Thị trường chứng khoán Việt Nam không thể duy trì đà tăng điểm sau phiên bứt phá trước đó khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có sự phân hóa mạnh. Chỉ số VN-Index giảm 0,11%, đóng cửa tại 1.303,16 điểm, trong khi HNX-Index mất 0,08% và UPCoM-Index giảm 0,24%. Giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt 22.022 tỷ đồng, cho thấy thanh khoản vẫn duy trì ở mức tích cực.
Trên sàn HOSE, nhóm VN30-Index phân hóa mạnh với áp lực giảm đến từ FPT (-1,07%), tiếp tục chuỗi điều chỉnh gần đây. Ngoài ra, các mã VNM, VPB, HDB, BVH cũng ghi nhận mức giảm từ 1-2%. Ở chiều tăng giá, một số mã ngược dòng như BCM (2,82%), MBB (1,74%), MSN (1,18%), VHM (1,24%), hỗ trợ chỉ số không giảm quá sâu.
![]() |
Thị trường cần dòng tiền dẫn dắt để bứt phá khỏi xu hướng giằng co |
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có diễn biến tích cực hơn thị trường chung, trong đó cổ phiếu chứng khoán (HCM, ORS, VND) và đầu tư công (VCG, KSB, HHV) là những điểm sáng trong phiên.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng với giá trị 399 tỷ đồng tập trung tại FPT (250 tỷ), HPG (152 tỷ), FRT (71 tỷ). Ở chiều ngược lại, VNM (193 tỷ), MWG (131 tỷ), SHB (50 tỷ) đứng đầu danh sách mua ròng.
Chứng khoán Asean (Aseansc) nhận định, thị trường có thể tiếp tục rung lắc trong thời gian tới do tác động từ các yếu tố vĩ mô. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, triển vọng nâng hạng thị trường và tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế sẽ là điểm tựa quan trọng, đặc biệt khi chỉ số đồng USD (DXY) có xu hướng giảm trong môi trường lãi suất thấp. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục giải ngân từng phần vào các cổ phiếu có nền tảng tốt và triển vọng kinh doanh tích cực, đồng thời giữ tỷ lệ tiền mặt hợp lý để tận dụng cơ hội khi thị trường điều chỉnh.
Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, VN-Index đang cố gắng vượt qua xu hướng tích lũy kéo dài, với vùng hỗ trợ quan trọng quanh 1.300 điểm. Dù thị trường có thể rung lắc liên tục để kiểm tra lại vùng giá này, xu hướng trung hạn vẫn tích cực khi thanh khoản duy trì ở mức cao hơn trung bình năm 2024. Nhà đầu tư nên tập trung vào các nhóm cổ phiếu đã điều chỉnh và tích lũy dài trong năm 2024 để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Chứng khoán BETA đánh giá, thị trường bước vào giai đoạn giằng co khi áp lực bán gia tăng nhưng lực cầu vẫn giữ vững, đặc biệt tại các nhịp điều chỉnh. Trong bối cảnh thị trường chờ đợi dòng tiền dẫn dắt hoặc sự bứt phá từ các nhóm ngành chủ chốt, chiến lược hợp lý là duy trì danh mục linh hoạt, tận dụng nhịp rung lắc để cơ cấu lại cổ phiếu. Những mã đã đạt kỳ vọng lợi nhuận có thể chốt lời một phần để bảo toàn thành quả, đồng thời cần quản trị rủi ro chặt chẽ, tránh mua đuổi khi thị trường hưng phấn.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, VN-Index có thể quay trở lại đà tăng trong phiên tới, hướng tới mốc 1.310 điểm. Xu hướng tăng vẫn duy trì, với khả năng vượt kháng cự 1.310 điểm khi nhiều nhóm ngành lớn đã xác nhận xu hướng bứt phá. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn khi thị trường tiến sát vùng kháng cự mạnh.
Chiến lược ngắn hạn (dưới 1 tháng): Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TĂNG. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao và có thể cơ cấu danh mục từ các cổ phiếu đã tăng mạnh sang các cổ phiếu mới xác nhận xu hướng tăng hoặc chưa tăng mạnh để tối ưu danh mục.
![]() | VN-Index giữ thành công mốc 1.300 điểm, nhóm dịch vụ tài chính và dầu khí là điểm sáng Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại phiên 25/2 với diễn biến giằng co khi VN-Index giảm nhẹ 1,40 điểm xuống 1.303,16 điểm. Nhóm ... |
![]() | Khối ngoại bán ròng 398 tỷ đồng, tâm điểm cổ phiếu FPT và HDB phiên 25/2 Khối ngoại tiếp tục bán ròng 398 tỷ đồng phiên 25/2, mức cao nhất trong hơn một tuần qua. FPT (-192 tỷ), HDB (-90 tỷ) ... |
![]() | SHS đánh giá triển vọng nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi Thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiến gần hơn đến mục tiêu nâng hạng từ FTSE Frontier lên FTSE Secondary Emerging Market, với 7/9 ... |
Đức Anh