Nợ xấu đang có xu hướng tăng, cần gỡ vướng về pháp lý

(Banker.vn) Các con số báo cáo về tình hình nợ xấu hiện nay có thể chưa phản ánh đầy đủ tình trạng nợ xấu tại các ngân hàng.
Triển khai chiến lược phát triển bền vững, HDBank báo lãi 8.165 tỷ, nợ xấu chỉ 1,59% ‘Cục máu đông’ nợ xấu tiếp tục phình to, ngân hàng ‘oằn mình’ chống đỡ Bài 4: Cho vay và đầu tư tài chính, các công ty xổ số miền Nam đối mặt nguy cơ nợ xấu

Bức tranh kinh doanh của các ngân hàng 6 tháng đầu năm bộc lộ qua báo cáo tài chính cho thấy nhiều mảng sáng về phát triển kịch vụ, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng cao giúp chi phí vốn giảm, và đặc biệt là lợi nhuận tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, vẫn còn điểm mờ dễ nhận thấy đó chính là nợ xấu đang có xu hướng tăng lên.

Chỉ tính riêng 27 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán, báo cáo tài chính quý 2/2024 được các nhà băng này công bố đã cho thấy số dư nợ xấu tăng thêm gần 45.000 tỉ đồng so với 31/12/2023, ở mức 241.632 tỉ đồng.

Chất lượng tín dụng suy giảm là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ nợ xấu gia tăng tại nhiều nhà băng, bất kể là ở nhóm Big4 hay các ngân hàng thương mại cổ phần top 2-3. Tính đến hết tháng 6/2024, có tới 24/29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2023. Các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính đều cho thấy mức tăng nợ xấu trung bình từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng so với cuối 2023; một số ngân hàng khác có mức tăng cao hơn từ 5.400 tỷ đồng cho tới 8.000 tỷ đồng, và có 10 ngân hàng có nợ xấu tuyệt đối trên 10.000 tỉ đồng.

Nợ xấu đang có xu hướng tăng, cần gỡ vướng về pháp lý
Quý II/2024, số dư nợ xấu của các ngân hàng tăng thêm gần 45.000 tỉ đồng so với 31/12/2023, ở mức 241.632 tỉ đồng. Ảnh: Duy Minh

Trước đó, thông tin tới báo giới trong buổi họp báo về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2024 của ngành ngân hàng, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng đến hết quý 2/2024 là 4,56%, tỷ lệ nợ xấu gộp (tính luôn nợ bán cho VAMC và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu) lên đến 6,44%.

Báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng được VIS Rating công bố ngày 19/8 cũng chỉ ra rằng, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ có vấn đề của ngành ngân hàng vẫn giữ ổn định so với quý trước, ở mức 2.2%. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ nợ có vấn đề (NPL) hình thành mới ở một số ngân hàng như BAB, SGB cao hơn so với một số ngân hàng khác, chủ yếu từ phân khúc bán lẻ và SME. Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, tỷ lệ này của một số ngân hàng cũng đã tăng lên do lĩnh vực liên quan đến xây dựng và bất động sản.

Điểm đáng lưu ý, theo VIS Rating là một số ngân hàng lớn đã giảm nợ có vấn đề bằng cách sử dụng dự phòng để xử lý trái phiếu VAMC hoặc giảm nợ có vấn đề từ khách hàng lớn; hoặc nhờ vào việc thắt chặt điều kiện cho vay đối với các khoản vay tiêu dùng mới. Điều này cho thấy các nhà băng đã chủ động trong việc “căn chỉnh” hoạt động kinh doanh, đưa tỷ lệ nợ xấu xuống thấp và về dưới ngưỡng đặt ra của Ngân hàng Nhà nước. “Chúng tôi kỳ vọng môi trường lãi suất thấp và các biện pháp chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ giúp tăng khả năng trả nợ và giúp giảm các khoản nợ quá hạn” - VIS Rating nhận định.

