Nhu cầu tăng cao, doanh nghiệp đường sắt “bội thu” mùa du lịch

(Banker.vn) Vừa qua, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội (UPCoM: HRT) đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023 và lũy kế 6 tháng đầu năm với kết quả kinh doanh khởi sắc.
Nhu cầu tăng cao, doanh nghiệp đường sắt “bội thu” mùa du lịch
Nhu cầu đi tàu hỏa tăng cao, ngành đường sắt “bội thu” mùa du lịch

Lợi nhuận 6 tháng tăng gấp đôi

Hết quý II/2023, Vận tải đường sắt Hà Nội ghi nhận doanh thu thuần đạt xấp xỉ 628 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, giá vốn hàng bán nhích nhẹ 5%, ở mức 550 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp có phần giảm sút, đạt 77 tỷ đồng, chỉ bằng 92% so với cùng kỳ năm trước.

Chi phí tài chính và chi phí quản lý cũng tăng nhẹ, lần lượt là 8% và 12%, ở ngưỡng 13 tỷ đồng và 9 tỷ đồng. Bù lại, kỳ này doanh thu hoạt động tài chính của Công ty tăng “vọt” gấp 3 lần so với quý II/2022, lên mức 2 tỷ đồng nhờ lấy lãi từ tiền gửi, cho vay và lãi bán ngoại tệ.

Sau khi khấu trừ hết các chi phí điều hành, Vận tải đường sắt Hà Nội ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II/2023 “đi ngang” so với cùng kỳ năm ngoái, đều đạt 25 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vận tải đường sắt Hà Nội đạt 1.258 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Kéo theo đó là lợi nhuận sau thuế của Công ty tăng gấp đôi so với 6 tháng đầu năm 2022, đạt 43 tỷ đồng.

Theo Quyết định Phê duyệt kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận và cổ tức của Công ty hồi tháng 4, Vận tải đường sắt Hà Nội đề ra kế hoạch năm 2023 đạt 2.454 tỷ đồng doanh thu và 550 triệu đồng lợi nhuận sau thuế. Riêng chỉ tiêu doanh thu đề ra dự kiến tăng khoảng 108% so với năm 2022.

Như vậy, tính tổng 2 quý đầu năm 2023, Vận tải đường sắt Hà Nội đã hoàn thành 51% tổng doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế với khoảng cách rất xa. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính 6 tháng đầu năm cũng đã vượt chỉ tiêu hơn 300 triệu đồng, đạt 4.322 tỷ đồng.

Nhu cầu tăng cao, doanh nghiệp đường sắt “bội thu” mùa du lịch
Kết quả kinh doanh của Vận tải đường sắt Hà Nội thời gian gần đây

Tính đến hết ngày 30/6/2023, Vận tải đường sắt Hà Nội có tổng cộng tài sản là 1.334 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với thời điểm đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm sâu, về mức 84 tỷ đồng, chỉ bằng 55% so với đầu quý I/2023.

Đáng chú ý, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh 110% so với số đầu năm, đạt 143 tỷ đồng, các khoản đầu tư dài hạn “đứng im” ở mức 753 triệu đồng. Tiếp theo đó là các khoản phải thu ngắn hạn cũng nhích nhẹ 2 tỷ đồng, đạt 98 tỷ đồng.

Về tài sản, các tài sản ngắn hạn và dài hạn đồng loạt giảm, lần lượt ở mức 4 tỷ đồng và 930 tỷ đồng, tương đương hạ xuống 4 lần và 5% so với đầu năm. Tài sản cố định cũng chỉ còn 873 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu quý I/2023, chiếm 65% tổng cộng tài sản.

Với các khoản nợ, Vận tải đường sắt Hà Nội đều đã “thu hẹp” bớt cả nợ ngắn hạn và dài hạn. Nợ ngắn hạn đạt 430 tỷ đồng, chiếm 32% tổng cộng nguồn vốn; nợ dài hạn đạt 440 tỷ đồng, chiếm 33% tổng cộng nguồn vốn.

Về nguồn vốn, so với thời điểm đầu năm, vốn góp của chủ sở hữu có tăng khoảng hơn 40 tỷ đồng, đạt 464 tỷ đồng, số lượng cổ phiếu vẫn giữ nguyên.

Trên sàn giao dịch chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 25/7, giá cổ phiếu của HRT ghi nhận ở mức 4.600 đồng/cp, gần như không có biến động trong vòng 3 tháng trở lại đây.

“Bội thu” mùa du lịch

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch Mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch). Đây là yếu tố quan trọng để ngành đường sắt hi vọng về một “bước nhảy ngoạn mục”.

Từ sau khi đại dịch COVID-19 được khống chế, ngành đường sắt Việt Nam nói chung và Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội nói riêng liên tục đón những tin vui từ nhu cầu du lịch bằng tàu hỏa. Có thể kể đến như tuyến đường sắt Bắc – Nam, tuyến Hà Nội – Hải Phòng trong thời gian vừa qua đã đóng góp rất nhiều cho doanh thu ngành đường sắt.

Điểm qua tình hình kinh doanh trong 5 tháng đầu năm 2023, đại diện chi nhánh vận tải đường sắt Hải Phòng (đơn vị thành viên của Vận tải đường sắt Hà Nội) cho biết lượng hành khách đi tuyến Hà Nội - Hải Phòng đạt tới trên nửa triệu (cụ thể là 554.126), tăng trưởng tới 190% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu so với 5 tháng đầu năm 2019 (trước dịch), lượng khách và doanh thu đã tăng gấp đôi.

Theo lãnh đạo ngành đường sắt, thời gian gần đây, vận chuyển hành khách bằng đường sắt chịu sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình vận tải, đặc biệt là hàng không và đường bộ khi các hãng thường xuyên giảm giá, tăng số lượng chuyến và đường bộ được nâng cấp. Tuy nhiên, với đặc tính riêng cùng chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cấp, du lịch đường sắt đang là sự lựa chọn mới mẻ và thu hút.

Bên cạnh việc đi du lịch, người dân hiện nay cũng lựa chọn tàu hỏa làm phương tiện để đi trải nghiệm, ngắm phong cảnh đường tàu. Có thể nói, Vận tải đường sắt Hà Nội như được “thay tấm áo mới” nhờ “cơn sốt foodtour” cũng như du lịch hè trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Cũng theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023 của Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, trong năm nay Công ty dự định chi khoảng gần 160 tỷ đồng cho những dự án đầu tư mới, chủ yếu là cải tạo nâng cấp toa xe, mua mới máy móc, thiết bị phục vụ sửa chữa tàu, dự án mở rộng liên doanh, liên kết…

Ngọc Bích

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán