Nhu cầu đầu tư vào trái phiếu toàn cầu hứa hẹn tăng 1.000 tỷ USD trong năm 2023

(Banker.vn) Theo JPMorgan Chase & Co, cân bằng giữa cung và cầu trái phiếu sẽ được cải thiện và tình trạng tồi tệ trên thị trường trái phiếu toàn cầu có thể sớm kết thúc.

Nguồn cung trái phiếu trên toàn cầu dự kiến sẽ giảm khoảng 1.600 tỷ USD trong năm 2023, trong khi nhu cầu ước tỉnh chỉ giảm khoảng 700 tỷ USD, nhóm chiến lược gia của JPMorgan do Nikolaos Panigirtzoglou đứng đầu cho biết trong báo cáo mới nhất. Mức giảm 700 tỷ USD về nhu cầu là sự cải thiện đáng kể so với mức giảm 5.900 tỷ USD của năm ngoái.

Năm 2022 là một năm đáng quên nữa của thị trường trái phiếu toàn cầu. Xu hướng sụt giảm nhu cầu lan rộng và trái phiếu toàn cầu rơi vào thị trường “gấu” (thị trường giá giảm) lần đầu tiên sau một thế hệ (kéo dài khoảng 25 năm) trong bối cảnh các ngân hàng trung ương liên tục tăng lãi suất, đẩy lợi suất trái phiếu cũng như biến động lên cao. 

Trong khi mức lỗ của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn ngắn được giới hạn ở mức dưới 10%, mức giảm 23% trong lợi nhuận hàng năm của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tính đến tháng trước, theo Bank of America, là mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1788.

Chỉ số trái phiếu toàn cầu của Bloomberg đã giảm 16% trong năm nay và hướng tới mức giảm năm thứ hai liên tiếp lần đầu tiên kể từ năm 1990. Tuy nhiên, chỉ số ghi nhận tăng hơn 5% trong tháng 11 khi giới đầu tư bị thu hút bởi lợi suất cao vàkỳ vọng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới. 

Các ngân hàng trung ương bán bớt trái phiếu đã đẩy lợi suất lên cao hơn

“Sau sự suy giảm chưa từng thấy trong năm nay, chúng tôi kỳ vọng sự cân bằng giữa cung và cầu trái phiếu sẽ được cải thiện. Với việc giới phân tích tập trung vào triển vọng năm 2023, thị trường xuất hiện một số quan điểm nhận được nhiều sự đồng thuận rằng, tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát suy yếu sẽ góp phần kéo giảm lợi suất trái phiếu”, các chiến lược gia của JPMorgan lưu ý.

Theo đó, các ngân hàng trung ương có thể sẽ bán ra trái phiếu dự trữ thông qua chương trình thắt chặt định lượng vào năm tới, trong khi các ngân hàng thương mại cũng được cho là sẽ tiếp tục cắt giảm các lô trái phiếu đang nắm giữ. Mặt khác, nhu cầu từ các quỹ quản lý dự trữ ngoại hối hay quỹ hưu trí và nhà đầu tư cá nhân có thể sẽ tăng lên, hai đối tượng thường bị thu hút bởi lợi suất cao hơn.

JPMorgan cho biết thêm, việc nhu cầu ròng gia tăng trong năm 2023 có thể khiến lợi suất của những trái phiếu mà chỉ số trái phiếu tổng hợp toàn cầu được Bloomberg theo dõi giảm khoảng 40 điểm cơ bản, từ mức 3,52% hiện tại.

Quỳnh Dương

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục