Nhóm ngành chứng khoán, BĐS và vật liệu xây dựng sẽ hút tiền khi lãi suất giảm nhiệt

(Banker.vn) Ông Huỳnh Minh Tuấn – Nhà sáng lập FIDT cho rằng, những nhóm ngành có beta cao hơn thị trường chung là chứng khoán, bất động sản, và vật liệu xây dựng sẽ hút tiền khi lãi suất giảm nhiệt. Riêng nhóm ngân hàng, chất lượng tài sản vẫn khá yếu nên nhà đầu tư không nên kỳ vọng nhiều.

NHNN có thể sẽ có thêm vài đợt hạ lãi suất

Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/5 cho thấy, trong tháng 4, chỉ số CPI đã tăng 0,4% so với tháng trước. Kết quả này phù hợp với ước tính của Dow Jones. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, CPI tăng 4,9%, thấp hơn một chút so với dự báo 5% của Dow Jones. Đây là tốc độ tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Hồi tháng 3, CPI cao hơn cùng kỳ 5%.

Nhóm ngành chứng khoán, BĐS và vật liệu xây dựng sẽ hút tiền khi lãi suất giảm nhiệt

Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi tăng 0,4% so với tháng 3 và 5,5% so với một năm trước, nhìn chung đều tương quan với kỳ vọng của các nhà phân tích tại Dow Jones.

Chỉ số CPI đã hạ nhiệt đáng kể kể từ khi đạt đỉnh 9% vào tháng 6 năm ngoái. Tuy nhiên, lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed, mặc dù các nhà hoạch định chính sách đã mạnh tay nâng lãi suất trong một năm qua.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn – Nhà sáng lập FIDT, mặc dù CPI cơ bản đã hạ nhiệt, song CPI lõi lại đi ngang cho thấy lạm phát Mỹ vẫn “cứng đầu” như dự báo của Fed. Tuy nhiên, lãi suất cơ bản đã trên mức lạm phát cho thấy chính sách của cơ quan này đã phát huy tác dụng. Mặc dù lãi suất đã tạo đỉnh, song Fed sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cao ít nhất hết năm nay. Ông Tuấn kỳ vọng Fed sẽ quay xe hạ lãi suất vào cuối quý 1 năm sau khi lạm phát đã giảm về khoảng 3-3,5%.

Về thị trường Việt Nam, chuyên gia nhận định chính sách tiền tệ của NHNN có thể sẽ tiếp tục đi ngược xu hướng lãi suất của Fed. Nguyên nhân chủ yếu do những số liệu về sản xuất kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều thách thức và các lớp tài sản như bất động sản, chứng khoán cũng suy kiệt dòng tiền. Mặt khác, áp lực lạm phát trong nước cũng không quá lớn nên NHNN có thể dễ dàng hơn trong việc nới lỏng chính sách.

Ông Huỳnh Minh Tuấn

Ông Huỳnh Minh Tuấn

Theo nhà sáng lập FIDT, dòng tiền được xem là “mạch máu” của nền kinh tế và khi khi thanh khoản gặp vấn đề thì ắt Chính phủ cần ban hành những chính sách hỗ trợ. Thanh khoản được bơm ra nền kinh tế thông qua hai loại là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Hiện, chính sách tiền tệ vẫn chưa “thẩm thấu” được vào nền kinh tế.

Mặt khác chính sách tài khoá cũng chưa phát huy được tác dụng khi giải ngân vốn đầu tư công vẫn ì ạch khiến dòng tiền tiếp tục tắc nghẽn.

Ông Tuấn dự báo từ nay đến cuối năm, NHNN có thể sẽ có thêm vài đợt hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Hiện nhiều ngân hàng lớn đã hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy vậy, chuyên gia cho rằng, thanh khoản đang dư thừa nên câu chuyện hạ lãi suất chỉ mang tính chất tâm lý.

Bên cạnh hạ lãi suất, NHNN có thể xem xét hạ tiêu chuẩn cho vay để bơm thêm dòng tiền cho doanh nghiệp. Song song đó là những chính sách hoán nợ, đảo nợ không chuyển nhóm, gia tăng hạn mức cho doanh nghiệp.

Đầu tư chứng khoán có sự hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệm

Đồng tình với quan điểm lãi suất tương quan nghịch với chứng khoán, ông Tuấn cho rằng chứng khoán chắc chắn sẽ hưởng lợi trong ngắn hạn khi lãi suất tiếp tục hạ nhiệt trong thời gian tới. Dòng tiền tìm về tài sản sinh lời giúp chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn.

Hiện P/E ở mức 12 lần, tính theo công thức P/E nghịch đảo thì tỷ suất sinh lời của chứng khoán là 8,5%, tỷ suất gửi tiết kiệm khoảng 6-7%. Như vậy, đầu tư chứng khoán có sự hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệm.

Đồng thời, lãi suất giảm cộng thêm cung tiền sẽ tạo ra những "công thức" tạo dòng tiền cho thị trường. Đơn giản là những doanh nghiệp vay được gói ưu đãi, một phần dùng để phục hồi sản xuất kinh doanh, một phần đầu tư tài sản giá rẻ.

Chuyên gia cho rằng, những nhóm ngành có beta cao hơn thị trường chung là chứng khoán, bất động sản, và vật liệu xây dựng sẽ hút tiền khi lãi suất giảm nhiệt. Riêng nhóm ngân hàng, chất lượng tài sản vẫn khá yếu nên nhà đầu tư không nên kỳ vọng nhiều.

Bên cạnh chất xúc tác từ lãi suất, vị chuyên gia dự báo đà phục hồi của nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn cũng tác động tích cực lên thị trường chung. Theo đó, Quỹ China Trust Vietnam Opportunity lên kế hoạch huy động hơn 3.800 tỷ đồng, danh mục chủ yếu tập trung chủ yếu vào nắm giữ CCQ Diamond và các cổ phiếu lớn nhóm VN30, trong đó nhóm ngành tài chính chiếm gần 62%. Khi dòng tiền nhóm quỹ này “bơm” vào thị trường sẽ hỗ trợ tích cực cho nhóm VN-30 và từ đó tạo hiệu ứng tích cực cho VN-Index.

Nhìn về dài hạn, ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng sự xoay chiều của chính sách tạo cơ hội mua và nắm giữ dài hạn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng và định giá của cổ phiếu nắm giữ. Để lựa chọn được cổ phiếu có định giá rẻ, bên cạnh P/E, vị chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên nghiên cứu kỹ bookvalue – giá trị sổ sách của doanh nghiệp.

“Sau những khó khăn, nhiều doanh nghiệp có thể bị chiết khấu giá trị sổ sách lên tới 50-70%. Do đó, không thể chỉ nhìn P/B bằng 1 hay dưới 1 nói là rẻ, vì nhiều doanh nghiệp yếu kém thậm chí P/B chiết khấu chỉ còn 0,4 lần”, ông Tuấn nhận định.

Bên cạnh đó, để nhận diện doanh nghiệp tốt, chuyên gia cho rằng cần xem xét tính hấp thụ và khả năng hưởng lợi từ sự xoay chiều của chính sách. Đối với những NĐT có khẩu vị an toàn hơn có thể lựa chọn những cổ phiếu trong rổ ETF vì đã có sẵn nền tảng cơ bản.

VN-Index có nhịp phục hồi, DSC gợi ý chiến thuật giao dịch cổ phiếu cho nửa cuối tháng 5

Hiện tượng sóng mid-cap đã xảy ra trong tháng 4 đến đầu tháng 5. Tính từ 1/4 - 11/5, chỉ số VN-Index đã giảm 1,9% ...

Phiên giao dịch ngày 15/5/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao ...

Nhận định chứng khoán ngày 15/5/2023: Thị trường tiếp tục xu hướng tăng điểm

VN-Index có phiên tăng điểm trở lại. Khối lượng giao dịch ở trên mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền đang ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán