Nhiều lần chiếm dụng đất, doanh nghiệp "nhà" Hòa Phát bị phạt 1,58 tỷ đồng

(Banker.vn) Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương được thành lập tháng 8/2007, là chủ đầu tư dự án Khu liên hợp (KLH) sản xuất gang thép Hòa Phát (Kinh Môn – Hải Dương). Đây là dự án trọng điểm đầu tiên của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) trong lộ trình trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam.

Theo Quyết định số 1352/QĐ-XPHC của UBND tỉnh Hải Dương, Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương đã vi phạm trong lĩnh vực đất đai với ba hành vi chính:

Một là, này đã chiếm dụng 23.003,5 m² (2,3 ha) đất nông nghiệp trồng lúa tại khu vực đô thị. Cụ thể, vào ngày 20/12/2016, Công ty đã san lấp và xây dựng nhà để xe trên diện tích 3.900 m²; ngày 15/11/2017, san lấp và xây dựng nhà bảo vệ trên diện tích 215 m²; và ngày 2/11/2020, chiếm đất khu vực bãi chứa phôi, đường nội bộ và cây xanh trên diện tích 18.888,5 m².

Hai là, Công ty cũng chiếm dụng 13.360,9 m² (1,36 ha) đất phi nông nghiệp (gồm đất giao thông, đất thủy lợi, đất ở) tại khu vực đô thị. Vào ngày 15/12/2019, công ty đã san lấp và xây dựng nhà kho chứa thành phẩm trên diện tích 1.575 m²; và ngày 2/11/2020, chiếm đất để xây dựng bãi chứa phôi, đường nội bộ, cây xanh trên diện tích 11.785,9 m².

Ngoài ra, vào ngày 2/11/2020, Công ty đã chiếm dụng 8.722,3 m² (0,87 ha) đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa (đất trồng cây lâu năm) tại khu vực đô thị.

Nhiều lần chiếm dụng đất, doanh nghiệp
Văn bản được ban hành bởi UBND tỉnh Hải Dương

Do các vi phạm này, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định xử phạt hành chính Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương 1,58 tỷ đồng và buộc công ty này phải thực hiện các thủ tục thuê đất theo quy định. Công ty cũng phải nộp lại số lợi bất hợp pháp từ hành vi chiếm đất, số tiền hơn 4,1 tỷ đồng. Thời hạn thực hiện khắc phục hậu quả là trong 10 ngày kể từ ngày quyết định xử phạt.

Theo tìm hiểu, Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương được thành lập tháng 8/2007, là chủ đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Kinh Môn, Hải Dương. Dự án này sử dụng công nghệ lò cao khép kín và có sản lượng 2,5 triệu tấn thép mỗi năm. Cả ba giai đoạn đầu tư của khu liên hợp đã hoạt động đồng bộ từ quý 1/2016.

Theo báo cáo thường niên năm 2023 của Tập đoàn Hòa Phát, Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương có vốn điều lệ là 7.000 tỷ đồng với tỷ lệ góp vốn của HPG đạt 99,9968%. Thép Hòa Phát Hải Dương là 1 trong 5 doanh nghiệp hoạt động trong mô hình Tổng Công ty Gang thép của HPG, bao gồm: Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên, Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty CP Đầu tư Khoáng sản An Thông vaf Công ty CP Vận tải Biển Hòa Phát.

Được biết, bà Đỗ Thị Thảo đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Thép Hòa Phát Hải Dương từ thời điểm tháng 9/2022. Bà Thảo còn đang giữ chức vụ người đại diện pháp luật tại Công ty CP Năng lượng Hòa Phát.

Trước khi bà Thảo trở thành Tổng Giám đốc của Hòa Phát Hải Dương, ông Nguyễn Việt Thắng là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này. Trong thời điểm ông Thắng nắm quyền, Thép Hòa Phát Hải Dương có một lần duy nhất tăng vốn điều lệ từ 3.500 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng trong năm 2019.

Được biết, ông Nguyễn Việt Thắng đang nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT tại Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), ông đang sở hữu gần 19 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 0,32% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Vị Tổng Giám đốc này còn đang là cá nhân đại diện pháp luật tại nhiều doanh nghiệp "dưới trướng" HPG như: Công ty CP Gang Thép Hòa Phát; Công ty CP Phát triển Bất động sản Hòa Phát; Công ty CP Đầu tư nước ngoài Hòa Phát và Công ty TNHH MTV Thương mại Thức ăn Chăn nuôi Hòa Phát.

Ở diễn biến khác, ngày 6/6 vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát vừa chính thức cán mốc sản xuất 10 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC), đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của công ty. Đây là thành quả sau 4 năm nỗ lực không ngừng của đội ngũ kỹ sư và cán bộ nhân viên của Hòa Phát, kể từ khi cuộn HRC đầu tiên ra đời vào tháng 5/2020. Thành tựu này không chỉ khẳng định vị thế của Hòa Phát là một trong những nhà sản xuất thép hàng đầu tại Đông Nam Á, mà còn thể hiện sự cam kết của công ty đối với chất lượng và khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

Về tình hình kinh doanh, quý 1/2024, Hòa Phát đạt 2.869 tỷ đồng lợi nhuận trong kỳ, tương đương đạt 28,7% kế hoạch năm. Lĩnh vực sản xuất gang thép và sản phẩm thép đóng góp khoảng 90% kết quả này.

“Quý I/2024 có thể nói là tương đối tốt, Tập đoàn làm được tốt hai việc. Thứ nhất là tăng sản lượng bán hàng so với cùng kỳ. Thứ hai là sử dụng hết nguyên nhiên liệu tồn kho giá cao, quý này có thể thiệt một chút nhưng sẽ tốt cho các quý sau. Chưa bao giờ Tập đoàn kéo tồn kho xuống thấp như hiện nay”, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đánh giá.

Trong quý I/2024, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 2,1 triệu tấn thép thô, tăng 70% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 1,85 triệu tấn, tăng 34% so với quý I/2023. Quý đầu năm, thép xây dựng, thép chất lượng cao của Hòa Phát đạt sản lượng 956.000 tấn, tăng 10%. Thép cuộn cán nóng đạt 805.000 tấn, tăng 67% so với 3 tháng đầu năm ngoái.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo HPG nhận định, nền kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn còn nhiều ẩn số, tín hiệu phục hồi chưa rõ nét, biến động về tỷ giá, lãi suất cùng các yếu tố khác trên thị trường thế giới. Trên cơ sở đó, Hòa Phát theo dõi sát diễn biến thị trường để điều hành sản xuất kinh doanh cho phù hợp. Cụ thể, Tập đoàn đặt mục tiêu năm 2024 là 140.000 tỷ đồng doanh thu, 10.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tuy nhiên, sau khi dự án Dung Quất 2 hoàn thành doanh thu của Hòa Phát có thể lên đến 200.000 tỷ đồng và tỷ trọng doanh thu của mảng thép sẽ chiếm 95% tổng doanh thu của Tập đoàn, tăng lên từ mức 85-90% những năm qua.

Becamex IDC (BCM) muốn giảm mạnh room ngoại, khởi công dự án 5.500 tỷ đồng

Becamex IDC (HoSE: BCM) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 với loạt dự án nổi bật tại ...

Gilimex (GIL) muốn vay nợ hàng nghìn tỷ đồng làm khu công nghiệp

Mới đây, Gilimex (GIL) đã công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 với nhiều nội dung đáng chú ý.

Rục rịch chào UPCoM, BCG Energy muốn vay công ty mẹ nhằm bổ sung nguồn vốn

Động thái chào sàn UPCoM là cột mốc quan trọng trong kế hoạch IPO của BCG Energy - một công ty con của Tập đoàn ...

Đức Huy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán