Nông sản Việt lo bị 'lép vế' ngay trên sân nhà

(Banker.vn) Trước cơn bão 'đổ bộ' của nông sản nước ngoài, để không 'lép vế' ngay trên sân nhà, người nông dân và doanh nghiệp buộc phải đổi mới từ chất lượng đến hình ảnh.
Việt Nam nắm giữ 2 loại nông sản 'nóng' nhất toàn cầu Chuyên gia hiến kế loạt giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu Xuất khẩu nông sản khởi sắc: Đâu là ‘át chủ bài’ của Việt Nam?

Xu hướng "sính ngoại" hiện rõ

Những năm gần đây, thị trường Việt Nam chứng kiến sự "đổ bộ" mạnh mẽ của các loại nông sản nhập khẩu, đặc biệt từ Mỹ. Tính riêng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Mỹ sang Việt Nam đã tăng vọt 64% so với năm trước đó, đạt gần 544 triệu USD. Không thể phủ nhận, sức hút của nông sản Mỹ đối với người tiêu dùng nước ta ngày càng lớn.

Nông sản Việt lo bị 'lép vế' ngay trên sân nhà
Tràn ngập trái cây nhập khẩu trong các chuỗi bán lẻ hiện đại là thách thức lớn với ngành rau quả Việt trên “sân nhà” (Ảnh: Minh Anh)

Khảo sát tại các siêu thị lớn như VinMart, Big C, Lotte Mart hay các cửa hàng trái cây nhập khẩu, có thể thấy xu hướng đẩy mạnh kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu này. Tất nhiên, điều này cũng phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay, khi nhiều khách hàng ưu tiên nông sản nhập khẩu nhờ chất lượng cao và quy trình kiểm định nghiêm ngặt.

Chia sẻ với Báo Công Thương, chị Mai Hoa (35 tuổi, quận 3, TP. Hồ Chí Minh), một vị khách đang có mặt tại siêu thị VinMart cho biết: "Nhà tôi thường hay mua táo Mỹ, giòn ngọt và khác hẳn táo trong nước. Quan trọng hơn, sản phẩm có các chứng nhận kiểm định quốc tế, tạo cảm giác yên tâm. Tôi sẵn sàng trả đắt hơn một chút để có thực phẩm sạch và an toàn".

Tương tự chị Mai Hoa, anh Hoàng Vinh (28 tuổi, quận Bình Thạnh) cũng có quan điểm tương đồng: "Thật lòng mà nói, khi mua thực phẩm, tôi luôn đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu. Các sản phẩm nông sản nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ, Úc hay Nhật Bản, thường có các chứng nhận chất lượng rõ ràng. Do đó, tôi thấy yên tâm hơn khi sử dụng chúng. Ngược lại, nông sản trong nước thỉnh thoảng vẫn có những thông tin không tốt về dư lượng hóa chất hay chất bảo quản. Chính vì vậy, tôi khá e dè khi lựa chọn".

Bên cạnh yếu tố chất lượng, vẻ ngoài của nông sản ngoại nhập rõ ràng cũng "bắt mắt" hơn. Bao bì được thiết kế tinh tế, đóng gói đẹp mắt và mang đậm phong cách hiện đại đã chinh phục được trái tim của những người tiêu dùng trẻ tuổi. Họ xem việc sử dụng nông sản ngoại nhập như một cách để thể hiện cá tính và đẳng cấp. Trong khi đó, một số sản phẩm nông sản nội địa vẫn còn loay hoay với bài toán mẫu mã, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của thị trường.

Nông sản Việt lo bị 'lép vế' ngay trên sân nhà
Mẫu mã đẹp mắt là một trong những yếu tố then chốt giúp thu hút người tiêu dùng Việt

Theo đó, anh Ngọc Dương, chủ tiệm trái cây nhập khẩu trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9 chia sẻ: "Cửa hàng tôi mở ra cũng được mấy năm, nhưng gần đây mới thực sự đông khách. Khách hàng trẻ tuổi đến mua nhiều hơn. Họ thích mấy loại trái cây nhập khẩu cao cấp như nho mẫu đơn Hàn Quốc, dâu tây Nhật Bản, hay kiwi vàng New Zealand".

Anh cũng thừa nhận: "Nói thật là trái cây Việt mình bây giờ bán khó hơn trước nhiều. Khách hàng trẻ họ thích mua trái cây nhập khẩu hơn. Họ bảo là trái cây nhập khẩu nhìn đẹp mắt, ăn ngon, lại có nhiều loại để lựa chọn. Trái lại, trái cây Việt nhiều khi mẫu mã không được đẹp, chất lượng cũng không đồng đều. Ví dụ như cam, có khi quả ngọt, có khi quả chua. Rồi xoài, có khi quả chín tới, có khi quả còn xanh".

Đừng để thất thế ngay trên sân nhà

Dưới góc độ kinh tế, nhiều chuyên gia nhận định, việc Việt Nam tăng cường nhập khẩu nông sản từ Mỹ là một phần trong chiến lược cân bằng cán cân thương mại, nhằm giảm áp lực từ các chính sách thương mại ngày càng siết chặt của Mỹ. Tuy nhiên, điều này đồng thời tạo ra một "cơn lốc" cạnh tranh khốc liệt, đe dọa trực tiếp đến thị phần của nông sản nội địa.

Thách thức lớn nhất mà ngành nông sản Việt Nam phải đối mặt là sự cạnh tranh về giá cả và chất lượng. Các mặt hàng đa dạng với nguồn cung dồi dào và giá tốt đang tạo ra áp lực lên các sản phẩm tương tự của Việt Nam. Hơn nữa, với lợi thế về công nghệ và quy trình sản xuất hiện đại, nông sản Mỹ thường có chất lượng cao và đồng đều, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.

Trước bối cảnh đó, để không bị "lép vế" ngay trên sân nhà, ngành nông sản Việt cần có những thay đổi chiến lược, nâng cao sức cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm và giá cả hợp lý. Đặc biệt, thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu, ngành nông sản nội địa cũng cần củng cố vững chắc thị phần trong nước để tránh nguy cơ bị các doanh nghiệp ngoại giành lợi thế.

Việc nâng cao chất lượng, đầu tư vào công nghệ bảo quản, cải thiện bao bì và đẩy mạnh thương hiệu sẽ là những bước đi quan trọng giúp nông sản trong nước giữ vững thị phần. Dù nông sản nhập khẩu đang tạo sức ép cạnh tranh lớn, thế nhưng đây cũng là động lực để ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển mình, khẳng định vị thế ngay trên chính sân nhà.

Minh Anh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục