Nợ xấu ngân hàng tăng vọt
Từ số liệu báo cáo tài chính quý III/2023 của 28 ngân hàng thương mại, tổng dư nợ cho vay khách hàng tính đến ngày 30/9 đạt gần 9,34 triệu tỷ đồng, tăng 9,3% so với đầu năm.
Một số ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 2 con số như: VPBank (+19%), MSB (+17,1%), MB (+16,44%), BaoVietBank (+16,4%), Techcombank (+12,6%),… Một số ngân hàng có mức tăng trưởng thấp hơn như: ABBank (+4%), Eximbank (+4,2%), Saigonbank (+4,3%)...
Xét về nợ xấu, tính đến cuối tháng 9, tổng nợ xấu tại 28 ngân hàng thương mại là gần 210.238 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm. Về cơ cấu nợ xấu, tăng mạnh nhất là nợ nghi ngờ (nhóm 4) với tỷ lệ 119%, kế đến là nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 69% và nợ có khả năng mất vốn tăng thấp nhất với 12%.
Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tại một số ngân hàng tăng theo cấp số nhân như Bắc Á Bank (tăng 3,8 lần), Eximbank (tăng 3,2 lần),… Có 9/28 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vượt ngưỡng 3%, bao gồm: VPBank (5,74%), VietBank (4,06%), OCB (3,74%), BVBank (3,56%), SHB (3,21%), TPBank (3%)...
Ảnh minh họa |
Theo dữ liệu từ WiChart (doanh nghiệp về thông tin tài chính), tổng số dư nợ xấu nội bảng tính đến cuối quý III của nhóm ngành ngân hàng là gần 210.000 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cuối quý liền trước và 52,7% so với cuối năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tiếp tục tăng lên mức 2,25%, tăng 0,64 điểm % so với cuối năm ngoái. Nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) đã có sự cải thiện so với hai quý liền trước, tuy nhiên vẫn tăng tới 38,2% nếu so với thời điểm cuối năm 2022.
Về nợ xấu bất động sản, 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng 21,86%, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là nợ xấu của tín dụng bất động sản tính đến tháng 9/2023 là 2,89%, tăng mạnh so với mức 1,72% thời điểm cuối năm 2022.
Các chuyên gia phân tích, nợ xấu của ngân hàng tăng lên do nền kinh tế không thuận lợi. Ngoài ra, tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản hiện nay có thể dẫn tới tình trạng hình thành nợ xấu trong các khoản cho vay mua nhà.
NHNN nhận định, tình hình kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động khi diễn biến xung đột Nga - Ukraine trở nên phức tạp, gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng nguy cơ lạm phát, ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều nền kinh tế. Trong khi đó, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro suy thoái, đặc biệt là sau sự cố liên quan đến một số ngân hàng tại Mỹ.
Việc xử lý nợ xấu đến hiện tại của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nợ quá hạn tăng, thị trường bất động sản ảm đạm khiến việc xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản càng thách thức.
Cũng theo NHNN, thị trường mua, bán nợ vẫn còn nhiều hạn chế. Khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện và thiếu các chính sách ưu đãi khuyến khích nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.
Đặc biệt, việc cơ cấu các ngân hàng yếu kém còn thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù để xử lý triệt để. Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước thiếu nguồn lực để xử lý tổn thất và thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng phi ngân hàng do mình làm chủ sở hữu hoặc là cổ đông lớn.
Nợ xấu sẽ còn tiếp tục tăng cao?
Theo đánh giá của cơ quan quản lý, chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục chịu áp lực thời gian tới. Lãnh đạo một số nhà băng cho rằng nhiều khả năng nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào quý III năm nay và có xu hướng giảm dần từ đầu năm sau.
Đưa ra phân tích về tình hình nợ xấu trong thời gian tới, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ xấu hiện nay tương đối cao so với chỉ tiêu đề ra. Trong khi mục tiêu tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%, nhưng đã có nhiều ngân hàng vượt ngưỡng.
Theo vị chuyên gia, từ nay đến cuối năm nợ xấu sẽ còn tiếp tục tăng cao. Nguyên nhân có thể kể đến là do năm nay một số doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh bị thiếu đơn hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh không tốt, nên việc vay nợ, trả nợ gặp khó khăn.
Đồng thời, kể từ năm 2020, NHNN cho phép các ngân hàng thương mại được giãn, hoãn nợ, khoanh nợ, không nâng nhóm nợ xấu cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Có thể thấy, các doanh nghiệp không trả được nợ, phải khoanh nợ trong tương lai gần như đều sẽ trở thành nợ xấu. Từ đó dẫn đến khi các khoản nợ hết thời hạn được hoãn, giãn nợ đều chuyển thành nợ xấu, đẩy nợ xấu tăng lên.
Ông Thịnh cũng đưa ra dự báo, nợ xấu sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm, vì những doanh nghiệp đến hạn trả nợ mà không trả được thì sẽ bị nâng nhóm nợ.
Ngân hàng tuần qua: Nợ xấu tăng nhanh phản ánh khó khăn của nền kinh tế Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt hồi phục; Nợ xấu ngân hàng tăng mạnh trong quý III/2023; NHNN hút ròng hơn 11.000 tỷ đồng trong ... |
BIDV ráo riết rao bán 19 thửa đất của một cá nhân liên quan đến đầu mối xăng dầu Trung Linh Phát Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV, HOSE: BID) chi nhánh Nam Định đã liên tiếp phát đi thông báo bán ... |
Ngân hàng duy nhất có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% cuối quý 3 Thời điểm cuối tháng 9/2023, 27 ngân hàng niêm yết đều ghi nhận tăng tỉ lệ nợ xấu so với đầu năm. |
Y Vân
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|