Nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng; châu Âu “không ngại” thiếu khí đốt

(Banker.vn) IEA đã nâng ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 từ 850.000 thùng/ngày vào tháng 5/2023 lên mức dự báo hiện tại là 1,2 triệu thùng/ngày.
Cơ quan Năng lượng quốc tế giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới OPEC dự báo nhu cầu dầu; thị trường ngóng chờ thông tin từ Mỹ IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới; Mỹ có động thái mới với giá dầu

Nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thường nghiêng về khả năng giảm giá khi đưa ra dự đoán về nhu cầu dầu và giá dầu. Tuy nhiên, cơ quan này đã nâng ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 từ 850.000 thùng/ngày vào tháng 5/2023 lên mức dự báo hiện tại là 1,2 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) có xu hướng lạc quan hơn. EIA đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 từ mức 1,7 triệu thùng/ngày đưa ra vào tháng 1/2023 xuống còn 1,35 triệu thùng/ngày.

Nang luong
Nhu cầu dầu toàn cầu tiếp tục tăng cao vào năm 2024

Ngân hàng Standard Chartered hầu như vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu ở mức 1,5 triệu thùng/ngày.

Energy Intelligence, một cơ quan giám sát năng lượng khác, dự đoán rằng nhu cầu toàn cầu vào năm 2024 sẽ chỉ ở mức 1,1 triệu thùng/ngày. Energy Intelligence cho biết, mức tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC+ đạt 1,5 triệu thùng/ngày sẽ đủ để bù đắp cho sự tăng trưởng nhu cầu.

Châu Âu “không ngại” thiếu khí đốt

Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tạm dừng phê duyệt đơn đăng ký xuất khẩu cho các dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới. Với hơn 60% sản lượng LNG của Mỹ đến châu Âu 2 năm qua, đã có một số hoài nghi về khả năng đảm bảo khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) sau khi Tổng thống Biden hoãn phê duyệt cấp phép xuất khẩu mới.

Tuy nhiên, theo người phát ngôn của Ủy ban châu Âu, quyết định của Mỹ sẽ không có bất kỳ tác động ngắn hạn và trung hạn nào với an ninh khí đốt của EU. Liên minh sẽ đủ khí đốt trong 10 năm tới bất chấp Mỹ hoãn phê duyệt xuất khẩu cho các dự án LNG mới.

Theo giới chuyên gia, trong dài hạn, tiêu thụ khí đốt của châu Âu sẽ giảm khi khu vực này chuyển hướng khỏi nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu. Do đó, họ có thể không cần thêm LNG từ Mỹ dù nhu cầu tăng mạnh.

Trước đó, từ đầu năm các công ty châu Âu đã tăng tốc rút khí đốt tự nhiên khỏi Ukraine do nhu cầu sưởi ấm tăng lên trong những tháng mùa Đông.

Giới phân tích cho rằng, quyết định đó đã giúp các tập đoàn năng lượng và thương nhân chỉ rút ra một lượng khí đốt tương đối nhỏ từ các kho dự trữ ở EU, giữ giá khí đốt ở mức thấp và việc nạp thêm nhiên liệu trở nên dễ dàng hơn trong năm 2024.

Bà Natasha Fielding, người đứng đầu bộ phận định giá khí đốt châu Âu tại Argus Media cho biết, Kiev đang đóng một vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng, cung cấp khí đốt cho Trung và Đông Âu trong mùa Đông này.

Bà Fielding cho hay, việc kêu gọi sử dụng khí đốt được lưu trữ ở Ukraine giúp châu Âu duy trì lượng dự trữ trong nước ở mức cao, giảm các nguy cơ như cạn kiệt nguồn cung do các đợt giá lạnh kéo dài vào cuối mùa Đông.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương