Nhóm quỹ KIM bán gần nửa triệu cổ phiếu GMD, giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 6%

(Banker.vn) Nhóm quỹ KIM Việt Nam giảm tỷ lệ sở hữu tại Gemadept (GMD) xuống 5,99% sau khi bán 490.000 cổ phiếu. Được biết, GMD vừa điều chỉnh giá dịch vụ bốc dỡ container tại Cảng Gemalink và đẩy mạnh dự án Gemalink 2, dự kiến khởi công năm 2026, góp phần tăng trưởng lợi nhuận.

Trong phiên giao dịch ngày 18/02/2025, nhóm quỹ thuộc Công ty TNHH Quản lý quỹ KIM Việt Nam đã bán tổng cộng 490.000 cổ phiếu của Công ty CP Gemadept (HOSE: GMD), qua đó hạ tỷ lệ sở hữu từ 6,1% xuống còn 5,99%, tương đương gần 24,8 triệu cổ phiếu. Với giá đóng cửa 60.900 đồng/cổ phiếu trong phiên, ước tính giá trị giao dịch gần 30 tỷ đồng.

Nhóm quỹ KIM bán gần nửa triệu cổ phiếu GMD, giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 6%
Ảnh minh họa

Động thái thoái vốn của quỹ ngoại diễn ra không lâu sau khi Gemadept công bố kế hoạch phát hành hơn 6,2 triệu cổ phiếu ESOP (Employee Stock Ownership Plan) cho cán bộ nhân viên xuất sắc năm 2023. Mức giá chào bán chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu – thấp hơn nhiều so với thị giá hiện tại, nhưng số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 2 năm. Việc phát hành ESOP được kỳ vọng sẽ thu hút nhân tài và gia tăng sự gắn kết giữa nhân viên với doanh nghiệp. Thời gian đăng ký mua và nộp tiền sẽ diễn ra từ ngày 24/02 - 03/03/2025.

Một thông tin đáng chú ý khác liên quan đến Gemadept là việc Công ty CP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link (Cảng Gemalink) điều chỉnh khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển từ đầu tháng 02/2025. Theo mức giá niêm yết, dịch vụ bốc dỡ container xuất/nhập khẩu được điều chỉnh lên mức tối đa theo quy định, với mức giá 66 USD/container 20 feet, 97 USD/container 40 feet và 108 USD/container 45 feet có hàng.

Dù đã nâng giá, doanh nghiệp vẫn cho rằng mức giá này vẫn thấp hơn mặt bằng chung trong khu vực. Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng Gemalink đề xuất tiếp tục điều chỉnh giá nhằm đưa mức phí bốc dỡ tại cảng biển Việt Nam tiệm cận mức trung bình của khu vực.

Do xu hướng xanh hóa và số hóa trong ngành hàng hải toàn cầu, các cảng biển cần nguồn vốn lớn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải tiến công nghệ và nâng cấp hệ thống logistics. Nếu giá dịch vụ quá thấp, doanh thu cảng biển sẽ không đủ để tái đầu tư, gây khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ các hãng tàu lớn.

"Việc điều chỉnh giá bốc dỡ container không chỉ đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp cảng biển mà còn giúp tối ưu hóa chi phí logistics quốc gia, tạo động lực phát triển bền vững cho ngành xuất nhập khẩu", trích nội dung văn bản của doanh nghiệp.

Cảng Gemalink hiện là cảng nước sâu lớn nhất khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), với tổng vốn đầu tư khoảng 600 triệu USD. Cảng này là liên doanh giữa Tập đoàn Gemadept (HoSE: GMD) và CMA Terminals – công ty con của hãng tàu CMA CGM (Pháp). Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, tổng công suất thiết kế của cảng Gemalink sẽ đạt 3 triệu TEU – cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Theo báo cáo phân tích của ACBS Research, dự án Gemalink 2 dự kiến khởi công trong nửa đầu năm 2026 và hoàn thành vào cuối năm 2027. Giai đoạn 2A của dự án, với công suất 600.000 TEU/năm, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào nửa cuối năm 2027, đóng góp vào lợi nhuận của GMD thông qua hình thức liên doanh, liên kết.

Về triển vọng tài chính, dự báo của các công ty chứng khoán cho thấy doanh thu thuần của Gemadept năm 2025 có thể đạt 4.943 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước. Trong đó, các cảng biển thuộc hệ thống của GMD dự kiến vẫn duy trì hoạt động vượt công suất thiết kế, với tổng sản lượng container thông qua đạt 4,1 triệu TEU. Dù sản lượng có giảm nhẹ 2,2% so với cùng kỳ, nhưng nhờ việc gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Cảng Nam Đình Vũ, doanh thu từ hoạt động khai thác cảng dự kiến đạt 3.993 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2024.

Ngoài ra, lợi nhuận từ công ty con và công ty liên kết của GMD cũng được dự báo đạt 649 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm trước. Mảng logistics của Gemadept cũng có triển vọng tăng trưởng mạnh khi dự báo doanh thu sẽ đạt 950 tỷ đồng trong năm 2025, tăng 45% so với năm 2024. Đà tăng trưởng này được hỗ trợ bởi kế hoạch mở rộng đội tàu lên 7 chiếc, nâng tổng sức chở lên 8.600 TEU – gấp đôi so với trước đây.

Biên lợi nhuận gộp của GMD dự kiến duy trì ổn định ở mức 44,5%, nhờ việc các cảng tiếp tục khai thác vượt công suất và chiến lược tối ưu hóa chi phí. Với những tín hiệu tích cực từ hoạt động kinh doanh, lợi nhuận trước thuế của Gemadept năm 2025 được dự báo có thể đạt 2.080 tỷ đồng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong dài hạn.

Gemadept (GMD) muốn huy động hơn 3.000 tỷ để trả nợ, góp vốn vào Cảng Nam Đình Vũ,...

Trong năm 2022, Gemadept cũng đã từng lên kế hoạch phát hành hơn 100 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 3:1 cho cổ đông hiện ...

Cảng Phước An (PAP): Liên tục pha loãng tỷ lệ sở hữu Nhà nước, quý này lại trắng doanh thu

Thành lập ban đầu với công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên, từ năm 2016, Cảng Phước An liên tục phát hành ...

Cảng biển Việt Nam sôi động: Gemadept (GMD) "thắng lớn" với Gemalink

Tại cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam gần đây, những thông tin quan trọng về ngành cảng biển Việt Nam và chiến lược ...

Nguyên Nam

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục