Nông sản xuất siêu kỷ lục: Động lực cho kinh tế Việt Nam

(Banker.vn) Việt Nam xuất siêu 14 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm 2024, với nông lâm thủy sản đóng góp 9,4 tỉ USD, tăng 60% so với năm 2023.
Cần cơ chế hỗ trợ đột phá để thu hút đầu tư xanh vào nông nghiệp Top 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam "Đường cao tốc" để nông sản Việt chinh phục thị trường EU

Nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn khẳng định vai trò trụ đỡ của mình với những con số xuất khẩu ấn tượng.

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 7 tháng đầu năm, Việt Nam đạt mức xuất siêu 14 tỉ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 34,27 tỷ, tăng 18,8%; nhập khẩu 24,85 tỷ USD; xuất siêu 9,42 tỷ USD, tăng 60%.

Riêng trong tháng 7, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,11 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ. Trong đó, nông sản chính 2,62 tỷ USD, tăng 25,2%); lâm sản 1,4 tỷ USD, tăng 15,8%; thủy sản 880 triệu USD, tăng 13,2%; chăn nuôi 47,4 triệu USD, tăng 9,3%.

Ngày 30/7, tại buổi gặp gỡ với các hiệp hội ngành hàng tại TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Viết Bình - Phó chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỉ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, và xuất siêu đạt gần 8,3 tỉ USD, tăng 62%. Đến tháng 7, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 34,3 tỉ USD, xuất siêu đạt 9,5 tỉ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.

"Trong nửa cuối năm 2024, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng các thị trường xuất khẩu, bên cạnh đó là căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, với những kết quả đã đạt được và nỗ lực của bà con nông dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta có thể tin tưởng hoạt động xuất khẩu tiếp tục đạt nhiều kỷ lục mới", ông Bình nói.

Nhiều nông sản vẫn rộng đường xuất khẩu

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng từ suy thoái và căng thẳng địa chính trị, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, các mặt hàng nông sản chủ lực như: Rau quả, cà phê, gạo, hạt điều, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt.

Đại diện Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, cơ quan này đang tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở các nước nhập khẩu để mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam. Hiện trái bưởi đã hoàn thiện hồ sơ để xuất khẩu sang Hàn Quốc và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ với các thị trường Ấn Độ, Nhật Bản và Úc. Trái chanh leo cũng đang hoàn thiện hồ sơ với thị trường Mỹ và Úc. Đối với thị trường Trung Quốc, các sản phẩm như sầu riêng đông lạnh và dừa tươi cũng đang hoàn thiện hồ sơ; bên cạnh đó là các sản phẩm bơ và chanh không hạt. Ngoài ra, Việt Nam đang đàm phán với Ấn Độ để mở đường xuất khẩu sầu riêng.

Nông sản xuất siêu kỷ lục: Động lực cho kinh tế Việt Nam
Nông sản là mặt hàng được đàm phán mở cửa, xuất khẩu chính ngạch (Ảnh minh họa).

Những thị trường tiềm năng lớn

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam; trong đó giá trị xuất khẩu sang Mỹ tăng 21,6%, Trung Quốc tăng 11,3% và Nhật Bản tăng 4%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông lâm thủy sản; điển hình là triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU. Các đơn vị chức năng đang tích cực mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: Các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), nếu sản phẩm sầu riêng đông lạnh và dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, Việt Nam có thể thu về ít nhất 500 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, do quy trình phê duyệt kéo dài, dự kiến năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ chỉ đạt từ 6,5 - 7 tỉ USD, vẫn là một kỷ lục so với 5,6 tỉ USD của năm 2023.

Ông Nguyên phân tích rằng, căng thẳng địa chính trị gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là vấn đề vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang tận dụng được lợi thế khi các nước Âu, Mỹ giảm xuất khẩu vào khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, khiến các nước này tăng cường nhập khẩu rau quả từ Việt Nam.

Hàn Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nước nhập khẩu rau quả lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Mỹ vẫn tăng 33%, và Nhật Bản tăng 13%, trở thành nước nhập khẩu lớn thứ tư sau Mỹ. Trung Quốc cũng tăng cường nhập khẩu các sản phẩm như: Chuối, sầu riêng từ Việt Nam.

Nhìn nhận về tình hình xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam đã và đang có nhiều khởi sắc, mang lại tín hiệu tích cực. Các địa phương đã có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường.

Hiện Bộ Công Thương đang nỗ lực kết thúc sớm đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE, đồng thời triển khai đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu lợi thế từ các FTA đã thực thi. Đồng thời, cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu cho các hiệp hội và doanh nghiệp, giúp họ điều chỉnh kế hoạch sản xuất và tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường tiềm năng.

Ngoài ra, Bộ sẽ đẩy mạnh đổi mới xúc tiến thương mại, thúc đẩy chuyển đổi số và kết nối doanh nghiệp Việt Nam với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ, qua đó quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường.

Yến Thư

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục