Nhiều gói vay có lãi suất thấp hơn biểu lãi suất từ 0,5 - 3% để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

(Banker.vn) Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, nhiều ngân hàng tiếp tục đưa ra hàng loạt gói vay ưu đãi nhằm kích thích nhu cầu tín dụng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Đa dạng gói vay kích cầu tiêu dùng

Khảo sát ở nhiều ngân hàng cho thấy, các gói vay ưu đãi đang có lãi suất thấp hơn biểu lãi suất từ 0,5 - 3%/năm, tùy từng nhóm. Bên cạnh lãi suất, nhiều ngân hàng cũng nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách miễn giảm phí dịch vụ.

Cấp đông sản phẩm tôm chế biến xuất khẩu. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Cấp đông sản phẩm tôm chế biến xuất khẩu. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Trao đổi với phóng viên, đại diện MSB cho biết: Ngân hàng vừa giảm thêm 2% lãi suất vay thế chấp dành cho khách hàng cá nhân. Đây là lần điều chỉnh giảm lãi suất thứ 4 của MSB kể từ đầu năm 2023. Chương trình được áp dụng đến hết 31/12/2023 đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay thế chấp mục đích mua nhà, xây sửa nhà, tiêu dùng mua sắm trang thiết bị gia đình, du học, chi trả học phí…

"Với chính sách lãi suất hấp dẫn, khách hàng sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,99%/năm, thời gian vay lên tới 35 năm và ân hạn gốc lên tới 24 tháng", đại diện MSB cho biết.

Ngân hàng SHB cũng đưa ra chính sách ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng doanh nghiệp với tổng quy mô vốn lên đến 6.000 tỷ đồng. Trong đó, SHB dành 5.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp nữ làm chủ, các đơn vị hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên… bổ sung vốn lưu động ngắn hạn với lãi suất từ 8,97%/năm. Theo SHB, 1.000 tỷ đồng còn lại dành cho khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay mua ô tô với thời gian vay từ 36 tháng trở lên, với lãi suất từ 9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc từ 10,8%/năm trong 12 tháng.

Để kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng phục vụ đời sống từ nay đến cuối năm 2023, Sacombank đưa ra gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (COFIDEC), huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (COFIDEC), huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Cụ thể, Sacombank dành 20.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm sản xuất nông nghiệp), với mức lãi suất thấp chỉ từ 7,5%/năm. Đối với nhu cầu vay phục vụ đời sống, Sacombank dành 10.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn mua, xây, sửa bất động sản và nhiều mục đích tiêu dùng khác nhau với mức lãi suất chỉ từ 9%/năm. Đặc biệt, đối với khách hàng lần đầu tiên mua nhà để ở thỏa điều kiện, mức lãi suất chỉ từ 8%/năm.

Ưu tiên lĩnh vực lâm sản, thủy sản

Kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế trong nước, các ngành, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực lâm, thủy sản, người nuôi, trồng thua lỗ do giá nguyên liệu giảm mạnh. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng lao đao khi số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm từ 20 - 50%.

Theo đại diện NHNN, có khoảng 12 ngân hàng thương mại (NHTM) đăng ký gói tín dụng cho vay thuỷ sản, lâm sản với tổng vốn đăng ký là 15.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi giảm 1 - 2% so với mức bình thường. NHNN vẫn đang khuyến khích các ngân hàng khác tiếp tục đăng ký cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản vượt qua khó khăn.

Đại diện Agribank cho biết, ngân hàng dành 3.000 tỷ đồng để triển khai gói vay tín dụng lĩnh vực lâm, thủy sản. Lãi suất ưu đãi của chương trình thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của Agribank trong từng thời kỳ.

Với sứ mệnh ra đời phục vụ phát triển "Tam nông", Agribank là ngân hàng chủ lực trong đầu tư nông nghiệp, nông dân, nông thôn, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Agribank hiện cho vay lĩnh vực lâm, thủy sản với tổng dư nợ đạt 58.815 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực lâm sản là 17.849 tỷ đồng, dư nợ lĩnh vực thủy sản là 40.965 tỷ đồng.

Agribank cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh: Hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách Nhà nước (NSNN) đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó có lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02; chương trình tín dụng 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất tài trợ khách hàng xuất, nhập khẩu… giúp khách hàng đảm bảo tài chính, duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ phục hồi.

Còn ngân hàng LPBank triển khai gói tín dụng quy mô 300 tỷ đồng cho doanh nghiệp sản xuất chế biến lâm sản, thủy sản (như sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, kinh doanh, nuôi trồng, khai thác) với lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm đối với khoản vay ngắn hạn dưới 3 tháng.

Đối với khoản vay từ 3 - 6 tháng sẽ được áp dụng mức lãi suất ưu đãi 8%/năm và 9%/năm là dành cho khoản vay từ 6 đến 12 tháng. Được biết, gói vay ưu đãi này được LPBank áp dụng từ ngày 1/8/2023 đến 30/6/2024.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), nhu cầu vốn cho hoạt động nuôi trồng, sản xuất, chế biến thuỷ sản vẫn rất cao. Đặc biệt, theo dự báo của các chuyên gia, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ dần hồi phục trong những tháng cuối năm 2023 nhờ những tín hiệu khả quan hơn ở các thị trường tiêu thụ, khi lượng tồn kho giảm và bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm, cũng như các dịp lễ hội lớn.

"Dòng vốn cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản rất cấp thiết trong nửa cuối năm. Theo đó, các doanh nghiệp cần gói tín dụng dành riêng cho lĩnh vực này với lãi suất ưu đãi", đại diện VASEP cho biết.

Theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI), mặt bằng chung là lãi huy động và cho vay đều giảm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay có thể khác biệt giữa các lĩnh vực và khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng. Chẳng hạn, có ngân hàng hạn chế cho vay các lĩnh vực đầu tư mới hoặc lĩnh vực bất động sản nên lãi vay cho các lĩnh vực này sẽ cao hơn hẳn, có ngân hàng ưu tiên cho vay nông nghiệp - nông thôn thì lãi vay sẽ rất ưu đãi…

"Để có quyết định giảm lãi suất, ngân hàng phải cân nhắc mức giảm phù hợp, lĩnh vực ưu tiên giảm lãi suất và cân đối theo biến động của thị trường trong nước và quốc tế. Nếu cho vay trung và dài hạn với lãi suất thấp và xảy ra tình huống bị thiếu hụt nguồn vốn do người vay chưa kịp trả nợ thì ngân hàng lại phải vay bù đắp với lãi suất cao, bài toán cân đối kỳ hạn của ngân hàng sẽ rất khó khăn", ông Đinh Tuấn Minh cho biết.

NHNN có thể cắt giảm lãi suất đợt cuối cùng trong quý 3/2023

Theo dự báo của HSBC, trong quý III/2023, NHNN sẽ tiến hành một đợt cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nữa, trước khi duy trì mức lãi suất chính sách trong suốt năm 2024. HSBC cho rằng nguyên nhân khiến Việt Nam trở thành trường hợp đặc biệt trong ASEAN khi tiến hành cắt giảm lãi suất trước cả Fed, đến từ lạm phát giảm, thặng dư tài khoản vãng lai cũng như mức tăng trưởng yếu trong nửa đầu năm 2023.

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán