NHNN tiếp tục xếp thứ hạng cao Chỉ số cải cách hành chính năm 2021

(Banker.vn) (thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 25/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 (SIPAS 2021) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quang cảnh hội nghị

Theo kết quả công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đạt 90.37/100 điểm và nằm trong trong nhóm 3 Bộ dẫn đầu Par index 2021.

Kết quả PAR INDEX năm 2021 được phân loại thành 3 nhóm điểm, kết quả trên 90% gồm 3 bộ: Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và NHNN; chỉ số trên 80% đến dưới 90% có 13 cơ quan; dưới 80% có 1 cơ quan. Trong chỉ số PAR INDEX năm 2021 của NHNN, chỉ số về công tác chỉ đạo điều hành CCHC tiếp tục xếp thứ nhất; các chỉ số thành phần về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính tiếp tục giữ thứ hạng cao trong nhóm 3 Bộ dẫn đầu.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Dù gặp không ít khó khăn nhưng NHNN vẫn quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu CCHC theo tinh thần Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 với trọng tâm là hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh cho hoạt động của các TCTD; cùng với đó là sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của NHNN tinh gọn, hoạt động công vụ chuyên nghiệp, hiệu quả; chuyển đổi phương thức làm việc trên môi trường điện tử dựa trên dữ liệu số và công nghệ số.

Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm trong toàn Ngành, cả 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước đều đạt được những kết quả rõ nét tích cực. Bằng những kết quả CCHC, đã tạo được những công cụ hữu hiệu để NHNN triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện thành công chính sách tiền tệ, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho các khu vực sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19; qua đó củng cố niềm tin của người dân vào các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giữ vững giá trị đồng bản tệ, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ nêu rõ: Đây là năm đầu tiên thực hiện Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm tập trung thực hiện nghiêm túc, tích cực, hiệu quả Nghị quyết 76/NQ-CP.

"Trên cơ sở đó, công tác CCHC đã đạt được những kết quả tích cực, tiếp tục đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là từng bước hiện thực hoá mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Theo Bộ Nội vụ, năm 2021, những nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ và các ngành, các cấp đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trên nhiều lĩnh vực; hàng loạt rào cản, khó khăn và thể chế, cơ chế, chính sách và nguồn lực đã được kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ và giải quyết, nhất là những vấn đề cấp bách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh COVID-19; đóng góp quan trọng vào thành tựu kinh tế-xã hội đạt được trong năm 2021 và tiếp tục duy trì triển vọng tích cực của nền kinh tế trong năm 2022 và những năm tiếp theo, củng cố niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của Đảng và sự hiệu quả trong quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp.

Cùng với những đột phá quan trọng về thể chế, các cơ quan, đơn vị cũng tích cực nghiên cứu, có giải pháp đổi mới phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, quyết liệt chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và đặc biệt là cải thiện chất lượng phục vụ nhân dân. Nhiều địa phương đã tích cực nghiên cứu, đánh giá và áp dụng, nhân rộng mô hình, sáng kiến hay về CCHC.

Các hoạt động thông tin, tuyên truyền CCHC ngày càng đa dạng, phong phú và thiết thực, truyền tải kịp thời, nhanh chóng những kết quả, chính sách mới về CCHC đến người dân, doanh nghiệp và xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề về CCHC có nhiều đổi mới, sáng tạo về phương thức, cách thức tổ chức thực hiện để nâng cao hiệu quả và phù hợp với tình hình mới.

Công tác tổ chức triển khai xác định Chỉ số CCHC năm 2021 đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn, giúp nâng cao tính khách quan, khoa học và chính xác trong đánh giá, xếp hạng.

Năm 2021, lần đầu tiên triển khai điều tra xã hội học các nhóm đối tượng phục vụ xác định Chỉ số CCHC được thực hiện trực tuyến trên phần mềm, gửi phiếu điện tử trực tiếp đến hộp thư điện tử của từng cá nhân, đối tượng khảo sát, giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian xử lý số liệu và nhất là nâng cao tính chính xác, khách quan, minh bạch trong triển khai.

Việc khảo sát người dân, doanh nghiệp phục vụ xác định Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính tiếp tục được triển khai bài bản, khoa học, chuyên nghiệp và hiệu quả với sự tham gia thực hiện của tổ chức khảo sát độc lập là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, có sự giám sát, phúc tra đa chiều của các cơ quan, tổ chức, như: Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ và các tổ chức chính trị-xã hội, giúp nâng cao tính khách quan, chính xác.

Kết quả Chỉ số CCHC hằng năm đã trở thành công cụ quản lý quan trọng, giúp xác định rõ ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ CCHC của từng bộ, tỉnh; đồng thời, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị.

Theo:
    Bài cùng chuyên mục