Những bài học trên con đường đầu tư

(Banker.vn) Người ta nói khi bạn chưa thuộc bài thì cuộc sống sẽ bắt bạn học mãi bài học đó. Điều này quả là đúng với tôi - một người thừa xông pha nhưng lại thiếu kiên nhẫn. Dù là đầu tư vàng, bất động sản hay chứng khoán, việc xác định mục tiêu và kiên định với mục tiêu đó luôn quan trọng. Dưới đây là 3 bài học tôi đúc kết ra trong quá trình đầu tư.

Đầu tư chứng khoán nên là một chặng đường dài

Gượng dậy sau thua lỗ và bài học của tôi - một F0

Chứng khoán không phải là một "cuộc chơi"

Bài học đầu tiên: Đầu tư là công việc dài hơi

Người dạy tôi bài học đầu tiên về quản lý tài chính và đầu tư cho tương lai là thím út, lớn hơn tôi chỉ vài tuổi. Thím tôi vất vả từ bé, nhà nghèo trong một vùng quê cũng nghèo, lên cấp 2 đã phải nghỉ học. Lớn lên thím lấy chú tôi, cũng nhà nghèo tay trắng, hai vợ chồng từ quê vào Bình Dương làm ăn gồng gánh nuôi hai đứa con ăn học.

Chú thím tôi làm công nhân, về sau, thím tôi nhận giúp việc nhà và đưa đón con đi học cho những gia đình hàng xóm và người quen để vừa có thu nhập, vừa có thời gian cho gia đình. Thím giữ chi tiêu gia đình đầy đủ nhưng không hoang phí, các cháu đến nhà luôn được tiếp đón nồng hậu.

Trong đầu tư, việc xác định mục tiêu và kiên định với mục tiêu đó luôn quan trọng. Ảnh minh họa
Trong đầu tư, việc xác định mục tiêu và kiên định với mục tiêu đó luôn quan trọng. Ảnh minh họa

Tháng nào cũng vậy, dư được đồng nào là thím lại ra tiệm mua vàng cất giữ. Thu nhập bấp bênh nên có khi mua được một, hai chỉ vàng, có những tháng chỉ được vài lai, nhưng người phụ nữ tần tảo đó vẫn kiên trì với chiến lược của mình: hễ có tiền dư là mua vàng và cất giữ. Bài học thím chỉ cho tôi đơn giản đúng như con người thím, nhưng lại cần sức mạnh lớn của lòng kiên trì và sự kỷ luật để thực hiện.

Trải qua thời gian ở bên thím, tôi đã chứng kiến chú thím tôi từ hai bàn tay trắng đi lên có nhà, có xe, giỏi nhất là luôn có danh mục dự trữ dù trong những ngày tháng khó khăn… Sự nể phục nhất tôi dành cho thím tôi, người phụ nữ chưa học hết cấp 2 nhưng lại biết kiên trì với mục tiêu của mình và thực hiện nó qua năm tháng.

Bài học thứ hai: Đầu tư cần đúng chỗ, đúng lúc và nhà đầu tư cần rất nhiều sự kiên nhẫn

Người dạy tôi bài học thứ hai lại chính là chồng tôi. Trước khi bước vào hôn nhân, chúng tôi cùng đồng ý sẽ độc lập về tài chính. Ngoài số tiền chung để chi tiêu trong gia đình, chúng tôi có tài sản riêng và tự do quyết định phần tài sản của mình. Tôi là mẫu người phụ nữ tự lập, và tự do tài chính cũng như tự do về lối sống, sở thích, ăn mặc…đối với tôi cũng cần như không khí để thở, cơm để ăn, nước để uống.

Tôi luôn luôn sốt ruột, không muốn tiền của mình nằm yên. Đi làm có tiền tiết kiệm tôi sẽ ngay lập tức mua nhà, mua đất. Cầm sổ trong tay, tôi sẽ cố gắng bán ngay, miễn có lời. Trái ngược lại, ông xã tôi chăm chỉ làm việc nhưng lại sống nhởn nhơ, tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng. Tôi có cảm giác như mình sống cùng một “ông” mèo lười, chỉ “nằm dài, sưởi nắng và ngẫm nghĩ”.

Nhưng khi vừa thấy một cơ hội tới, thì con mèo lười đột ngột vươn vai, hiện nguyên hình một con báo săn mồi. Quyết định được đưa ra nhanh chóng, dứt khoát và “miếng mồi ngon” trở thành mục tiêu không chấp nhận mọi sự từ bỏ.

Tôi vẫn nhớ căn nhà ven biển lần đầu tiên gặp chúng tôi đã rất thích. Người chủ nhà nửa muốn bán, nửa muốn không, để thúc đẩy việc mua bán, ông xã tôi sẵn lòng trả cao hơn giá thị trường. Lúc này người chủ nhà lại đòi số tiền cọc lớn hơn thông thường nhiều lần, đủ để trả nợ lấy sổ đỏ ra khỏi ngân hàng. Nếu tôi là người đứng mua, có thể tôi đã từ bỏ, nhưng chồng tôi vẫn kiên trì mua bằng được căn nhà. Sau nhiều thử thách, ngôi nhà mới trở thành sở hữu của anh.

