Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Nguyễn Thị Huyền, TP Vĩnh Long.
Vừa về đến nhà, Ngọt dựng chiếc xe đạp vào một góc, thay vội bộ đồ rồi lấy con dao nhỏ, cắp nách cái bao đi xuống xuồng bơi ra mé sông cắt rau cho mấy con heo trong chuồng. Ngày nào cũng vậy, công việc này đã thành thói quen từ khi Ngọt mới học lớp sáu. Thường thì Ngọt từ trường về, cơm nước dọn dẹp xong, Ngọt mới thư thả đi cắt thêm rau trai, rau muống nước, rau mát… bỏ đầy một bao đem về, tắm rửa heo xong sạch sẽ, Ngọt mới thả rau vào chuồng cho heo “thưởng thức”, nhưng hôm nay Ngọt vội vội vàng vàng, ngày mai cân bán heo, thương lái đến thỏa thuận giá cả rồi, Ngọt muốn cho heo ăn ngon ngày cuối trước khi xuất bán. Lần nào bán heo Ngọt cũng buồn, không hiểu sao Ngọt rất yêu mến con vật này, có lẽ do Ngọt được tiếp xúc với nó từ khi còn bé.
Hồi nhỏ, má mua đồ chơi cho Ngọt, nhưng Ngọt chỉ thích chơi duy nhất đàn heo bằng nhựa, một con heo mẹ và sáu, bảy heo con. Tuy là đồ chơi nhưng người ta làm hệt như con heo thật. Nước da nó hồng hồng, chấm phá vài đốm màu đen trông giống như cái áo bông, bốn chân ngăn ngắn, cái bụng phệ sà xuống muốn đụng đất, con mắt đen to tròn, lông nheo đậm, dài, cong vút, cái mũi hếch lên, cái mặt luôn tươi cười, đôi má phớt hồng nhìn rất dễ thương. Ngọt thắc mắc trên lưng con heo mẹ có một đường rãnh nhỏ ở giữa, má nói chỗ đó người ta chừa để bỏ tiền tiết kiệm vào, Ngọt nghe nhưng chưa hiểu, hỏi má “tiền tiết kiệm” có khác với tiền má xài hằng ngày không vậy (?!). Má nói lớn lên khắc biết.
Gia đình Ngọt thuần nông. Ngoài công việc chính làm ruộng, làm vườn, má nuôi thêm vài con heo để ăn cơm thừa, canh cặn. Hôm bữa má mua hai chú heo con đem về, Ngọt cứ ra chuồng ngắm hoài. Con heo thật này nó còn hấp dẫn hơn con heo nhựa nữa, nó biết đi tới đi lui, cái đuôi ngoắc qua ngoắc lại, thấy Ngọt đứng tựa chuồng nó chồm lên kêu eng éc. Má đổ thức ăn, nó tranh nhau ăn thấy mà thương. Ăn xong nó nằm phè ngửa bụng ra ngủ. Nhìn cái bụng căng tròn nhịp nhàng lên xuống theo hơi thở khì khì, Ngọt thấy nó hiền lành sao ấy! Mỗi ngày Ngọt ra vô thăm chuồng heo mấy bận, nhìn riết quen mắt, con heo lớn hồi nào Ngọt chẳng hay. Nhớ má mua cách nay không lâu mà giờ nó muốn bự hơn Ngọt rồi. Ngọt thấy má cầm sợi dây vòng qua bụng con heo, rồi đo dài lưng của nó, xong má tính tính gì đó rồi má nói: “Chắc vô tạ rồi!”.
Vài ngày sau, Ngọt thấy có một chiếc xuồng máy ghé bến nhà Ngọt, có ba, bốn người đàn ông, người cầm cân, người cầm dây đi ra chuồng heo. Họ vô chuồng bắt heo trói lại, cân heo rồi khiêng xuống xuồng. Họ đưa cho má một xấp tiền. Con heo kêu la còn Ngọt thì la khóc, đòi “chú chệt” trả lại heo. “Chú chệt” vội vã đi nhanh xuống xuồng, máy nổ, xuồng chạy đi rồi, Ngọt vừa khóc vừa chạy dọc theo bờ kênh, ra tới ngoài vàm, chiếc xuồng “chú chệt” chạy băng qua sông lớn, Ngọt ngồi trên bờ khóc mãi nhìn theo, đến khi chiếc xuồng khuất tầm nhìn thì Ngọt mới chịu vô nhà. Năm đó Ngọt học lớp ba, lớp bốn gì đó. Chứng kiến cảnh đó, má không chịu nỗi, nên những lần sau, má kêu “chú chệt” đến cân heo lúc Ngọt đang ở trường. Về nhà, thấy cặp heo không còn, Ngọt biết má đã bán cho “chú chệt” rồi, tuy Ngọt không la khóc như hồi còn nhỏ nữa nhưng Ngọt cũng buồn mấy hôm mới trở lại bình thường.
Má nuôi heo theo kiểu nối đuôi, mỗi lần mua chỉ một cặp thôi. Nuôi được vài tháng heo con lớn thành heo lứa thì má mua thêm hai con heo con khác. Bằng cách này, cứ vài tháng là má có heo xuất bán. Từ lúc Ngọt học lớp sáu đến giờ đã lớp mười hai, Ngọt cũng không nhớ má xuất chuồng bao nhiêu lần rồi, nhưng lần nào Ngọt cũng nghe má nói lời. Mấy cô, mấy dì trong xóm kêu má chỉ bí quyết, má nói gọn ơ: “Lúa nhà chà gạo lấy tấm, cám nấu cho heo, rồi trộn thêm chuối cây, rau rác chứ ít khi tốn tiền mua thức ăn lắm, chỉ tốn công chút chút thôi chứ có tốn tiền bạc gì nhiều”.
Má nói nghe nhẹ hều vậy nhưng thực ra má bỏ công chăm sóc rất nhiều. Mỗi chiều má đi cắt sẵn một ôm môn nước hoặc thân cây chuối vừa thu hoạch buồng để sẵn trong nhà. Sáng sớm, má bắc nồi thật lớn nấu tấm đủ cho heo ăn ba bữa trong ngày. Trong khi nấu tấm, má xắt mỏng môn nước hoặc chuối cây, đến khi nồi tấm gần chín má trộn cám, môn nước hoặc thân chuối cây vào thành một hỗn hợp đặc sệt, khi cho heo ăn má trộn thêm nước vo gạo và một ít thức ăn cho có mùi hấp dẫn heo ăn được nhiều. Mỗi ngày, Ngọt nhận nhiệm vụ đi cắt rau trai, rau muống, rau lục bình, … bổ sung thêm cho heo mau lớn. Thỉnh thoảng, Ngọt còn lấy trứng gà trộn vào thức ăn “bồi dưỡng” cho heo. Nhờ chăm sóc kỹ nên heo rất ít khi bị bệnh, thương lái mua heo nhà Ngọt họ cũng ưng lắm, khen heo tốt nên thường trả cao giá hơn thị trường một chút, có điều “chú chệt” cứ nhắc hoài chuyện lần đầu tiên mua heo nhà Ngọt, thấy con nhỏ có chút xíu nó khóc mà đứt ruột, nghĩ như mình làm điều gì có lỗi với nó vậy.
***
- Sao đi học về không ăn cơm mà đi cắt rau vậy Ngọt?
Má nói vọng theo khi thấy Ngọt mở dây xuồng xô ra khỏi bến nước. Ngọt ngồi thụp xuống xuồng, cái nón lá che khuất gương mặt không để má nhìn thấy, trả lời:
- Con không đói.
Má nhìn theo dáng Ngọt bơi xuồng mà trong lòng không vui. Ngọt là con của má mà, trong mình nó mang gen di truyền của má đó chứ. Má có khác gì nó đâu, mỗi lần bán heo là má cũng mất ngủ, má còn mến tay, mến chân hơn Ngọt nữa là đằng khác, nhưng má không để lộ ra ngoài cho Ngọt thấy. Ở thôn quê, ngoài nuôi heo má có biết làm gì khác. Nếu có, má đã chuyển nghề rồi, khỏi phải chứng kiến mỗi lần bán heo là con nhỏ buồn thiu. Còn nếu sợ nó buồn mà không nuôi heo thì lấy tiền đâu để dành cho nó ăn học. Bằng mọi cách má phải lo cho Ngọt học đại học, đó là mơ ước của má. Ngày xưa má rất ham học nhưng nhà nghèo nên má đành nghỉ học giữa chừng. Nhìn bạn bè cùng lứa lên huyện, lên tỉnh tiếp tục học, má cảm thấy bùi ngùi. Bởi vậy, má không để cho Ngọt giống như má, má đã có một sự chuẩn bị cho con đường học tập của Ngọt từ rất sớm.
Năm Ngọt học lớp sáu, má đã dạy cho Ngọt cách tiết kiệm. Má nghĩ, đây là một trong những đức tính tốt mà trẻ em cần phải có. Mỗi lần bán heo, má trích lại một số tiền để mua cặp heo giống và một ít thức ăn cho đợt nuôi tiếp theo, má cho Ngọt một ít mua quần áo, tập vở đầu năm học, phần còn lại má đưa Ngọt tự tay bỏ vào con heo nhựa. Má dặn Ngọt cất kỹ con heo, đây là tiền tiết kiệm má để dành cho Ngọt học đại học. Ngọt “à” một tiếng, thì ra “tiền tiết kiệm” là vậy, giờ thì Ngọt hiểu rồi. Má nói phải biết tích lũy dần dần tới khi Ngọt vô đại học đỡ lo chuyện tiền nong, an tâm học tập cho có nghề nghiệp ổn định, chân giày, chân dép với người ta, chứ học không tới đâu như má thì suốt ngày chân lắm, tay bùn.
Năm Ngọt vô lớp mười, thấy cái bụng con heo nhựa của Ngọt đã đầy, không nhét vô được nữa, má quyết định mỗ heo ra, đếm được cũng vài chục triệu, má nghĩ đến chuyện gửi ngân hàng. Thiệt tình, má chưa bao giờ đặt chân đến ngân hàng, vay tiền thì má không dám, liệu cơm gấp mắm, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, còn gửi tiền thì nào giờ đâu làm gì có tiền dư mà gửi. Bây giờ dành dụm được vài chục triệu như vậy đã là nhiều rồi, phải nghĩ đến gửi ngân hàng thôi. Nếu để ở nhà, nói xui, có ai đó trộm con heo nhựa đi mất thì kể như công cốc bao nhiêu năm. Mà chuyện đó thỉnh thoảng xảy ra, năm rồi, bạn con Ngọt nhịn ăn sáng, để dành tiền tiết kiệm trong con heo đất, dự định mua chiếc xe đạp mới. Con nhỏ để con heo đất trên góc học tập, chẳng biết ai vào nhà cuỗm đi của con nhỏ, Ngọt thấy bạn vô lớp khóc rấm rức rất tội nghiệp. Từ đó, Ngọt rút kinh nghiệm nên giữ con heo nhựa của nó rất kỹ, nhưng cũng hồi hộp. Bởi vậy nghe má nói gửi ngân hàng là Ngọt đồng ý liền, có nơi giữ tiền cho mình an tâm mà còn được nhận ít tiền lãi nữa.
Tối hôm đó, hai má con gói cục tiền vào trong mấy lớp giấy báo, bên ngoài còn gói cái áo để ngụy trang cho chẳng ai biết bên trong là tiền, cẩn thận bỏ vào trong giỏ xách quần áo. Sáng sớm, hai má con đi đò ra chợ huyện.
Đây là lần đầu tiên má và Ngọt tiếp cận ngân hàng. Bước vô cổng rào anh bảo vệ gật đầu chào mời vô phía trong. Có một anh bảo vệ khác đứng ngay cửa ra vào được làm bằng kính dày, mở cửa kính cho hai má con Ngọt vào. Cô nhân viên tư vấn tên Hạnh ngồi ở bàn đầu tiên mời má ngồi. Biết má là khách hàng lần đầu gửi tiền, cô Hạnh tư vấn cho má rất kỹ. Cô hướng dẫn má làm các thủ tục cần thiết. Ngọt ngồi ở ghế chờ.
Ngọt nhìn quanh, cảm nhận không khí nơi đây thật là dễ chịu. Đông người nhưng trật tự, không ồn ào. Tác phong làm việc của nhân viên rất chuyên nghiệp, đồng phục các cô giống hệt nhau, bảng tên đeo trước ngực, trông rất chỉn chu. Mỗi nhân viên ngồi một bàn có đánh số thứ tự riêng, trước mặt là một khách hàng. Nhân viên làm việc rất tập trung, họ chỉ trao đổi với nhau về công việc, không hề nghe họ nói chuyện riêng. Đặc biệt, họ nói năng rất nhỏ nhẹ với khách hàng, thái độ ân cần, lịch sự. Mặc dù khách hàng đông, nhân viên làm việc luôn tay nhưng không hề nghe họ nói một lời lớn tiếng.
- Xong rồi, về con!
Hai má con dắt nhau ra về. Ngồi dưới đò, Ngọt nghĩ về tương lai. Hai năm nữa Ngọt học xong lớp mười hai, Ngọt nhất định sẽ thi Đại học Ngân hàng. Ngọt rất thích môi trường làm việc chuyên nghiệp như thế.
***
Nghe tiếng lộp cộp dưới bến nước, má nhìn ra thấy Ngọt về tới, ôm cái bao đầy rau vô nhà. Má kêu Ngọt đi ăn cơm, từ nay chuyện heo cúi để cho má, Ngọt bây giờ lớp mười hai rồi, tập trung học hành để rồi còn thi đại học nữa.
Má hỏi:
- Con có dự định thi ngành gì chưa Ngọt?
- Dạ, con chọn ngành Ngân hàng, má thấy được hông má?
Má mừng rơn, không ngờ hai má con cùng một ý. Từ bữa đầu tiên vô ngân hàng về, má ước gì trong đội ngũ các cô nhân viên đó có Ngọt, nhưng má không nói ra, để cho Ngọt tự chọn nghề mình yêu thích. Má biết Ngọt rất phù hợp với công việc này, vì Ngọt học rất giỏi lại siêng năng, chăm chỉ, không ngại khó. Hơn nữa, Ngọt vốn là đứa con gái sống tình cảm, nói năng từ tốn, nhẹ nhàng với mọi người. Má trả lời Ngọt một cách quả quyết:
- Được quá đi chứ!
Má vui vẻ ôm bao rau ra chuồng cho heo ăn, nói với Ngọt:
- Vài năm nữa là cô nhân viên ngân hàng rồi, chắc không rảnh đâu mà buồn mấy con heo nữa hén.
NGUYỄN THỊ HUYỀN
Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|