Nhu cầu điện tăng cao mở ra nhiều cơ hội cho cổ phiếu ngành Năng lượng

(Banker.vn) Nhu cầu điện tăng nhanh trong trung và dài hạn mở ra nhiều cơ hội cho các lĩnh vực trong hệ thống điện.

Tình hình chung

Gần một thập kỷ trở lại đây, Việt Nam luôn nằm trong số các quốc gia dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm. Tốc độ tăng trưởng điện kép bình quân (CAGR) trong giai đoạn 2017 - 2022 đạt mức 6,8%/ năm. Đồng thời, với dự báo GDP Việt Nam tiếp tục tăng trưởng “ấn tượng” trong hai thập kỷ tới. Đây sẽ là nền tảng vững chắc cho động lực tăng trưởng nhu cầu điện trong tương lai.

Nhu cầu điện tăng cao mở ra nhiều cơ hội cho cổ phiếu ngành Năng lượng
Khai thác điện gió kết hợp điện mặt trời.

Trong kịch bản tích cực, theo ước tính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kép bình quân (CAGR) sản lượng điện Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025 có thể đạt 11,4%/ năm và CAGR giai đoạn 2025 - 2030 đạt mức 7,9%/ năm. Nhu cầu phụ tải tăng trưởng tích cực, bức tranh tổng quát ngành sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho tất cả các lĩnh vực trong hệ thống điện bao gồm: Tư vấn thiết kế, xây lắp, phát điện, truyền tải và phân phối điện.

Tại thời điểm cuối quý 3/2023, mực nước tại các hồ điều tiết năm và lưu lượng nước tại các lưu vực chính đang diễn biến khá thuận lợi nhờ sự xuất hiện của lũ tiểu mãn cuối tháng 6. Đồng thời, theo dự báo của Đoàn Ủy nhiệm Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), khả năng và mật độ tác động của pha El-nino sẽ có xu hướng giảm dần từ cuối 2023 và có thể đi vào pha trung tính từ cuối quý 2/2024. Những cở sở này kỳ vọng sẽ tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp năng lượng phát triển, đặc biệt là thủy điện trong 2024.

Về nguồn điện, các nguồn điện gió (CAGR giai đoạn 2022 – 2025: 40%, giai đoạn 2025 - 2030: 9,7%, giai đoạn 2030 - 2035: 12,3%) và nhiệt điện tua bin khí (CAGR giai đoạn 2025 - 2030: 27,4%, giai đoạn 2030 - 2035: 9,5%) được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức rất cao trong giai đoạn 2022 - 2045.

Tuy nhiên, để hai nguồn năng lượng này có thể đạt được sự bứt phá, cần phụ thuộc rất nhiều vào Chính phủ và Bộ Công thương trong việc sửa đổi và cải tiến các chính sách hỗ trợ phát triển các nguồn điện, đặc biệt là chính sách về cơ chế giá nhằm thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức kinh tế tư nhân. Ngoài ra, khả năng đồng bộ lưới điện truyền tải cũng là một vấn đề cần được chú trọng để có thể phát huy hiệu quả công suất đặt của các nguồn năng lượng tái tạo.

Một trong bốn mục tiêu lớn tại hội nghị thượng đỉnh (COP) 26 là giảm phát thải từ 2030, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng không (net-zero) vào năm 2050. Một trong những giải pháp đề ra là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nguồn năng lượng – thu hẹp sự phát triển của nguồn điện hóa thạch & gia tăng các nguồn năng lượng tái tạo. Ở góc độ vi mô, các tập đoàn đa quốc gia ngày càng chú trọng đến hoạt động sản xuất từ các nguồn năng lượng xanh và các nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ hội nhập khá nhanh, hiện đang đứng trước các cơ hội đón nhận dòng vốn FDI nhờ các lợi thế về chi phí sản xuất, sự tái phân bổ chuỗi cung ứng – sản xuất và thị trường tiêu thụ quy mô lớn – tăng trưởng nhanh. Do vậy, hoạt động tìm kiếm các nguồn năng lượng tái tạo cho nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp FDI dự báo sẽ ngày càng lớn hơn song song với quá trình hội nhập của nước ta trong các giai đoạn tới đây.

Các cổ phiếu chiến lược

Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2): Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của NT2 trở nên kém hiệu quả trong năm 2023 khi thị trường vẫn còn “ảm đạm” và hai hoạt động của nhà máy này: Một là, việc tu sửa nhà máy từ ngày 07/09 đến ngày 24/10. Hai là, sự ưu tiên huy động thủy điện và điện gió của trung tâm điều độ A0. Điều này có thể dẫn đến rủi ro giá cổ phiếu giảm trong ngắn hạn. Trong trung và dài hạn, qua năm 2024, do diễn biến gia tăng thủy điện và điện gió, doanh thu và lợi nhuận sẽ có chuyển biến tích cực hơn do thị trường tăng trưởng trở lại và một loạt cơ hội mở ra cho NT2.

Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCom: QTP): Đến cuối thời điểm 2Q23 dư nợ vay của QTP ở mức 704 tỷ đồng, với dòng tiền thanh toán nợ vay ròng khoảng 700 - 800 tỷ đồng/năm, dự kiến đến giữa 2024 QTP sẽ không còn đáng kể dư nợ vay trên báo cáo tài chính. Trên cơ sở này, dòng FCFE hàng năm của QTP sau 2024 có thể tăng mạnh lên mức 1.400 - 1.500 tỷ đồng, gấp 5,9 - 6,4 lần so với con số 236 tỷ đồng trong năm 2022.

Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (HOSE: GEG): Bước qua năm 2024, GEG sẽ hưởng lợi khá tốt từ Dự án Điện mặt trời Đức Huệ 2 và điện gió V.P.L 2 và dự án Điện gió Tân Phú Đông.

Với cơ hội phát triển trung và dài hạn của ngành năng lượng, KIS Securities đưa ra quan điểm đầu tư: “Dựa trên các phân tích về triển vọng, rủi ro và định giá, KIS khuyến nghị MUA đối với hai cổ phiếu NT2 (giá mục tiêu: 29,400 đồng, tỷ suất sinh lời +20%), và QTP (giá mục tiêu: 23.400 đồng, tỷ suất sinh lời +54%). Bên cạnh khuyến nghị NẮM GIỮ đối với GEG (giá mục tiêu: 13.000 đồng). Ngoài ra, chúng tối cũng đánh giá khả quan về tiềm năng tăng trưởng của POW từ cuối 2024, sau khi hai nhà máy NT3 và NT4 bắt đầu vận hành thương mại”

Dòng tiền phát tín hiệu rút khỏi thị trường, VN-Index tạo mô hình nến tiêu cực

Trong phiên giao dịch 10/10, dòng tiền bắt đầu có tín hiệu rút khỏi thị trường sau 14 giờ chiều.

Cùng chiều khối ngoại, tự doanh bán ròng hơn 200 tỷ đồng phiên 10/10

Phiên giao dịch ngày 10/10, cùng chiều với khối ngoại, bộ phân tự doanh các công ty chứng khoán ghi nhận bán ròng gần 204 ...

Cổ phiếu PIT tăng trần với thanh khoản thấp sau đà giảm sâu

Kết thúc phiên giao dịch sáng 9/10, cổ phiếu của Công ty CP Xuất nhập khẩu Petrolimex (HOSE: PIT) bất ngờ tăng trần sau đà ...

Mộng Diệp

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán