Nhiều doanh nghiệp bất động sản lâm vào trạng thái "ngộp thở"

(Banker.vn) Thị trường bất động sản (BĐS) bắt đầu có những dấu hiệu "tan băng" trong giai đoạn gần đây, tuy nhiên tình hình chung của toàn ngành trong 6 tháng đầu năm vẫn chưa có nhiều khởi sắc.

Theo Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam, các doanh nghiệp đầu tư, phát triển BĐS đồng loạt lâm vào trạng thái “ngộp thở” như “người sắp chết đuối” trong thời gian dài. Kể từ đầu năm 2022, mặc dù chính phủ đã tạo ra những chiếc phao để cứu thị trường, tuy nhiên những chính sách này vẫn chưa thể giúp doanh nghiệp có thể bám vào, tạo đà ngoi lên mặt nước. Nếu không “ngoi lên” kịp thời, chắc chắn các doanh nghiệp BĐS sẽ bước sang giai đoạn “sặc nước, ngừng thở” đồng loạt.

Dựa trên báo cáo: "Thực trạng sức khỏe thị trường bất động sản Việt Nam", chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2023, có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ, chỉ có 1.744 doanh nghiệp.

Trong quý 1/2023, doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản giảm 6,46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu đến từ các dự án xây dựng dở dang là nguyên nhân buộc các doanh nghiệp này phải tạm dừng do không còn đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án.

Cập nhật sức khỏe doanh nghiệp BĐS tháng 6/2023
Nguồn: VARS.

Ở một diễn biến cùng chiều, các doanh nghiệp bất động sản cũng đã điều chỉnh nhân sự đáng kể trong thời gian vừa qua. Trong quý 1/2023, một số doanh nghiệp lớn tiếp tục cắt giảm nhân sự. Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) cắt giảm thêm 1.384 người so với đầu năm. Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (HOSE: DXS) cũng cắt giảm 1.245 người so với đầu năm. Kết thúc quý 1/2023, Công ty CP Vinhomes (HOSE: VHM) cũng đã cắt giảm 1.527 nhân sự,...

Các doanh nghiệp bất động sản còn hoạt động phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, lực lượng lao động. Thậm chí dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng dự án dở dang; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO,.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản là cầu nối giữa các chủ đầu tư với khách hàng. Nguồn thu của các doanh nghiệp chủ yếu đến từ việc phân phối các sản phẩm, khi thị trường không có sản phẩm, thiếu hụt khách hàng thì đương nhiên các doanh nghiệp bắt buộc bị đặt vào thế khó. Tình trạng khó khăn đến từ hai chiều, giống như 1 chốt chặn đầu và 1 chốt chặn sau, khiến cho các doanh nghiệp không có cơ hội “trở mình”, bị dồn vào thế “hoang mang, vô định, khó có thể vùng vẫy”. Kết quả khảo sát của VARs với các sàn giao dịch Hội viên cho thấy:

Về doanh thu, theo kết quả khảo sát của VARS với các Hội viên là các sàn giao dịch bất động sản, hơn 90% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu quý 1/2023 sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có tới 39% doanh nghiệp có doanh thu quý 1/2023 sụt giảm tới 20% - 50% và 61% tụt giảm trên 50% so với cùng kỳ. Thậm chí một số doanh nghiệp quy mô dưới 100 nhân viên có mức giảm doanh thu lên tới 70% - 80%. Do thị trường bất động sản vẫn gặp khó khăn về dòng tiền, điều kiện cho vay bị siết chặt, sức mua chưa được cải thiện,...

Về quy mô lao động, trên 95% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động và có tới 50% số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản phải giảm quy mô lao động trên 20% so với quý 2/2022.

Một số doanh nghiệp có quy mô dưới 50 nhân viên thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với hơn 90% người lao động, gần như ngừng hoạt động kinh doanh, chỉ giữ lại những vị trí quản trị trọng yếu.

Một số doanh nghiệp khác dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, cho thôi việc hoặc chuyển sang chế độ không lương - cộng tác viên, cắt giảm lương tùy cấp bậc,... do không còn nguồn lực cầm cự.

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp môi giới đã tiếp tục sa thải thêm 10% - 20% nhân sự so với cuối năm 2022.

Dữ liệu khảo sát của VARs cũng cho thấy, nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý 3.2023, 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023.

Về khả năng cầm cự, ghi nhận cá biệt một số ít doanh nghiệp chuyển mô hình kinh doanh sang mảng cho thuê mang lại mức doanh thu tốt, thậm chí tăng 200% so với quý 1/2022 và 150% so với cuối năm 2022.

Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản

Bộ Xây dựng vừa đề xuất Tổ công tác của Thủ tướng tiếp tục làm việc với các địa phương, doanh nghiệp bất động sản ...

Cổ phiếu bất động sản đứng trước cơ hội lớn để bứt phá

Một số ý kiến cho rằng, những thương vụ M&A được kỳ vọng sẽ tiếp tục trợ lực, “thổi luồng gió ấm” vào nhóm cổ ...

Thành An

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán