Những sản phẩm nào được các nhà mua hàng quốc tế tìm kiếm tại Viet Nam International Sourcing

(Banker.vn) Các sản phẩm được quản lý, truy xuất nguồn gốc, sản phẩm thuộc chương trình trọng điểm, kinh tế tuần hoàn… sẽ là những mặt hàng được đặc biệt quan tâm tìm kiếm.
Khai mạc chuỗi sự kiện Viet Nam International Sourcing 2023 Viet Nam International Sourcing: Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Điểm đến quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu

Đây là thông tin được các nhà mua hàng trên thế giới đưa ra tại chuỗi sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Viet Nam International Sourcing 2023. Ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, Viet Nam International Sourcing là cơ hội để các nhà sản xuất của Việt Nam thể hiện năng lực sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm trên toàn cầu.

Theo ông Olivier Langlet, kể từ khi thành lập tại Việt Nam, hệ thống đã hợp tác với Bộ Công Thương để tạo ra sản phẩm xuất khẩu cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Cam kết này đã được thực hiện thông qua nhiều sáng kiến. Điển hình như hội thảo đào tạo nâng cao năng lực; Tuần lễ hàng Việt Nam ở Thái Lan….Trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong sản xuất nguyên liệu thô, nâng cao vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Những bước tiến này đã tạo điều kiện cho hệ thống trong việc sản xuất ra một loạt các sản phẩm chế biến, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng trên toàn thế giới.

Ông Olivier Langlet nhấn mạnh nông sản, thực phẩm sẽ là lĩnh vực trọng tâm mà Central Retail tích cực tìm kiếm đối tác bền vững tại Việt Nam. Theo đó, những sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm mới, tốt cho sức khỏe, có nguồn từ tự nhiên, canh tác hữu cơ; sản phẩm được quản lý, truy vết chất lượng sản phẩm qua công nghệ blockchain; sản phẩm thuộc chương trình trọng điểm, kinh tế tuần hoàn… sẽ là những sản phẩm được đặc biệt quan tâm tìm kiếm.

Những sản phẩm nào được các nhà mua hàng quốc tế tìm kiếm tại Viet Nam International Sourcing
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cùng các đại biểu tham quan gian hàng tại chuỗi sự kiện Viet Nam International Sourcing

Được biết, lượng thu mua hàng năm của tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan tại Việt Nam trung bình đạt khoảng trên 100 triệu USD/năm - bất chấp nhiều biến động phức tạp trên thị trường quốc tế trong suốt thời gian qua.

Đánh giá cao chuỗi sự kiện Viet Nam International Sourcing, ông Avaneesh Gupta - Phụ trách tìm nguồn cung ứng Hàng hóa và Trang phục tổng hợp siêu thị Walmart - cho biết, đây cơ hội thú vị để Walmart kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh hệ thống tiếp tục tìm kiếm sự đa dạng về chuỗi cung ứng và cung cấp các sản phẩm chất lượng cho khách hàng.

Ông Avaneesh Gupta cho rằng, Việt Nam là một trong những thị trường có nguồn cung ứng quan trọng nhất của Walmart và cũng là trung tâm tìm nguồn cung ứng trên khắp Đông Nam Á. Đội ngũ tìm nguồn cung ứng của hệ thống tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam trên toàn cầu, bao gồm sang Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Chile và Trung Quốc.

Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam bao gồm may mặc, các thiết bị phần cứng và đồ da dụng là sản phẩm được tập đoàn này tìm kiếm; đồng thời đơn vị cũng tích cực tìm kiếm/ thu mua các sản phẩm thực phẩm, bao gồm hải sản, hạt điều, sữa đậu nành, cà phê, trái cây tươi và đồ ăn nhẹ từ trái cây. "Chúng tôi mong muốn được tiếp xúc với nhiều nhà sản xuất nhằm khám phá các cơ hội tìm nguồn cung ứng nhiều sản phẩm hơn từ Việt Nam để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu ra toàn thế giới. Chúng tôi đánh giá cao người dân, người lao động, doanh nghiệp, nguồn tài nguyên Việt Nam đã giúp xuất khẩu các sản phẩm được sản xuất một cách có trách nhiệm trên toàn cầu”, ông Avaneesh Gupta nhấn mạnh.

Doanh nghiệp làm gì để tận dụng cơ hội

Theo ông Avaneesh Gupta thông tin, bên cạnh các nhà cung cấp truyền thống, đơn vị không ngừng tìm kiếm các nhà cung cấp mới nhằm đa dạng chuỗi cung ứng. Để lựa chọn nhà cung cấp, nhà bán lẻ này tập trung vào các tiêu chí như quy mô của nhà cung cấp cả về sản phẩm và về thị trường.

Những sản phẩm nào được các nhà mua hàng quốc tế tìm kiếm tại Viet Nam International Sourcing
Các doanh nghiệp kết nối B2B với nhà mua hàng

“Chúng tôi đang tìm kiếm các nhà cung cấp tốt nhất tại các thị trường trọng điểm. Điển hình như châu Âu là thị trường cung cấp dầu ô liu chất lượng cao hàng đầu. Ấn Độ dẫn đầu về chất lượng tôm và cá rô phi đông lạnh. Và Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về cung ứng may mặc cũng như ngày càng phát triển về điện tử”, ông Avaneesh Gupta nhấn mạnh.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên dữ liệu để đảm bảo nguồn cung. Điều này giúp đơn vị biết những nguồn cung sản phẩm nào có thể gặp rủi ro và đã phát triển các chiến lược giảm thiểu tác động của gián đoạn nguồn cung đối với người bán, để đảm bảo chúng tôi luôn có sản phẩm phù hợp trên kệ.

Trong khi đó, ông Lionel Adenot, Giám đốc Decathlon Viet Nam cho biết, Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành điểm đến mới trong chuỗi cung ứng đồ thể thao quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có tầm nhìn dài hạn. Trong kế hoạch trung hạn, doanh nghiệp phải sẵn sàng điều chỉnh, sửa đổi... theo sự thay đổi của thị trường. Hiện nay, Decathlon đang tìm kiếm những nhà cung cấp có tính tự chủ. Điều này giúp doanh nghiệp đáp ứng về tự chủ nguồn cung. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải có sự chuyển biến. Đầu tiên là chuyển đổi số trong sản xuất. Doanh nghiệp phải sử dụng kho tự động, hệ thống truy xuất nguồn gốc chất lượng RFID, giám sát năng lượng,... Đây chỉ là một vài ví dụ về những gì các doanh nghiệp phải làm.

“Chúng ta phải tư duy kỹ thuật số và vì vậy việc phát triển văn hóa và tư duy kỹ thuật số là vấn đề cấp bách đối với các nhà cung cấp Việt Nam”, ông Lionel Adenot khẳng định.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần rút ngắn thời gian giao hàng bởi điều này sẽ giúp các hệ thống phân phối linh hoạt trong việc dự báo nguồn cung và doanh số bán hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, do việc sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ sẽ giúp giảm rủi ro về đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như nâng cao khả năng tận dụng các sản phẩm xanh.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải tiếp tục giảm thiểu tác động đến môi trường thông qua việc giảm phát thải. Năm 2022, lượng khí thải CO2 trong hoạt động sản xuất ở Việt Nam của doanh nghiệp đã giảm 17% so với năm 2019 và 10% so với năm 2021. Sang năm 2023, doanh nghiệp tiếp tục giảm phát thải thông qua việc chuyển hoàn toàn sang năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời và sinh khối. “Đối với tôi đây là những điều kiện để Việt Nam trở thành điểm đến mới trong chuỗi cung ứng đồ thể thao quốc tế”, ông Lionel Adenot nhấn mạnh.

Hà Linh - Ngọc Thùy

Theo: Báo Công Thương