Nhựa Đông Á (DAG) lên tiếng về việc chậm nộp BCTC, cam kết sớm đưa cổ phiếu về trạng thái bình thường

(Banker.vn) Nhựa Đông Á (DAG) đang trải qua giai đoạn đầy khốn đốn, năm 2023 gánh lỗ kỷ lục và sang quý I/2024 tình hình chưa khá khẩm hơn. Gần một nửa nhân sự đã ra đi.
Nhựa Đông Á chóng mặt chuyện tăng vốn Nhựa Đông Á khánh thành nhà máy sản xuất thanh Profile uPVC DAG: Khẳng định uy tín trong lĩnh vực sản xuất thanh Profile

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) ra quyết định chuyển cổ phiếu DAG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch từ ngày 24/5/2024.

Như vậy, cổ phiếu DAG sẽ chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận.

Nhựa Đông Á (DAG) lên tiếng về việc chậm nộp BCTC, cam kết sớm đưa cổ phiếu về trạng thái bình thường
Hiện, giá cổ phiếu DAG đang giao dịch quanh vùng 2.600 đồng/cp, giảm khoảng 50% từ giữa năm 2023 và giảm gần 14% so với đầu năm 2024. Đây là vùng giá thấp nhất trong 10 năm qua của mã này (Ảnh: Nhựa Đông Á)

Nguyên nhân do Nhựa Đông Á chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 quá 45 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị hạn chế giao dịch theo quy định.

Ngày 24/5, sau khi nhận được quyết định của HOSE, Nhựa Đông Á đã lên tiếng giải trình trước các cổ đông. Ban lãnh đạo Nhựa Đông Á cho biết, nguyên nhân chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2023 là do Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY - đơn vị lần đầu thực hiện kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính của Nhựa Đông Á nên cần nhiều thời gian để tìm hiểu, rà soát lại hồ sơ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo của Nhựa Đông Á và đơn vị kiểm toán đi công tác cũng ảnh hưởng đến việc trao đổi, thống nhất số liệu.

Đặc biệt, phòng kế toán của Nhựa Đông Á có biến động về nhân sự, nhân sự mới chưa nắm bắt hết công việc dẫn đến phối hợp với đơn vị kiểm toán chưa kịp thời. Lý do này đưa ra trong bối cảnh Nhựa Đông Á đang mạnh tay cắt giảm nhân sự, hơn 50% lao động đã ra khỏi doanh nghiệp trong năm 2023, giảm từ 290 người xuống còn 150 người.

Doanh nghiệp cam kết sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn, đảm bảo tuân thủ đúng quy định về công bố thông tin để sớm đưa cổ phiếu ra khỏi diện hạn chế giao dịch, diện kiểm soát và diện cảnh báo. Dự kiến trong tháng 6 tới, Nhựa Đông Á sẽ nộp và công bố thông tin BCTC sau khi hoàn thành.

Trên thực tế, Nhựa Đông Á đang trải qua giai đoạn đầy khốn đốn. Năm 2023, doanh nghiệp gánh khoản lỗ sau thuế kỷ lục hơn 257 tỷ đồng (trong khi năm trước lãi hơn 7,3 tỷ đồng); doanh thu giảm gần một nửa xuống 1.204 tỷ đồng, và kinh doanh dưới giá vốn là nguyên nhân dẫn tới sự sa sút này của Nhựa Đông Á.

Là đơn vị chuyên sản xuất, phân phối các sản phẩm về nhựa phục vụ trong lĩnh vực bất động sản, Nhựa Đông Á đã hứng chịu tác động rất lớn khi thị trường này rơi vào trạng thái khó khăn trong các năm qua.

Bước sang quý I/2024, tình hình vẫn không khá khẩm hơn, Nhựa Đông Á ghi nhận doanh thu tiếp tục giảm mạnh xuống còn 30 tỷ đồng; lỗ gộp 11 tỷ đồng và hệ quả doanh nghiệp báo lỗ ròng hơn 15 tỷ đồng.

Nhựa Đông Á cho biết, kết quả kinh doanh thua lỗ do chủ yếu trong quý doanh nghiệp không phát sinh doanh thu do đang trong giai đoạn cơ cấu, tái cấu trúc doanh nghiệp. Vì vậy, Nhựa Đông Á tạm dừng mọi hoạt động để thiết lập lại hệ thống kinh doanh, nhân sự và các vấn đề khác liên quan nhằm tối ưu hoá chi phí trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Hiện, giá cổ phiếu DAG đang giao dịch quanh vùng 2.600 đồng/cp, giảm khoảng 50% từ giữa năm 2023 và giảm gần 14% so với đầu năm 2024. Đây là vùng giá thấp nhất trong 10 năm qua của mã này. Giá cổ phiếu thấp còn khiến những kế hoạch huy động vốn của Nhựa Đông Á bị gác lại và chưa biết đến khi nào được tái khởi động.

Ánh Dương

Theo: Báo Công Thương