'Nín thở' đợi chính sách giảm lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp

(Banker.vn) Người mua xe vẫn đang mong chờ chính sách giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước để có thể tiết kiệm một khoản tiền trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước: Kích cầu tiêu dùng, phục hồi sản xuất Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là cần thiết Cân nhắc việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Khách sốt ruột chờ giảm trước bạ

Đến đêm 31/7, trên nhiều diễn đàn ô tô vẫn liên tục xuất hiện các nội dung hỏi về việc ''có được giảm lệ phí trước bạ'' hay không? Người chưa mua xe thì chờ đợi để ra quyết định xuống tiền, người mua rồi cũng nhấp nhổm chờ chính sách để đăng ký xe cho kịp thời gian quy định.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, doanh số bán hàng nửa đầu năm nay giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 134.884 xe. Lượng xe bán ra có dấu hiệu phục hồi trong tháng 5 và tháng 6, nhưng tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024 tiêu thụ ô tô trong nước vẫn giảm 2% so với 6 tháng đầu năm 2023 và thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19.

'Nín thở' đợi chính sách giảm lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp
Doanh số xe ô tô tại Việt Nam giảm từ đầu năm 2024. Ảnh: Ford

Cùng với các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kích cầu thị trường trong nước là một trong những mục tiêu được Chính phủ triển khai nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô. Với ngành sản xuất ô tô, để kích cầu thị trường, chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ được Chính phủ đề cập và giao Bộ Tài chính nghiên cứu, thực hiện.

Trước đó, cuối tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 12/CT-TTg về các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, giao Bộ Tài chính nghiên cứu về một số nội dung. Trong đó có giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Trước khi xây dựng dự án Nghị định, ngày 17/6/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã họp với các Bộ về thống nhất chủ trương xây dựng dự án Nghị định và Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 264/TB-VPCP ngày 19/6/2024 của thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khải giao Bộ Tài chính “... hoàn thiện hồ sơ Nghị định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước..."

Với thông tin đó, thị trường bước vào giai đoạn chững ở tháng 5 khi người dùng ôm tâm lý chờ đợi chính sách từ Nhà nước, bất chấp các chương trình khuyến mãi lớn từ hãng xe cũng như đại lý. Số đông khách Việt kỳ vọng thời điểm áp dụng chính thức sẽ bắt đầu từ tháng 6.

Sang tháng 6, có thông tin lệ phí trước bạ cho các dòng xe nội địa có khả năng chính thức được giảm 50% từ đầu tháng 7. Khách Việt rục rịch chốt mua xe nhằm hưởng ưu đãi kép, do lo ngại các hãng xe và đại lý sẽ cắt khuyến mãi sau khi có quyết định giảm trước bạ.

Thế nhưng, đến cuối tháng 6, Bộ Tài chính mới đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước từ ngày 1/8/2024 và kéo dài đến hết ngày 31/1/2025.

Theo đó, tín hiệu của thị trường ô tô cũng đã bắt nhịp với việc ''hóng'' chính sách mới. Sau 1-2 tháng tăng trưởng nhẹ thì tháng 6 tiêu thụ ô tô có mức tăng thấp hơn tháng 5 và sang tháng 7, theo một số đại lý, doanh nghiệp ô tô: ''thị trường giảm hẳn sức mua để đợi được giảm lệ phí trước bạ vào tháng 8''.

Trước nhiều thông tin Chính phủ có thể ban hành chính sách giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vào tháng 8/2024, nhiều khách hàng có nguyện vọng được hưởng ưu đãi kép, dẫn đến sức mua của toàn thị trường ô tô rơi vào cảnh trầm lắng bởi khách hàng có xu hướng chờ chính sách chính thức có hiệu lực.

Thông qua khảo sát tại một số đại lý Toyota trên địa bàn Hà Nội, nhân viên cho biết rằng việc người tiêu dùng chờ đợi chính sách giảm lệ phí trước bạ sẽ có một số lợi ích nhưng cũng đi kèm những thách thức.

Ngoài ra, một số khách hàng trong thời gian qua đã lựa chọn mua đứt xe từ đại lý nhằm có những ưu đãi sớm từ hãng xe. Đồng thời chờ ngày chính sách giảm lệ phí trước bạ có hiệu lực để đăng ký nhằm hưởng ưu đãi kép. Điều này khiến người mua xe quyết định chậm đăng ký.

Trao đổi với ông Trịnh Thanh Lâm, 60 tuổi, trú tại quận Đống Đa cho biết: ''Cuối tháng 6 vừa rồi, khi có thông tin giảm 50% lệ phí trước bạ có thể được thông qua, tôi đã mua chiếc sedan Honda City. Theo tính toán, nếu chính sách giảm lệ phí trước bạ có sớm, tôi sẽ làm thủ tục đăng ký lăn bánh vào đầu tháng 7. Tuy nhiên, khi đợi mãi chưa có thông tin mới, mà sợ bị phạt, nên tôi đã vội đi đăng ký xe mới sớm. Vậy là mong muốn được hưởng ưu đãi kép đã đổ bể''.

Thực tế, không riêng gì ông Lâm mà nhiều người quyết định mua xe và đang chậm đăng ký để chờ chính sách mới cũng lo ngại có thể bị phạt vì chưa tiến hành đăng ký biển số trong thời hạn 30 ngày theo quy định.

Tạo sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại

Để tạo đòn bẩy phục hồi ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng nêu quan điểm, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn, việc tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian thích hợp là cần thiết và phù hợp.

Điều này sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho do tình hình kinh tế khó khăn, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, góp phần giúp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sớm vượt qua khủng hoảng và phát triển.

'Nín thở' đợi chính sách giảm lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp
Chính phủ từng nhiều lần áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước nhằm kích cầu thị trường. Ảnh: HVN

Thực tế, từ năm 2020 đến nay, Chính phủ từng 3 lần áp dụng chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Lần đầu tiên áp dụng vào nửa cuối năm 2020, lần thứ hai từ tháng 12/2021 - 5/2022, lần thứ ba là vào nửa cuối năm 2023.

Dữ liệu chỉ ra trong 6 tháng cuối năm 2020 khi áp dụng chính sách kể trên, lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu hơn 200.000 xe, tăng gấp 2 lần so với 6 tháng đầu năm. Trong lần thứ 2 giảm lệ phí trước bạ, doanh số bán xe toàn thị trường đạt mức kỷ lục hơn 400.000 xe vào năm 2022.

''Kinh nghiệm triển khai chính sách này trong thời gian qua đã góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp thông qua việc trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu ô tô, từ đó kích thích nhu cầu, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ô tô phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất, kinh doanh. Qua đó, chính sách đã hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà phân phối tiêu thụ lượng ô tô tồn kho qua các năm'', đại diện Cục Công nghiệp nêu.

Về chính sách giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: ''Bộ Tài chính vẫn có thể cân đối ngân sách khi giảm lệ phí trước bạ cho ô tô, sản xuất, lắp ráp trong nước. Vì nếu chính sách này được áp dụng, lượng người mua xe tăng lên, từ đó mức thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp có thể cao hơn''.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thường Lạng nhận định rằng khi doanh số ô tô lắp ráp trong nước tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp có cơ hội mở rộng quy mô sản lượng, có nhiều xe mới đưa vào thị trường, đáp ứng nhu cầu nội địa, hướng tới xuất khẩu sang khu vực ASEAN. Từ đó giúp công ăn, việc làm của công nhân được ổn định.

Ngoài ra, bên cạnh chính sách giảm lệ phí trước bạ để kích cầu thị trường, các chuyên gia trong ngành sản xuất ô tô Việt Nam nhận định rằng cần có một phương án chính sách dài hơi, bền vững hơn để giải quyết vấn đề một cách toàn diện. Điển hình như việc Chính phủ nghiên cứu thêm những chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ô-tô trong nước. Điều này sẽ giải quyết vấn đề giảm giá thành cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước vì tăng được tỷ lệ nội địa hóa, dễ dàng tiếp cận khách hàng trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay.

Trên thực tế, Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 về việc Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và Quý III năm 2024 nêu rõ Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính Khẩn trương nghiên cứu tác động, hoàn thiện, đề xuất chính phủ Nghị định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 7 năm 2024.

Tiếp đến, theo văn bản báo cáo của Văn phòng Chính phủ ngày 29/7 về dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính có tờ trình số về việc giảm lệ phí trước bạ 50% từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/1/2025.

Với các động thái kể trên, người tiêu dùng kỳ vọng nhiều khả năng chính sách giảm lệ phí trước bạ vẫn có thể được áp dụng trong thời gian tới.

Duy Anh - Trần Đình

Theo: Báo Công Thương