Ngay sau khi mua được món hàng mong muốn, anh lại trở lại phong thái nhởn nhơ, không nhìn ngang dọc, cũng chẳng vội bán đi, mặc dù đất đai cứ tăng lên qua từng năm. Cứ như vậy trải qua vài năm, chúng tôi vừa sống vừa kinh doanh ở ngôi nhà ven biển, cho tới khi có nhu cầu về lại thành phố để con đi học cho tiện, lúc này anh mới quyết định bán.

Nhờ vào vị trí quá đắc địa của căn nhà, mặt tiền rộng nhìn thẳng ra biển, giấy tờ đầy đủ, quy hoạch rõ ràng, anh dễ dàng bán được căn nhà thu về số lợi nhuận gấp 4 lần tiền vốn. Quả là một bài học đáng giá cho tôi, người mua mua - bán bán rất rôm rả bận rộn, nhưng lợi nhuận thu lại trong thời gian đó chưa tới 1,5 lần vốn.

Bài học từ sự thất bại: Thời điểm là tiền bạc

Tôi còn được học nhiều bài học thứ ba, thứ tư, thứ năm tới thứ n khác về đầu tư tài chính; từ sách vở và từ bạn bè. Tôi đã phải học bài học về tính kiên nhẫn nhiều lần, và những bài học đáng nhớ nhất, có lẽ luôn là bài học từ sự thất bại của chính mình, lần này trên một sân chơi mới: thị trường chứng khoán.

Bạn thấy đấy, với tính cách mua bán đất đai mà còn nhanh như bán quần áo, thì tôi mua bán cổ phiếu còn nhanh tới mức nào! Biết bao lần tôi hớn hở với số lãi nhỏ mình thu được từ một mã cổ phiếu yêu thích, để rồi ngậm ngùi cay đắng khi thấy cổ phiếu mình bán đi cứ lừng lững đi lên như một cỗ xe tăng!

Mã cổ phiếu hay troll tôi nhất có lẽ là BSR. Cứ mỗi lần tôi bán BSR sau một thời gian cầm, vui vẻ với số lãi vài phần trăm, thì ngay hôm sau, BSR sẽ dạy tôi bài học bằng cách tăng trần một hai phiên. Thị trường chứng khoán thật là một người thầy rất biết cách làm cho học trò nhớ mãi không quên.

Một mã cổ phiếu khác cũng dạy tôi bài học đáng đời về tính kiên nhẫn, đó là cổ phiếu quốc dân HPG. Quý 3 năm 2020, sau khi tìm hiểu rất nhiều, tôi đã quyết định “all in” vào mã cổ phiếu này. Tôi rất an tâm với mã cổ phiếu mình chọn, nó được coi là cổ phiếu hoa hậu vào thời điểm đó với các chỉ số tài chính lành mạnh và lãnh đạo có tâm, có tầm. Thế nhưng tôi lại không kiên định với lựa chọn của mình.

Tháng 11 năm 2020, tôi bán cổ phiếu ở giá 17000 đồng/ cổ phiếu, lãi hơn 10%, nhưng sau đó chứng kiến HPG liên tục tăng trưởng và một năm sau đạt tới giá 44.000 đồng/cổ phiếu…Một năm tôi bận rộn bán mua, nghiên cứu,…lợi nhuận cuối cùng thua xa việc chỉ ngồi và chờ đợi. Ai có thể làm ta nhớ mãi bài học về thời điểm bán hợp lý hơn là chính thị trường và sự lạnh lùng của nó?

Thời điểm bán cổ phiếu đã quan trọng, nhưng thời điểm mua cũng quan trọng không kém. Vào tháng 4/2022, thị trường chìm trong sắc đỏ. Tôi đã thành công khi nắm giữ danh mục toàn tiền mặt vào thời điểm thị trường bắt đầu đi xuống. Vậy nhưng chỉ sau vài phiên lao dốc, tôi vội vàng giải ngân với một loạt mã cố phiếu blue chip được lựa chọn kỹ càng, P/E đẹp, doanh nghiệp tốt; để rồi cũng tự mình xếp mình vào hàng ngũ những chứng sĩ đu đỉnh trong một thời kỳ được coi là đáng nhớ. Bài học này các chứng sĩ thường gọi là “đúng người, sai thời điểm”; nó cũng trớt quớt và đáng rơi nước mắt chẳng khác gì “sai người, đúng thời điếm”.

Trên đây là một vài bài học nhỏ nhưng đáng nhớ nhất của tôi trên con đường đầu tư tài chính. Người ta nói khi bạn chưa thuộc bài thì cuộc sống sẽ bắt bạn học mãi bài học đó, quả là đúng với tôi, một người thừa xông pha nhưng lại thiếu kiên nhẫn. Dù là vàng, bất động sản hay chứng khoán, việc xác định mục tiêu và kiên định với mục tiêu đó luôn quan trọng.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Tôi là nhà đầu tư" năm 2022 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức. Toàn bộ các bài viết được đăng tải trên fapage: Tôi là nhà đầu tư , mời độc giả like page và tương tác cùng các nhà đầu tư.

Bạn đọc có thể gửi bài viết dự thi vào địa chỉ Email: [email protected];. Tác phẩm dự thi ghi rõ trên tiêu đề thư khi gửi email: Bài tham dự cuộc thi viết “TÔI LÀ NHÀ ĐẦU TƯ".

Nguyễn Thu Phương (Hà Nội)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục