượng mua trái phiếu bao gồm các cá nhân và tổ chức đầu tư chuyên nghiệp. Theo điều khoản phát hành, Novaland có trách nhiệm duy trì tỷ lệ tài sản đảm bảo (TSĐB) tối thiểu 100% tổng mệnh giá trái phiếu lưu hành. Nếu tỷ lệ này giảm xuống dưới ngưỡng quy định, công ty bắt buộc phải bổ sung tài sản đảm bảo để đảm bảo quyền lợi cho trái chủ.
Tuy nhiên, vào ngày 10/1/2025, MBS ghi nhận tỷ lệ tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này đã tụt xuống dưới 100%. Ngay sau đó, MBS gửi thông báo yêu cầu Novaland bổ sung tài sản trong thời hạn 30 ngày đối với bất động sản hoặc quyền tài sản phát sinh từ bất động sản, và 10 ngày làm việc đối với các loại tài sản khác. Tuy nhiên, đến nay, dù thời hạn đã trôi qua, Novaland vẫn chưa có phương án bổ sung, đồng nghĩa với việc vi phạm cam kết trong văn kiện trái phiếu.
Điều này đặt ra rủi ro đáng kể cho nhà đầu tư khi thời gian đáo hạn của lô trái phiếu NVLH2123010 đang đến rất gần, dự kiến vào ngày 17/3/2025, tức chỉ còn chưa đầy một tháng.
Không chỉ lô trái phiếu NVLH2123010, Novaland còn liên tục gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ đến hạn. Mới đây, công ty tiếp tục thông báo chậm thanh toán lô trái phiếu NVLH2224005 có tổng giá trị 500 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Novaland cần thanh toán 473 tỷ đồng tiền gốc vào ngày 17/2/2025, nhưng đến nay, công ty mới chỉ trả được 5 tỷ đồng. Khoản tiền lãi hơn 21 tỷ đồng cũng chưa được thanh toán, nâng tổng số tiền chậm trả lên gần 490 tỷ đồng.
Lý giải về tình trạng này, Novaland cho biết công ty chưa thu xếp đủ nguồn tiền và đang tiếp tục thương thảo với nhà đầu tư để tìm phương án xử lý. Trước đó, doanh nghiệp cũng đã thông báo chậm thanh toán gần 800 tỷ đồng tiền gốc và lãi của lô trái phiếu NVLH2123009.
Trên thực tế, áp lực tài chính đã tiếp tục gia tăng tại Novaland trong năm 2024 khi doanh nghiệp không chỉ ghi nhận khoản lỗ thuần hơn 500 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh mà còn đối mặt với hàng loạt nghĩa vụ tài chính. Tổng giá trị các khoản phải trả liên quan đến hợp tác đầu tư phát triển dự án lên tới hơn 12.500 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi vay cũng chạm mốc gần 1.700 tỷ đồng.
Dù có sự cải thiện so với năm 2023, dòng tiền kinh doanh của Novaland vẫn ở trạng thái âm, với mức thâm hụt gần 5.940 tỷ đồng, phản ánh áp lực dòng tiền của doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa có nhiều tín hiệu phục hồi rõ rệt.
![]() | HoSE đình chỉ giao dịch cổ phiếu KPF do vi phạm báo cáo tài chính HoSE đình chỉ giao dịch cổ phiếu KPF do vi phạm nghĩa vụ báo cáo tài chính. Năm 2024, KPF lỗ kỷ lục 277 tỷ ... |
![]() | Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm giám sát, thanh tra, cưỡng chế thực thi giữa các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán tại APRC Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Bùi Hoàng Hải cho biết, bảo vệ các nhà đầu tư và đảm bảo hoạt động ... |
Tuấn Tú