Đánh giá về bức tranh nợ xấu của ngành ngân hàng, các chuyên gia tài chính cho rằng đây là điều đã được dự báo trước. Những khó khăn tích tụ của các doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 không thể giải quyết ngày một ngày hai. Những chính sách hỗ trợ và các giải pháp tín dụng đưa ra chỉ làm giảm bớt phần nào khó khăn cho doanh nghiệp. Ngay cả việc gia hạn Thông tư 02 về xử lý nợ xấu cũng được xem là giải pháp trước mắt, giúp nhiều doanh nghiệp sẽ được giữ nguyên nhóm nợ ở thời điểm hiện tại. Nói như chuyên gia tài chính - TS. Nguyễn Trí Hiếu: "Các con số báo cáo về tình hình nợ xấu hiện nay có thể chưa phản ánh đầy đủ tình trạng nợ xấu tại các ngân hàng".

Nợ xấu đang có xu hướng tăng, cần gỡ vướng về pháp lý
Các con số báo cáo về tình hình nợ xấu hiện nay có thể chưa phản ánh đầy đủ tình trạng nợ xấu tại các ngân hàng. Ảnh minh họa

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS . Nguyễn Quốc Hùng -Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, để xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều biện pháp cũng như nỗ lực sử dụng các nguồn lực để xử lý rủi ro... Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng tiếp tục có xu hướng gia tăng trong 6 tháng đầu năm nay.

Một trong những nguyên nhân, theo ông Hùng, là Nghị quyết 42 hết hiệu lực đã tạo khoảng trống pháp lý, thiếu cơ chế cho phép tổ chức tín dụng thu giữ tài sản bảo đảm dẫn đến khách hàng vay vốn không hợp tác với ngân hàng trong việc bàn giao tài sản và xử lý nợ. “Nếu khách hàng không bàn giao tài sản thì ngân hàng phải chuyển sang xử lý nợ xấu theo cơ chế tố tụng. Việc dắt nhau ra tòa xử lý là vô cùng khó khăn, kéo dài thời gian và tăng chi phí” - TS. Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ. Đồng thời, ông Hùng nhận định, những hệ lụy của xử lý nợ xấu còn khiền các ngân hàng khó khăn trong việc giải ngân cho các khách hàng khác, ngân hàng sẽ làm chặt chẽ hơn trong các quy trình thủ tục cho vay.

Đồng quan điểm này, Bà Phạm Thuý Hạnh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng, các vướng mắc về mặt pháp lý vẫn là nguyên nhân chính khiến việc xử lý nợ xấu chưa đạt hiệu quả cao. Quy định của pháp luật đối với việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn bất cập làm hạn chế tiến độ, hiệu quả của việc xử lý nợ xấu trong ngành ngân hàng; tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản (VAMC) không được chủ động toàn quyền xử lý tài sản bảo đảm khi khách hàng vay không trả được nợ.

Giải pháp tháo gỡ những vướng mắc pháp lý trong xử lý nợ xấu đã được nhiều ngân hàng thương mại và chuyên gia đề cập. Trong đó, sửa Thông tư 19/2013/TT-NHNN về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC theo hướng trao quyền quyết định cho Hội đồng thành viên VAMC là giải pháp cần được thực hiện sớm.

Ông Ðỗ Giang Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xử lý nợ (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) đề xuất: Nên có quy định cho phép VAMC được tổ chức bán đấu giá khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng khi có đề nghị. Đồng thời, cho VAMC được phép thực hiện hoạt động hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay, cũng như đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê tài sản bảo đảm đã được VAMC thu nợ theo mức quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, thay vì phải làm hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng thông qua thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cấp tín dụng, chất lượng tín dụng, cơ quan này sẽ theo dõi sát tình hình xử lý nợ xấu nhằm phòng ngừa rủi ro nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Ðồng thời, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai mạnh mẽ phương án cơ cấu lại, gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; sẽ theo dõi việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ của các tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục